Thời gian qua, chứng kiến hiện tượng vàng đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần như được bán hết sạch, kể cả trước và sau thời điểm tất toán vàng (ngày 30/6/2012) – thời điểm mà theo phân tích của giới chuyên gia, nhu cầu vàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ trở về trạng thái cân bằng - rất nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn lượng vàng này đã đi đâu?
Băn khoăn này cứ “nặng” dần, “nóng” lên từng ngày trong suy nghĩ của giới đầu tư, đặc biệt là khi lượng vàng đấu thầu này lại phần lớn được các ngân hàng thương mại gom mua. Tại sao lại có hiện tượng này? Câu trả lời chỉ có thể là các ngân hàng thương mại đang tìm kiếm cơ hội sinh lời thông qua các hoạt động kinh doanh vàng bởi hiện giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới 3,3 triệu đồng/lượng.
Nghi vấn này phần nào được giải đáp khi ông Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam đưa ý kiến rằng, đầu ra tín dụng đang rất khó khăn, đồng tiền “nằm im” trong két không sinh lời nên rất có thể các ngân hàng sẽ dùng lượng tiền huy động được để đi mua USD, Trái phiếu Chính phủ… và không loại trừ là dùng lượng tiền đó đi mua – bán vàng.
Vàng đấu thầu đang được các ngân hàng mang kinh doanh. |
Theo tính toán của ông Hải, nếu chiếu theo quy định các ngân hàng được duy trì số vàng dương 2% thì với 22 ngân hàng hiện được phép kinh doanh vàng, số dư vàng có thể lên tới 70.000 lượng. Ông cũng cho rằng, nếu 22 ngân hàng này “cùng hành động theo một hướng” thì hoàn toàn có thể gây tác động lên giá vàng thị trường.
Điều này cũng được lãnh đạo của NHNN lên tiếng thừa nhận tình trạng giá vàng bị đẩy lên cao vào những ngày NHNN không đấu thầu vàng miếng.
Một điểm nữa cũng được giới chuyên gia chỉ ra là nguyên nhân khiến trạng thái vàng trong nước luôn thiếu là do tâm lý gắm giữ vàng của người dân – vấn đề đã được nhắc tới từ hơn 1 năm nay. Nhìn lại diễn biến trên thị trường vàng thời gian qua có thể nhận thấy, mặc dù NHNN cũng như các ngân hàng thương mại đã áp dụng rất nhiều giải pháp nhằm “hút vàng” trong dân vào nền kinh tế nhưng hiệu quả mang lại rất hại chế. Thậm chí, tâm lý mua hơn bán đang khiến ‘cục vàng” trong dân cứ nặng dần và biểu hiện của nó chính là hiện tượng vàng đấu thầu bao nhiêu cũng bán hết.
Ngoài ra cũng phải thấy rằng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đang trong giai đoạn khó khăn và mới chỉ lấy lại đà phục hồi trong 1, 2 tháng gần đây nên khả năng hấp thụ vốn từ hệ thống ngân hàng là rất thấp. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thì có nhiều nhưng cái căn bản nhất là do các ngân hàng sợ “sức khỏe” của doanh nghiệp yếu, nguy cơ rủi ro cao nên không dám cho vay. Còn phía doanh nghiệp thì cái gì “cầm cố” được thì gần như đã “cầm cố” hết nên cũng chẳng có cơ sở gì để xin vay tiếp.
Tín dụng tắc vì như thế! Cộng hưởng với nó là việc dòng vốn trong xã hội cũng đang tắc bởi hầu hết các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản… và cả vàng đều không còn hấp dẫn. Điều này cũng dẫn tới tình trạng vốn huy động của hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2013.
Qua đó để thấy rằng, việc cho rằng các ngân hàng thương mại đang tìm đến vàng để tìm kiếm lợi nhuận là hoàn toàn có cơ sở. Vốn huy động tăng cũng đồng nghĩa với việc chi phí trả lãi huy động cũng tăng và các ngân hàng sẽ buộc phải tìm mọi cách để bù đắp khoản tăng chi phí này.
Tuy nhiên có một thực tế, vàng luôn là kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường vàng nước ta hiện đang bị yếu tố tâm lý đang chi phối quá nhiều. TS Nguyễn Trí Hiếu thì giá vàng thế giới phụ thuộc rất nhiều vào “sức khỏe” và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng như đã thấy, nền kinh tế thế giới 2 năm trở lại đây lại không có mấy sự yên ổn, hết khủng hoảng nợ công ở châu Âu lại đến khủng hoảng tài chính ở Mỹ…
Từ những phân tích trên để thấy rằng, rất có thể vì dư tiền nên các ngân hàng đang đổ tiền vào mua – bán vàng khi nhu cầu vàng và xem ra đây là câu trả lời thỏa đáng nhất cho câu hỏi: Vàng đấu thầu đi đâu?
Chấp nhận chơi với vàng tại thời điểm hiện tại khi giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới có thể xem là lựa chọn hợp lý nhưng rõ ràng, với những rủi ro vốn có của vàng, các ngân hàng cũng đang chấp nhận một canh bạc với hoạt động kinh doanh này!
Theo Petrotimes