Cuối năm 2009, do giá cổ phiếu của ngân hàng ACB xuống thấp, trước sức ép của cổ đông, để nâng giá trị cổ phiếu của ngân hàng ACB, ngày 2/11/2009, thường trực HĐQT ACB họp và ra chủ trương dùng tiền của chính ngân hàng này thông qua Công ty chứng khoán ACBS (công ty do ngân hàng ACB sở hữu 100%). HĐQT ACB cũng thống nhất giao cho Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò “đạo diễn” thực hiện nội dung này.
Thiệt hại của ACBS trong vụ Nguyễn Đức Kiên là không nhỏ |
Nhưng vì quy định pháp luật không cho phép, Kiên đã chỉ đạo ACBS ký hợp đồng uỷ thác đầu tư với Công ty CP Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN) để mua cổ phiếu của ACB. Để có thể “bơm” tiền cho ACBS, ngân hàng ACB đã chuyển cho Kienlongbank, Vietbank số tiền 1.500 tỉ đồng để các ngân hàng này mua trái phiếu do ACBS phát hành. ACBS đã dùng tổng số 1.557 tỉ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu và vốn tự có chuyển cho ACI và ACI-HN để mua tổng cộng 52,5 triệu cổ phiếu ACB.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc đầu tư cổ phiếu, PWC đã phát hiện sai phạm và yêu cầu ACI, ACI-HN trả lại số tiền mà ACBS đã chuyển cho 2 công ty này để loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục đầu tư của ACBS. Để có tiền trả cho ACBS, Kiên đã chỉ đạo ACI và ACI-HN phát hành trái phiếu cho Vietbank với tổng giá trị 1.693 tỉ đồng và ACBS đứng ra bảo lãnh cam kết thanh toán toàn bộ gốc và lãi trái phiếu, không có tài sản đảm bảo. Số tiền này cũng được Kiên chỉ đạo ACB chuyển cho Kienlongbank và Vietbank vay qua thị trường liên ngân hàng.
Sau đó, 52,5 triệu cổ phiếu ACB mà ACI và ACI-HN đang nắm giữ lần lượt được 2 công ty này dùng làm tài sản đảm bảo để vay 385 tỉ đồng từ ngân hàng Nam Á để thanh toán 500 tỉ đồng trái phiếu cho Vietbank. Đến 4/4/2012, khi khoản vay này đến hạn trả, ACI đã vay của ngân hàng ACB 400 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là một số cổ phiếu mà ACI đứng tên mua hộ ACBS. Ngày 30/7/2012, khoản vay tại ACB đến hạn trả, Kiên tiếp tục chỉ đạo ACI vay 506 tỉ đồng từ HDBank với tài sản đảm bảo là 37,5 triệu cổ phiếu ACB do ACI đứng tên mua hộ ACBS.
Khi Nguyễn Đức Kiên bị bắt, HDBank đã bán phần lớn số cổ phiếu này để thu nợ. Còn số tiền 1.193 tỉ đồng trái phiếu do ACI và ACI-HN phát hành cho Vietbank khi đến hạn ngày 29/3/2013, ACBS có trách nhiệm phải thanh toán và mua lại. Trong khi đó, số cổ phiếu ACB mà ACI và ACI-HN đang nắm giữ chỉ còn 19,56 triệu cổ phiếu, mất 32,94 triệu cổ phiếu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 cũng thể hiện ACBS hưởng toàn bộ lợi ích và gánh chịu rủi ro phát sinh từ số cổ phiếu mà công ty mua thông qua hợp tác đầu tư với ACI và ACI-HN. Đồng thời, bản báo cáo cũng cho thấy, ACBS có thoả thuận cho phép ACI và ACI-HN sử dụng toàn bộ số cổ phiếu hợp tác đầu tư với 2 công ty này làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu phát hành.
Tổng số tiền thuộc danh mục phải thu từ thanh lý các khoản đầ tư đã mua thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư được thể hiện trong báo cáo tài chính của ACBS là 473 tỉ đồng. Số tiền này hiện đang được phong toả theo thoả thuận về việc bán tài sản đảm bảo cho các trái phiếu phát hành bởi ACI và ACI-H cho các tổ chức tín dụng trong nước.
Báo cáo cũng cho thấy, ACBS đứng bảo lãnh cho ACI và ACI-HN phát hành 1.193 tỉ đồng trái phiếu nhưng hiện giá trị một số cổ phiếu niêm yết mà 2 công ty này đang năm giữ tính đến ngày 20/6/2013 chỉ còn 329 tỉ đồng. Toàn bộ thủ tục cầm cố và phong toản cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu phát hành của ACI và ACI-HN được thực hiện vào tháng 1/2013.
Theo Petrotimes