Rúng động và đảo lộn
Ngày 21/08/2012, thị trường tài chính Việt Nam nói chung và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nói riêng đã rúng động mạnh chưa từng có trước thông tin "Bầu" Kiên - Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB bị bắt giam để điều tra về các sai phạm trong hoạt động kinh tế.
Mức độ ảnh hưởng nghiệm trọng của sự việc này, ngay lập tức đã được thể hiện. Chỉ trong vòng 3 ngày sau đó, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi 5,6 tỷ USD, chưa kể đến chuỗi phiên giảm điểm kéo dài sau đó. Hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút ra khỏi ACB chỉ trong vài ngày.
Sóng gió liên tiếp ập đến với ACB. 3 ngày sau khi Bầu Kiên bị bắt giam, như một hệ quả, ông Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB cũng bị bắt giam. Mức độ nghiêm trọng của sự việc chưa dừng lại ở đó khi hơn một tháng sau, ngày 27/09/2012, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố.
ACB là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất Việt Nam vào thời điểm đó, với tổng tài sản được ghi nhận vào ngày 31/06/2012 là xấp xỉ 256 nghìn tỷ đồng. Sau sự cố, ngày 30/09/2012, con số này được ghi nhận còn lại khoảng 214 nghìn tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 30/06/2016, tổng tài sản của ACB còn lại khoảng 169 nghìn tỷ đồng.
Liền sau sự cố, một đòn mạnh nữa được giáng vào ACB khi NHNN yêu cầu các Ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng của khách hàng. Đây là yếu tố góp phần làm cho tổng tài sản của ACB sụt giảm và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoản lỗ trên 1.700 tỷ đồng của ACB trong Quý 4/2012. Chính những nguyên nhân trên đã làm cho cấu trúc bảng cân đối tài sản của ACB có những thay đổi rất lớn.
Cùng với sự hay đổi trong cấu trúc bảng cân đối tài sản, bộ máy quản trị của ACB cũng có những thay đổi lớn khi mà gần như toàn bộ những thành viên Hội đồng Quản trị cũ có liên quan đến Bầu Kiên đều đã không còn. Một Hội đồng Quản trị mới đã được hình thành với 2 trụ cột chính là: Gia đình Ông Trần Mộng Hùng - Người sáng lập ACB và cổ đông chiến lược của ACB - Ngân hàng Standard Chartered.
Giai đoạn mới của ACB
Với sự trở lại của gia đình ông Trần Mộng Hùng, ACB như được trở về với "chính chủ". Ngày 7/8/2013, gần một năm sau ngày Bầu Kiên bị bắt, cơ quan điều tra Bộ Công An đã công bố kết luận điều tra liên quan đến những sai phạm của Bầu Kiên, và đề nghị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn thuế và cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Với những gì cơ quan điều tra công bố, công bằng mà nói, trong sự việc này, ACB cũng chỉ là một nạn nhân của Bầu Kiên. Những thiệt hại ACB gánh chịu có thể chưa giải quyết dứt điểm được ngay, cần phải có thời gian và kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Nhưng qua những gì cơ quan điều tra công bố, có thể phần nào đã giúp ACB và các bên liên quan thấy được giới hạn của những thiệt hại ACB sẽ phải gánh chịu, những thiệt hại có thể không lớn như những gì mà nhiều người dự đoán trước đó.
Một động thái nữa cho thấy sự quyết tâm của Hội đồng Quản trị mới là trong vấn đề công khai và xử lý nợ xấu. Con số nợ xấu công bố trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 có thể làm nhiều người ngạc nhiên, với hơn 3.300 tỷ đồng và chiếm xấp xỉ 3% trên tổng dư nợ nhưng nó lại là cần thiết cho ACB trong việc trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu.
Xử lý trạng thái vàng huy động, giải quyết nợ xấu có thể làm cho tổng tài sản, lợi nhuận của ACB giảm trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, tài sản của ACB sẽ đúng thực chất hơn.
Bên cạnh đó, ACB cũng đã có những điều chỉnh kịp thời trong chính sách nhân sự; quản lý chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, theo số liệu công bố đến 30/06/2013, chi phí hoạt động của ACB đã giảm mạnh, đặc biệt là chi phí nhân viên giảm gần 30% tương đương gần 300 tỷ đồng so với thời điểm 30/06/2012.
Một năm sau sự cố Bầu Kiên, ACB chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm và họ luôn nhớ mình vừa trải qua một sự cố chưa từng có trong lịch sử.
Theo VEF