Chi phí không chính thức ám ảnh doanh nghiệp

Thứ bảy, 18/04/2015, 07:12
Doanh nghiệp Hà Nội thường tốn chi phí không chính thức khi đấu thầu giành hợp đồng, trong khi ở TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai lại mất tiền bôi trơn để được cấp phép kinh doanh.  

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16/4 cho thấy gánh nặng chi phí không chính thức ngày càng tăng với doanh nghiệp.

Giám đốc dự án PCI – Đậu Anh Tuấn nói rằng trong các chỉ số thành phần cấu thành PCI, điểm dành cho tiêu chí chi phí không chính thức có sự sụt giảm đáng lo ngại nhất và cũng là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra bi quan nhất.

Nhóm nghiên cứu cho hay chi phí ngoài lề sau hơn nửa thập kỷ có xu hướng giảm đã quay trở lại ngưỡng cao trong năm qua. 66% trong số 11.500 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Số liệu khảo sát gây nhiều quan ngại trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực chống tham nhũng, cải cách hành chính, nâng cao đạo đức của người thực thi công vụ.

Chi phí mà doanh nghiệp thường bỏ ra nhiều nhất là khi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng. Trong số gần 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia khảo sát, 66,2% cho biết phải bỏ tiền bôi trơn để thủ tục được suôn sẻ. Tỷ lệ này tăng cao trở lại trong 3 năm gần đây và đạt kỷ lục từ năm 2010 đến nay.

bando-4098-1429262984.jpg

Bản đồ một số chỉ tiêu chi phí không chính thức Nguồn: Báo cáo PCI 2014

Hơn 60% doanh nghiệp cho biết đã phải bỏ thêm tiền ngoài quy định cho các cơ quan thực hiện giám sát tuân thủ. Còn số công ty chấp nhận chi hoa hồng khi tham gia đấu thầu chiếm 31,4%.

Khi được hỏi “doanh nghiệp có gặp bất lợi trong đấu thầu nếu từ chối chi tiền hoa hồng” thì có tới 89% trả lời có, trong đó 32% công ty thường xuyên, 29% luôn luôn và 28% thi thoảng gặp bất lợi.

"Những con số nêu trên là tỷ lệ doanh nghiệp đã thực sự trực tiếp tham gia vào hoạt động tham nhũng chứ không chỉ nghe nói hay trả tiền gián tiếp thông qua môi giới hoặc công ty tư vấn", ông Đậu Anh Tuấn lưu ý.

Nếu hành vi “bôi trơn” có xu hướng giảm nhẹ so với một năm trước thì hối lộ trong giành hợp đồng lại tăng cao, gấp 3 lần năm 2013.

Hà Nội - địa phương có mức chi phí không chính thức khá thấp trong mắt nhà đầu tư ngoại song, lại là nơi được cho có tần suất tham nhũng trong đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước.

Đà Nẵng, TP HCM là hai địa phương có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng vừa được công bố nhưng vẫn được doanh nghiệp e ngại vì có tần suất nhận chi phí ngoài lề cao trong hoạt động cấp phép kinh doanh.

Kiên Giang là tỉnh đạt điểm cao nhất (7,02 trên thang điểm 10) ở mục chi phí không chính thức. Bình Dương đứng thứ 27 trên bảng xếp hạng PCI nhưng nhà đầu tư ghi nhận tỉnh này có tần suất yêu cầu chi trả thấp và quy mô khoản phí này ít nhất. Riêng khối FDI, nếu tỷ lệ trung bình trên cả nước bị yêu cầu trả phí không chính thức lên đến 89% thì mức này tại Bình Dương chỉ 50%.

“Chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở khoản bôi trơn trực tiếp mà gồm cả hiệu quả bị mất đi khi các nhà thầu không đủ năng lực được lựa chọn. Kết quả cho này cho thấy văn hóa chi hoa hồng cho cơ quan nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn”, báo cáo nhận định và dẫn chứng, có đến 10% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải mất 10% doanh thu nhằm chi phí không chính thức.

Với khối FDI, năm qua có đến 38% doanh nghiệp thống kê tổng chi phí không chính thức chiếm 1% doanh thu. Con số này tăng 6% so với mức 32% của năm 2013. Quy mô chi trả phí này của doanh nghiệp FDI được điều tra PCI ghi nhận cao nhất kể từ năm 2011.

Ông Edmund Malesky, thành viên nhóm nghiên cứu PCI-FDI cũng cảnh báo, việc gia tăng chi phí lẫn tần suất trả tiền không chính thức trong mọi hoạt động từ xin giấy phép đầu tư tới quá trình đấu thầu, xuất nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và do vậy, các công ty đang lưỡng lự việc mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu còn cho biết, so với một số nước lân cận, cảm nhận chung của các doanh nghiệp FDI là môi trường đầu tư Việt Nam kém hấp dẫn hơn vì tham nhũng và chi phí không chính thức. “Nhà đầu tư xếp hạng chất lượng cơ sở hạ tầng Việt Nam ngang Lào và Campuchia. Song ngạc nhiên là với tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật thì Việt Nam bị đánh giá thấp hơn nhiều hai quốc gia láng giềng”, báo cáo nhận xét.

Báo cáo PCI 2014 đã lượng hóa khá chi tiết về chi phí không chính thức, thường được Tổ chức minh bạch quốc tế gọi là chỉ số nhận thức tham nhũng hay chỉ số kiểm soát tham nhũng theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới.

Điều tra của nhóm nghiên cứu đã đặt ra nhiều câu hỏi ở hầu hết các hoạt động mà doanh nghiệp có khả năng phải chi trả thêm như xin phép đầu tư, ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước, thủ tục hải quan, thủ tục hành chính và ngay cả giải quyết tranh chấp tại tòa.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn