Sắp tới, người dân được quyền khai báo qua mạng và nhận kết quả qua mạng để giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực |
Theo loại hình DN, chỉ có 19% DN nhà nước cho biết phải chi thêm, trong khi có 33% DN dân doanh phải chi khoản này và tỷ lệ này tại DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên tới 41%. Trong khi đó, theo lĩnh vực hoạt động, DN nông nghiệp phải chi “ngoài luồng” thấp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 23%.
Có tới 40% DN tin rằng, họ sẽ bị phân biệt đối xử nếu không có khoản chi phí không chính thức. Trong đó, khối DN FDI có tỷ lệ lo ngại về phân biệt đối xử cao nhất (48%), tiếp đến là DN dân doanh (42%) và DN nhà nước (chỉ chiếm 29%).
Liên quan khuyến nghị cải cách, 86% số DN được hỏi cho rằng, ngành thuế cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; 71% số DN cho rằng, cần mở rộng các hình thức thông tin về cơ quan hành chính thuế và thủ tục hành chính thuế. Ngoài ra, một số vấn đề có trên 50% số DN được hỏi kiến nghị gồm: rút ngắn thời gian hành chính thuế, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Trước những băn khoăn, tâm tư hiện tại của cộng đồng DN, lãnh đạo Bộ Tài chính đã bày tỏ quyết tâm trong việc cải cách mạnh mẽ cơ chế, chính sách, tạo thuận lợn tối đa cho DN.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo chủ trương về xây dựng Chính phủ điện tử, người dân được quyền khai báo qua mạng và nhận kết quả qua mạng để giảm thiểu thời gian cho người dân trong tất cả các lĩnh vực. Đối với DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, Chính phủ cũng triển khai thực hiện để người dân được nộp qua mạng đối với dịch vụ thường xuyên và không thường xuyên.
Ông Tuấn cũng cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lý nhận được nhiều thông tin về vướng mắc của DN về hoàn thuế, phân loại hoàn thuế chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều DN không đáng được ưu tiên lại được thực hiện quá nhanh và ngược lại. Do đó, ông Tuấn đã gợi ý một số định hướng trong công tác quản lý rủi ro, khai thác tối đa vai trò của VCCI, của hiệp hội ngành nghề trong việc giải quyết khiếu nại của DN.
Thực chất, những nỗ lực cải cách của các cơ quan Nhà nước thời gian qua cũng đã có một số tiến triển, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN.
Đánh giá về sự chuyển biến của pháp luật thuế trong 5 năm qua đối với môi trường kinh doanh, 92% DN cho biết, pháp luật về thuế có sự chuyển biến khá hơn trước đây. 53% DN cho rằng, công chức thuế có thái độ đúng mực, 52% DN đánh giá tốt về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thuế. Tuy nhiên, cũng vẫn có tới 49% số DN cho biết từng gặp phiền hà về thủ tục hành chính thuế.
Theo Báo Đầu Tư