Khi Techcombank - ngân hàng có chỉ số kinh doanh tốt nhất trong số các nhà băng cổ phần 2 năm trước đây, công bố bổ nhiệm tổng giám đốc (CEO) mới, nhiều lãnh đạo trong giới tài chính đều ngỡ ngàng. Không giống như nhiều CEO khác, lãnh đạo mới của Techcombank chưa có thời gian làm điều hành kinh doanh trực tiếp ở chi nhánh hay kinh qua vị trí phó tổng giám đốc. Trong khi đó, đây được coi là những trải nghiệm cần thiết với một vị trí cần sự quyết đoán và uyển chuyển về kinh doanh như CEO.
Ông Đỗ Tuấn Anh sinh năm 1973, có thâm niên làm việc tại Ngân hàng Nhà nước trước khi đầu quân về Techcombank.
Xuất phát điểm là nhân viên vụ Hợp tác quốc tế năm 1995, khi mới 22 tuổi, sau 8 năm, ông Đỗ Tuấn Anh được bổ nhiệm chức Phó phòng Vụ Hợp tác quốc tế và 3 năm sau là Trưởng phòng thanh tra ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).
“Bén duyên” với Techcombank từ năm 2007 với chức danh trợ lý cao cấp HĐQT, đến năm 2009, ông được cất nhắc lên làm Trưởng ban kiểm soát rồi Giám đốc khối chiến lược và phát triển ngân hàng. Cuối năm 2012, ông này “có chân” trong HĐQT Techcombank và được bổ nhiệm quyền tổng giám đốc từ 13/8/2013.
Quyền tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Techcombank - ông Đỗ Tuấn Anh (40 tuổi) có vỏn vẹn 0,1% cổ phiếu của nhà băng này. |
CEO tại Techcombank nhiều năm qua là chỗ của “người đặc biệt”. Ông Nguyễn Đức Vinh - người giữ vị trí này trước đây, là người có công lớn trong việc vực dậy một ngân hàng lâm vào tình cảnh bí bét, “đi xuyên qua” những lủng củng của HĐQT, đưa Techcombank vào danh sách ngân hàng vận hành hiệu quả nhất Việt Nam.
Sau khi ông Vinh rời Techcombank sang VP Bank, vị trí CEO thuộc về một “người đặc biệt” khác - ông Simon Morris. Tuy nhiên, không giống như người tiền nhiệm, CEO người nước ngoài chỉ tại vị gần 2 năm với các kết quả kinh doanh liên tục lao dốc và rời ghế với “lý do cá nhân”.
Một năm sau khi được bổ nhiệm vị trí CEO, ông Simon Morris khiến cho cái tên Techcombank được nhắc tới khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, trong những bối cảnh buồn. Đầu tiên là lá tâm thư “cắt” thưởng Tết năm 2012, gây hụt hẫng cho không ít cán bộ công nhân viên nhà băng. Tiếp đó, trong năm 2012, kết quả kinh doanh của ngân hàng sụt giảm mạnh, từ hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn hơn 765 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhân sự ngân hàng này cũng “rớt” từ hơn 8.300 người cuối năm 2011 xuống còn hơn 7.100 người, giảm hơn 1.000 người sau 1 năm. Đó là những thông số được phản ánh trên báo cáo tài chính của Techcombank tại thời điểm một năm sau khi ông Simon Morris ngồi ghế của "người đặc biệt".
Ông Đỗ Tuấn Anh bất ngờ ngồi vào vị trí của “người đặc biệt” tại Techcombank trong bối cảnh kết quả kinh doanh của nhà băng này không mấy khả quan, bối cảnh chung của ngành ngân hàng cũng khá bi đát. Việc bổ nhiệm một người chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành kinh doanh trực tiếp vào vị trí quan trọng bậc nhất của một ngân hàng lớn cũng cho thấy phần nào vai trò thực sự của vị quyền CEO mới.
Trước đó, một ngân hàng lớn khác cũng có CEO với kinh nghiệm tương tự như ông Đỗ Tuấn Anh. Vị lãnh đạo này cũng chưa có kinh nghiệm về điều hành kinh doanh trực tiếp, chủ yếu làm công việc trợ lý cho hội đồng quản trị (HĐQT) và sau đó được bổ nhiệm làm tổng giám đốc.
Trên thực tế, những lãnh đạo trong giới ngân hàng đều biết rằng, quyết định đều nằm trong tay gia đình chủ tịch. Tuy nhiên, CEO này vẫn giữ chức trong nhiều năm trước khi có sự thay đổi quyền lực tại nhà băng và bị một số đồng nghiệp gọi đùa là “Thợ ký”.
Trần Hùng Huy - Chủ tịch 7x của ACB có nhiều năm kinh nghiệm tại ngân hàng này trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ cao nhất trong HĐQT. |
Tại ACB, vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) cũng có những nét tương đồng vào lúc nhậm chức. Ông Huy được chọn vì người tiền nhiệm (ông Trần Xuân Giá) vướng vào vụ án của bầu Kiên và không thể tiếp tục công việc. Ngoài việc không có ứng viên nào trong HĐQT nhận trách nhiệm, ông Huy được chọn một phần bởi là con của ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập ACB đồng thời cũng là Chủ tịch của nhà băng này trước đó.
Trong bối cảnh ACB khủng hoảng nặng nề, việc đưa một lãnh đạo còn trẻ vào vị trí Chủ tịch HĐQT cũng phần nào phản ánh phương án “chín ép” của nhà băng này. Tuy nhiên, những cổ đông nhà băng này cũng không quá lo lắng bởi người nắm quyền thực sự - ông Trần Mộng Hùng, đã quay trở lại HĐQT một cách chính thức.
Mặc dù có những điểm tương đồng về vai trò trong ngân hàng nhưng tiềm lực của 2 sếp 7x rất khác nhau. Ông Đỗ Tuấn Anh chỉ có 0,1% cổ phiếu của Techcombank và không có quan hệ huyết thống đặc biệt với các thành viên HĐQT cấp cao. Trong khi đó, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy nắm giữ tới 3,07% cổ phiếu của nhà băng này, chưa kể đến việc là con trai của ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập ACB và cũng là người nắm quyền thực sự tại nhà băng này trong nhiều năm.
Vai trò được đào tạo để trở thành người kế nhiệm của ông Trần Hùng Huy tại ACB là khá rõ ràng. Trong khi đó, sếp 7x - Đỗ Tuấn Anh thì chưa rõ ràng như một lựa chọn tạm thời để tìm CEO mới hay là một ứng viên tài năng xuất chúng cho vị trí lãnh đạo tại Techcombank.
Theo Tri Thức