Vụ "ăn chặn" gần 800 triệu: "Tôi không tư lợi dù chỉ một đồng tiền của người tâm thần"

Thứ năm, 05/11/2015, 09:57
“Gần 40 năm gắn bó với ngành thương binh xã hội, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi dám khẳng định không hề tư lợi bất cứ một đồng xu nào trong tất cả số tiền trên”, ông Nguyễn Xuân Phú – GĐ Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An nói trong nỗi nghẹn ngào.
Những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi thông tin về những sai phạm tại Trung tâm lao động xã hội Nghệ An được phanh phui. Theo đó, qua quá trình thanh tra làm rõ, trong 5 năm từ 2011 – 2015, Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An đã có những sai phạm với tổng số tiền 783 triệu đồng. Trong đó nội dung sai phạm nhiều nhất là trung tâm đã không trang cấp quần áo, đồ dùng cho các đối tượng trong suốt 5 năm liền với số tiền 538 triệu đồng.
Ngay sau đó Sở LĐTB&XH Nghệ An đã có quyết định đình chỉ công tác đối với GĐ Trung tâm là ông Nguyễn Xuân Phú và PGĐ trung tâm bà Nguyễn Thị Thu Phương.
Tìm gặp và trao đổi nhanh với ông Nguyễn Xuân Phú, vị “quan” được cho là đã cùng với cấp dưới “ăn chặn” gần 800 triệu đồng của người tâm thần, ông Phú cho biết, trong những ngày qua bản thân ông cùng với gia đình chịu rất nhiều sức ép, cuộc sống gia đình cũng có nhiều xáo trộn, đặc biệt người thân bị khủng hoảng nặng sau khi nhận được những thông tin trên.
“Tôi rất buồn trước những thông tin cho rằng bản thân tôi cùng với cấp dưới đã tư lợi, ăn bớt của người tâm thần đến 783 triệu đồng. Tôi khẳng định mình không hề tư lợi, hay mang về cho gia đình một đồng nào trong số tiền trên. Toàn bộ số tiền đó đều được chi vào việc công phục vụ lợi ích cho trung tâm. Trong nội dung thanh tra có nhiều điểm, nhiều khoản chúng tôi đã giải trình đầy đủ với đoàn nhưng không được chấp nhận vì không đúng theo quy định dù rằng trên thực tế số tiền ấy đã được chi rồi”, ông Phú nói trong xúc động.
Ông Nguyễn Xuân Phú cho biết bản thân ông không tư lợi dù chỉ một đồng tiền của người tâm thần, đối tượng xã hội.

“Gần 40 năm công tác trong ngành thương binh xã hội, 13 năm làm giám đốc tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, từ khi trung tâm còn rất hoang tàn thiếu thốn trăm bề, tôi luôn cố gắng nỗ lực lo cho cuộc sống của những đối tượng được chăm sóc tại đây. Nếu nói bản thân tôi tư lợi, tham ô thì gia đình tôi hiện tại có phải ở trong một căn nhà cấp 4 tồi tàn, cũ nát nữa hay không”, ông Phú trần tình sau những sức ép từ dư luận cho rằng bản thân ông cùng với cấp dưới đã “ăn chặn” gần 800 triệu đồng của người tâm thần, đối tượng bảo trợ xã hội.
Ông Phú cho biết thêm, với người tâm thần chế độ ăn mỗi ngày là 15.000 đồng/1 người, đối tượng bảo trợ xã hội là 12.000 đồng/1 người, chúng tôi lo cho họ 3 bữa mỗi ngày với số tiền trên, bao gồm củi, gạo, thức ăn, gia vị... thì còn đâu nữa để bớt xén. Không phải chúng tôi cào bằng, cho tất cả mọi đối tượng được ăn cùng một chế độ như nhau mà vẫn thực hiện đầy đủ theo quy định. Đồng thời một số đối tượng không muốn ăn sáng do trung tâm nấu mà muốn tự ăn cho hợp khẩu vị... chúng tôi thấy nhu cầu này là chính đáng nên chấp nhận. Trong đó mỗi lần nhận tiền đều có chữ ký, điểm chỉ của đối tượng và người giám hộ đầy đủ. Về những điều này chúng tôi cũng đã giải thích rõ với đoàn thanh tra nhưng không được chấp nhận.
“Do kinh phí dành cho những khoản chi thường xuyên của trung tâm rất hạn chế trong khi nhu cầu lại rất lớn như chi trả công tác phí cho anh em tập huấn, công tác đột xuất, tiếp khách... để giải quyết chế độ cho anh em tôi đã chi sai vào một phần tiền chế độ mua sắm. Về khoản này tôi xin nhận trách nhiệm, tuy nhiên bản thân cũng đã giải trình đầy đủ với đoàn thanh tra đồng thời có những giấy tờ kèm theo nhưng cũng không được chấp nhận”, vừa nói ông Phú vừa cho chúng tôi xem những giấy tờ công tác phí của nhân viên, cán bộ tại trung tâm mà ông đã duyệt chi trả như để minh chứng cho điều mình nói.
Một trong những giấy tờ công tác phí của cán bộ, nhân viên tại trung tâm đã được ông Phú duyệt chi. Những khoản này ông cũng đã giải trình với đoàn thanh tra nhưng không được chấp nhận.
Ghé thăm nhà riêng của ông Nguyễn Xuân Phú tại thị trấn huyện Đô Lương, Nghệ An, đó là căn nhà cấp 4 cũ rộng chừng 40 m2 nằm khuất sâu sau những con đường nhỏ ngoằn nghèo. Đây là nơi ở sinh hoạt của gia đình vị Giám đốc được cho là đã “ăn chặn” gần 800 triệu đồng của người tâm thần khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua.
Tiếp chúng tôi bà Nguyễn Thị Hường (vợ ông Phú), nghẹn ngào: “Thời gian qua bản thân tôi cũng như các con chịu rất nhiều áp lực, mọi người trong gia đình ai cũng biết rằng ông ấy không hề làm chuyện thất đức ấy. Nhưng những thông tin trên đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình tôi. Bản thân tôi cũng mong lãnh đạo các ban ngành xem xét kỹ lưỡng nội dung sự việc để có quyết định thấu tình đạt lý nhất. Nếu nói ông ấy tham ô, tham nhũng thì gia đình tôi đã không phải sống trong căn nhà như thế này nữa rồi”.
Căn nhà cấp 4, nơi sinh hoạt của gia đình ông Nguyễn Xuân Phú.

Trước những áp lực rất lớn từ dư luận, trong thời gian qua, ông Phú cũng như những cán bộ làm việc tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An đều tỏ ra mệt mỏi. Bà Nguyễn Thị Thu Phương – nguyên PGĐ Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An buồn bã: “Chúng tôi chỉ mong mọi người khi đọc thông tin thì một lần lên trung tâm, tìm hiểu xem xét công việc mà chúng tôi đã làm những năm qua để có đánh giá khách quan về sự việc. Tất cả những nội dung liên quan tôi cũng đã có bản giải trình chi tiết gửi lãnh đạo Sở. Tôi khẳng định bản thân mình không hề tư lợi cá nhân một đồng trong số tiền trên”.
Bà Phương cho biết trong thời gian qua đã có lúc bản thân nghĩ quẩn, trước sức ép quá lớn từ dư luận dành cho gia đình mình. Đặc biệt một số người thân trong gia đình còn nhận được những tin nhắn từ số máy lạ đe dọa, nói những thông tin không đúng sự thật khiến cuộc sống gia đình trở nên vô cùng nặng nề.
Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn