Các tội danh gồm: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, tức Bầu Kiên). Ảnh: Hoàng Hà (VnExpress) |
Theo kết luận điều tra, do thời điểm cuối năm 2009, giá cổ phiếu của Ngân hàng ACB bị giảm sút, Bầu kiên và thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS ( Công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của ACB.
Theo đó, ngân hàng ACB cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỷ đồng rồi Công ty này tiếp tục chuyển cho hai Công ty của Bầu Kiên là Cty ACI và ACI – HN để hai Công ty này đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB. Đến nay, mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về được, trong khi cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng.
Theo CQĐT, việc ACB chuyển 1.500 tỷ đồng “lòng vòng” để mua chính cổ phiếu của mình cũng đã gây thiệt hại hơn 74 tỷ đồng. Chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại, thất thoát trên là bầu Kiên và các thành viên thường trực HĐQT ACB.
Về hành vi lừa đảo của bầu Kiên, CQĐT xác định: ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Công ty cổ phần thép Hoà Phát vào ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty này phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng.
Mặc dù chưa được sự đồng ý của ACB và ACBS, nhưng khi giao dịch với Tập đoàn Hoà Phát, bầu Kiên không thông báo cho họ biết số cổ phần này đã bị thế chấp. Đồng thời chỉ đạo cấp dưới lập khống một số giấy tờ để bán số cổ phần đã thế chấp ngân hàng cho Công ty TNHH một thành viên thép Hoà Phát để chiếm đoạt 264 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bầu Kiên còn bị cáo buộc có hành vi trốn thuế với số tiền 25 tỷ đồng trong phi vụ kinh doanh vàng giữ Công ty B&B và ngân hàng ACB.
Mặt khác, CQĐT xác định, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB, bầu Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu ACB sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến chính sách tài chính, tiền tệ, thu lời bất chính cho nhóm cổ đông ngân hàng ACB hơn 256 tỷ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỷ đồng.
Việc bầu Kiên chỉ đạo uỷ thác cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TP.HCM và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 719 tỷ đồng...
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã kê biên 3 bất động sản do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên sở hữu tại phường 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM; phường 12, quận 10, TP.HCM và hơn 2.400m2 đất tại phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
7 đồng phạm của bầu Kiên gồm: Trần Xuân Giá (SN 1939, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phạm Trung Cang (SN 1954), Trịnh Kim Quang (SN 1954), cùng nguyên Phó Chủ tịch HĐQT và Lý Xuân Hải (SN 1965), nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng ACB. Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội. |
Theo Tienphong