Tân Tổng giám đốc Techcombank - Murat Yuldashev từng nhiều năm làm quản lý cao cấp tại các công ty đầu tư và ngân hàng tại Kazakhstan và các nước Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông gia nhập Techcombank cùng thời điểm cựu CEO Simon Morris rời ngân hàng này. |
Quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc vừa được Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh công bố tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 diễn ra sáng 18/4 tại Hà Nội.
Theo đó, ông Murat Yuldashev - người đã đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành ở Tehcombank 2 năm qua, chính thức là Tổng giám đốc (CEO) của ngân hàng từ hôm nay 18/4. Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Anh, người trước đó tạm quyền Tổng giám đốc của ngân hàng sẽ trở lại đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT.
Cùng với việc bổ nhiệm CEO, Đại hội sáng nay của Techcombank cũng được chú ý khi một số cổ đông nhỏ đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng về việc nhiều năm không chia cổ tức. Trước đó, câu chuyện này được đại diện Techcombank lý giải là để gia tăng nguồn lực lâu dài cho ngân hàng.
"Cổ đông ngắn hạn chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn. Việc không chia cổ tức hàng năm nghĩa là các vị bỏ qua lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ. Tôi chưa thấy ngân hàng nào không trả cổ tức nhiều năm liền như vậy. Nếu không chia thì cần công bố cụ thể lộ trình", một nữ cổ đông phát biểu.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết việc không chia cổ tức những năm qua đã đóng góp một phần lớn vào việc tạo nguồn vốn, giúp Techcombank vượt qua khủng hoảng. "Nằm trong top đầu nhưng nếu so về năng lực vốn, Techcombank đang có một khoảng cách với các ngân hàng đã phát triển và còn chênh lệch nếu so với khu vực. Do đó, việc nâng cao năng lực vốn, các chỉ số an toàn là ưu tiên số một", ông nói.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, việc chia cổ tức nếu sớm, có thể diễn ra sau 3-5 năm tới. "Khi đạt mục tiêu giá trị bền vững thì việc chia cổ tức hàng năm sẽ không ảnh hưởng gì đến quy mô vốn", ông cho hay.
Chủ tịch Techcombank - Hồ Hùng Anh cho biết việc chia cổ tức, nếu sớm, có thể diễn ra trong vòng 3-5 năm tới. |
Một số ý kiến khác tại đại hội cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước có động thái mạnh mẽ hơn, thúc giục Techcombank niêm yết trên sàn chứng khoán để tăng tính minh bạch, tương tự như việc can thiệp vào chuyện chia cổ tức của các ngân hàng trong năm nay. Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý có mặt tại đại hội sau đó lại không trả lời trực tiếp vào vấn đề này.
Trong khi đó, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết không riêng cổ đông nhỏ, cổ đông lớn cũng rất muốn lên sàn. "Không ai muốn ôm đống giấy mà không biết giá bao nhiêu. Vấn đề là lên ở thời điểm nào để phù hợp nhất", lãnh đạo nhà băng chia sẻ.
Về khả năng sáp nhập với ngân hàng khác, Chủ tịch Techcombank cho biết chắc chắn sẽ xảy ra nhưng không phải trong năm 2015. "Cần xây dựng năng lực nội tại tốt, cho chuẩn đã. Không thể M&A theo hướng 2 tổ chức còn quá nhiều cái không chuẩn được", ông Hồ Hùng Anh cho biết. Trước đó trong năm 2014, Techcombank đã mua lại 100% vốn của Công ty tài chính Hóa chất.
Cũng theo vị lãnh đạo này, Techcombank đã bán cho VAMC 3.400 tỷ đồng nợ xấu. Về số trái phiếu đặc biệt này, ông Hồ Hùng Anh cho biết dự kiến sẽ trích lập dự phòng sớm hơn quy định 5 năm, nhiều khả năng đến 2016 sẽ dứt điểm xong. Quý I năm nay, ngân hàng báo lãi 418 tỷ đồng.
Theo VnExpress