Lần xử này, nguyên TGĐ DVD tiếp tục hầu tòa về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đem cổ phiếu cầm cố…
Theo VKSND TC, tháng 3/2010, Cao Hồng Vân, SN 1972, trú tại TP.HCM, Phó TGĐ kiêm kế toán trưởng Công ty DVD, báo cáo Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty DVD, cần tiền đáo hạn khoản vay 100 tỷ đồng tại ngân hàng An Bình.
Dũng đã chỉ đạo Vân dùng số cổ phiếu (CP) của Dũng và Đào Xuân Hưởng, SN 1972, trú tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội - thành viên HĐQT Công ty DVD - TGĐ Công ty LOF, Công ty “con” của DVD, đang lưu ký tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt – Sài Gòn thế chấp vào ngân hàng An Bình lấy tiền đáo hạn khoản vay.
Trên cơ sở đó, Vân gặp ông Phạm Quốc T, Phó TGĐ ngân hàng An Bình kiêm GĐ Sở Giao dịch ngân hàng này làm thủ tục thẩm định. Được lãnh đạo ngân hàng chấp thuận, ông T chỉ đạo nhân viên tín dụng, Sở Giao dịch ngân hàng An Bình xác minh số lượng CP của Hưởng, Dũng thực có đang lưu ký tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt – Sài Gòn và đề nghị phong tỏa tài khoản cầm cố. Từ đó, ngân hàng An Bình ký hợp đồng tín dụng hạn mức với Dũng, Hưởng (cho vay tối đa 55 tỷ đồng).
Để đảm bảo thực hiện hợp đồng tín dụng trên, ngày 31/3/2010, ngân hàng An Bình đã thực hiện việc ký hợp đồng cầm cố CP với Hưởng, Dũng. Sau đó, ông T giao cho cán bộ tín dụng trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vay vốn, hướng dẫn làm hồ sơ giải ngân.
Vân được Dũng giao chịu trách nhiệm hoàn thiện 2 bộ hồ sơ vay vốn mang tên Hưởng, Dũng. Sau khi được cán bộ ngân hàng hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, Vân tự điền thông tin cá nhân, giả chữ ký của Hưởng để mở tài khoản cá nhân cho Hưởng; Dũng thì đã có sẵn tài khoản.
Dù không họp các thành viên HĐQT để thông qua việc góp vốn của Hưởng, Dũng nhưng Vân đã trực tiếp soạn thảo và “chế” tài liệu của Công ty DVD. Tại các hợp đồng góp vốn và phụ lục góp vốn “ma”, Dũng là người trực tiếp ký; Vân giả mạo chữ ký của Hưởng. Hoàn thiện xong tài liệu giả, Vân đưa vào hồ sơ cầm cố để vay tiền của ngân hàng.
Do không biết giấy tờ giả, phía ngân hàng đã giải ngân, cho Dũng vay 34 tỷ đồng, Hưởng vay 27 tỷ đồng.
Các bị cáo trả lời câu hỏi của tòa. |
Thêm một ngân hàng sa bẫy!
CQĐT làm rõ, ngoài phi vụ trên, khoảng tháng 7/2010, cần tiền đáo nợ khoản vay của Công ty DVD tại ngân hàng An Bình, Dũng đã gọi cho chị Nguyễn Thị Thu Hà, chuyên viên khách hàng thuộc Phòng giao dịch Phạm Hùng, Ngân hàng Thương mại CP TP tại Hà Nội, đề nghị cho Công ty LOF vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Biết Dũng là khách hàng tiềm năng, chị Hà đã báo cáo lãnh đạo chi nhánh ngân hàng về đề xuất của Dũng. Ngân hàng này đã cử một đoàn công tác xuống nhà máy LiLi Of Franec, thuộc Công ty LOF, trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh, xác minh. Tại đây, đoàn công tác đã làm việc với Dũng, Vân, Hưởng - TGĐ Công ty LOF.
Sau buổi làm việc đó, Công ty LOF được nâng hạn mức cấp tín dụng lên 100 tỷ đồng và Vân đã chỉ đạo Lương Thị Thùy, SN 1981, trú tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội - kế toán trưởng Công ty LOF; Hoàng Thị Nhung, SN 1982, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội - kế toán Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Viễn Đông - kế toán Công ty TNHH Thực phẩm Châu Úc, làm giả hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Thực phẩm Châu Úc, xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng, ký giả chữ ký… để được ngân hàng giải ngân hơn 83 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Hưởng khai, Dũng đã chỉ đạo ai đó soạn thảo sẵn các hợp đồng, trực tiếp ký với đối tác. Khi có sẵn chữ ký của đối tác, Dũng cho nhân viên chuyển cho Hưởng ký. Nhưng CQĐT nhận định, lời khai này mâu thuẫn với lời khai của Thùy, Nhung.
Với hành vi trên, Dũng, Vân, Nhung, Hưởng và 2 nhân viên khác của Công ty DVD bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Qua một ngày xét hỏi, HĐXX sơ thẩm ngày 5/8/2013 của TAND TP Hà Nội nhận định, vụ án còn nhiều tình tiết chưa rõ ràng nên đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo PLXH