Ông Bùi Pháp, Chủ tịch của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, vốn được biết đến là một doanh nhân thành đạt, đứng thứ 39 trong top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010. Ông trở thành một trong những người giàu nhất trong ngành kinh doanh gỗ ở Việt Nam với niềm đam mê bất tận với mặt hàng này.
Sinh ra tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, là con út trong một gia đình nông dân nghèo khó, Bùi Pháp mồ côi cha lúc vừa tròn 3 tháng tuổi. Đến năm 18 tuổi, vào ngày 13/6/1979 chàng thanh niên Bùi Pháp thoát ly gia đình, rời quê hương tìm kế sinh nhai. Ngày ông ra đi, mẹ già bịn rịn dúi vào tay thằng út một chỉ vàng, còn các anh chị gom góp được 170.000 đồng để em có tiền phòng thân, làm vốn khởi nghiệp.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch của Tập đoàn Đức Long Gia Lai
Chọn Gia Lai làm đất hứa, những năm chập chững vào đời, ông Pháp học nghề chế tạo cơ khí, sửa chữa nâng cấp xe vận tải, làm nhà xưởng. Từ một người thợ, ông mày mò học hỏi, tìm tòi, kiên trì chờ cơ hội. Lăn lộn giữa chợ đời 16 năm, chắt chiu vốn liếng, kinh nghiệm, tháng 9/1995, ông Pháp thành lập Xí nghiệp Đức Long Gia Lai với ngành nghề là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Đức Long Gia Lai có vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng, 9.700m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động. Sau 15 năm vừa sản xuất và xây dựng, Đức Long Gia Lai đã phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 150.000m2 mặt bằng nhà xưởng, sân bãi với 4 nhà máy sản xuất cùng 7 dây chuyền chế biến sản phẩm gỗ hiện đại, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các nước như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật, Singapore, Thái Lan...
Đến tháng 6/2007, công ty thành lập và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, từ đó Đức Long Gia Lai lần lượt thành lập 20 công ty thành viên, mở và liên kết thành lập 13 chi nhánh, cửa hàng trong và ngoài nước. Năm 2010, Tập đoàn đã chính thức niêm yết thành công cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (mã chứng khoán DLG), đưa ông Bùi Pháp trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, vốn điều lệ của Đức Long Gia Lai lên tới gần 671 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho hay, trong cuộc đời ông, để tạo dựng sự nghiệp, ngoài gia đình, ông chịu ơn rất lớn của 3 người. Đó là anh tài xế lái xe, ông bảo vệ và cô cấp dưỡng vì họ đã theo ông phục vụ 15 năm đằng đẵng.
Nói về phương châm thành công, ông Bùi Pháp cho hay: Nói là phải đi đôi với làm, mà đã làm là phải đến nơi đến chốn thì mới đi đến được cánh cửa thành công.
Ông Bùi Pháp còn được biết đến là một ông bầu của làng bóng chuyền Việt Nam, khi ông sở hữu đến 2 đội bóng chuyền triệu đô. Năm 2008 giới thể thao bắt đầu biết đến một doanh nhân chơi ngông, thường xuyên tài trợ và mời những ngôi sao nước ngoài về đầu quân cho đội Đức Long Quân khu 5. Và sau đó, một đội bóng chuyền mang tên Đức Long Gia Lai tiếp tục được ra đời. Dù việc kinh doanh vô cùng bận rộn, ông vẫn tranh thủ thời gian lặn lội sang Trung Quốc, Thái Lan để săn lùng cầu thủ giỏi cho đội bóng.
Với ông bầu này, việc kinh doanh trên thương trường hay đầu tư cho bóng chuyền chỉ là màn mở đầu của một trò chơi. Trong đó thắng hay thua đều liệt vào hàng thứ yếu, điều cần thiết là phải chơi đẹp và nỗ lực hết mình vươn đến đỉnh cao, luôn nuôi dưỡng khát khao chinh phục mọi thách thức.
Lê Hải Liễu, bà chủ Gỗ Đức Thành
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành được biết đến là một doanh nhân thành đạt trong ngành kinh doanh gỗ Việt, được mệnh danh là "nữ tướng ngành gỗ".
Bà Lê Hải Liễu sinh năm 1962 tại TP.HCM, là cử nhân Kinh tế của Đại học Kinh tế TP.HCM. Sau khi ra trường, bà Liễu trở thành giảng viên Khoa Thống kê - Toán của trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Năm 1991, bà Liễu sang Đức du học 2 năm. Sau khi từ Đức trở về, bà vào làm việc tại Công ty Gỗ Đức Thành với vị trí Giám đốc. Sau những cống hiến, bà trở thành Phó Chủ tịch HĐQT của công ty này vào năm 2000 và sau đó là kiêm luôn chức Tổng giám đốc của Gỗ Đức Thành vào năm 2003. Bà Liễu trở thành Chủ tịch Gỗ Đức Thành vào tháng 9/2006. Hiện tại, bà Liễu có hơn 31% cổ phần của Gỗ Đức Thành (tương đương hơn 3,2 triệu cổ phiếu tại đây).
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành
Đầu năm 2009, Gỗ Đức Thành kinh doanh ế ẩm khi hàng loạt công ty dừng ký hợp đồng. Lúc đó, chỉ nghĩ tới việc trả lương cho nhân công cũng khiến các CEO bạc đầu nhưng bà Liễu một mặt tìm mọi cách duy trì công ty, chờ thị trường xuất khẩu ấm lên, một mặt dốc vốn sẵn có đầu tư mua nguyên liệu với giá hời và chuyển hướng sang thị trường nội địa. Chính cách làm này đã giúp doanh thu nội địa tăng từ 5% đến 20% trên tổng doanh thu. Không lâu sau, thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, nguyên liệu mua về trước đó được giải phóng khỏi xưởng với giá cao hơn nhiều so với lúc thu mua.
Bà Liễu cho biết, doanh nghiệp của bà thường phất lên nhờ khủng hoảng. "Tôi không chú trọng vào các khách hàng lớn hay vào một thị trường duy nhất mà tìm kiếm đơn hàng lẫn bạn hàng ở khắp năm châu, để nếu khách hàng nào hoặc nơi nào đột ngột có biến, cũng còn nhiều nơi khác chữa cháy".
Tiếp quản công ty từ cha khi mới ngoài 30 tuổi, lúc đó bà Lê Hải Liễu không tiếng tăm, không kinh nghiệm, khó khăn trong cả đối nội lẫn đối ngoại. Nhiều nhân viên không tin tưởng khi nhìn thấy cô tiểu thư không biết gì về gỗ hay xuất khẩu, nay đứng ra lèo lái cả doanh nghiệp. Tới nay, sau hơn 20 năm lăn lộn với nghề, từng đối mặt với những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, bà Liễu đã đưa Gỗ Đức Thành trở thành doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành kinh doanh gỗ Việt, nhiều năm liền được bình chọn là "Thương hiệu mạnh" quốc gia, sản phẩm được xuất khẩu đi 45 nước trên thế giới.
Bà Lê Hải Liễu cũng từng là Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành địa phương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, được bình chọn gương "Người tốt việc tốt", "Điển hình tiên tiến xuất sắc toàn quốc" nhiều năm liền, được UBND TP.HCM tặng danh hiệu "doanh nhân tiêu biểu" năm 2005 - 2009, được Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam bình chọn danh hiệu "Doanh Nhân Việt Nam tiêu biểu" và được Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đề tặng "Người đàn bà đi khắp thế gian" trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006.
Võ Trường Thành, ông chủ Gỗ Trường Thành
Năm 21 tuổi, đang làm nghề "gõ đầu trẻ", ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định để lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) (thuộc Tổng đội TNXP TP.HCM) đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của ông với gỗ.
Võ Trường Thành, ông chủ Gỗ Trường Thành
Sau hơn 7 năm miệt mài với xưởng gỗ, ông được tín nhiệm bầu vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản TNXP. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy vị giám đốc "ra riêng" với số vốn vay mượn 50 triệu đồng để thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, dồn cùng thời điểm Chính phủ ra chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ, tưởng như xóa sổ niềm đam mê của ông. Sau 3 tháng đóng cửa nhà máy (năm 1998), doanh nghiệp sản xuất trở lại với cường độ thấp, tăng dần khi thị trường trong nước vào mùa mua sắm cuối năm.
Vượt qua khủng hoảng, năm 1999, Công ty mua lại Công ty VINAPRIMART, mở rộng hoạt động đến Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 2 tháng kể từ thương vụ này, Trường Thành đã xuất khẩu 5 container hàng đầu tiên sang châu Âu...
Công ty của ông có nhiều lúc gặp khó khăn, như năm 2010, tiền lãi vay ngân hàng đã lên đến 171 tỷ đồng, nhưng ông vẫn đưa công ty vượt bão, tiến hành phân khúc thị trường, gia tăng đơn hàng giá trung bình, đồng thời tổ chức huấn luyện công nhân cách tạo ra những sản phẩm có giá thành cạnh tranh...
Với doanh nhân Võ Trường Thành, cuộc đời của mỗi người là một chuỗi những cuộc leo núi và ông tìm thấy hạnh phúc trong suốt quá trình leo núi, chứ không phải đứng trên đỉnh núi.
Hơn 25 năm gắn bó với gỗ và rừng, ông phát triển công ty với mong muốn mang đến cái nhìn mới cho mọi người về nghề và người kinh doanh gỗ. Trải qua nhiều thăng trầm, từ một xưởng gỗ nhỏ chỉ vài chục nhân công làm việc, giờ đây đã trở thành tập đoàn lớn với hơn 6.500 nhân công, đạt bình quân khoảng 300 container thành phẩm hàng tháng, và khẳng định thương hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hoa kỳ, Thụy Điển, Đài Loan, Hàn Quốc...
Bên cạnh việc kinh doanh, ông còn tích cực đóng góp cho xã hội như: Tài trợ một số chương trình của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA), giúp đỡ bà con bị thiệt hại sau lũ tại miền Trung, hỗ trợ đào tạo miễn phí cho 21 học viên Nam Phi theo chương trình hợp tác của tỉnh Bình Dương... và còn rất nhiều hoạt động khác vì cộng đồng, bởi với ông "khi mình đạt được thành công thì phải biết mang kết quả đó chia sẻ cùng xã hội".
Nguyễn Văn Công, ông chủ Gỗ Trường Hưng
Sinh ra ở làng nghề sắt thép Châu Khê, song Nguyễn Văn Công, Giám đốc Công ty TNHH Trường Hưng (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) được nhiều người biết đến với cách lập nghiệp khá lạ lùng và đặc biệt.
Tốt nghiệp THPT với học lực loại giỏi nhưng Nguyễn Văn Công không theo con đường học hành thi cử mà lập nghiệp bằng việc học nghề, mở xưởng. Sau một thời gian dài phát triển dưới hình thức một cơ sở sản xuất, Nguyễn Văn Công nhận thức được rằng: Lập công ty là con đường tất yếu trên đà phát triển của các doanh nghiệp trẻ làng nghề. Vừa làm, anh vừa theo học khóa bồi dưỡng quản trị kinh doanh rồi ngày 12/07/2007 Công ty TNHH Trường Hưng được thành lập.
Từ xưởng sản xuất đồ gỗ lụp xụp trong làng, nay Nguyễn Văn Công đã có cơ sở sản xuất tập trung rộng rãi với hàng trăm công nhân. Trường Hưng chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp; Thiết kế trang trí nội thất gỗ khách sạn, biệt thự, căn hộ, nhà ở cao cấp, văn phòng...
Từ vốn ban đầu 1,5 tỷ đồng và 15 công nhân tay nghề bậc trung, nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm liên tiếp của ông Nguyễn Văn Công, cùng với sự say mê nghề của các bác thợ thủ công đã làm nên kỳ tích như ngày hôm nay. Từ doanh thu 5 tỷ đồng năm 2007, đến hết năm 2009 doanh thu của Công ty đã lên hơn 30 tỷ đồng, năm 2010 là hơn 100 tỷ đồng.
Đến nay, Trường Hưng đã trở thành một trong những doanh nghiệp gỗ lớn hàng đầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Sản phẩm của Mỹ nghệ Trường Hưng đã có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Lào...
Cùng với những nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, Giám đốc Nguyễn Văn Công đã được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2010, Cúp vàng "Doanh nhân tâm tài" năm 2011. Công ty TNHH Trường Hưng cũng được nhận Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu Asean" và "Thương hiệu nổi tiếng Asean".