Giải thưởng cho Eximbank và cái lý của Euromoney

Thứ hai, 05/08/2013, 15:24
Tháng 7 mang về nhiều tin vui cho Eximbank. Trong lúc Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Hùng Dũng tất bật với thương vụ đình đám mời được đội hình một của câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế giới Arsenal về Việt Nam thi đấu thì Tổng Giám đốc Trương Văn Phước hân hoan bay sang Hồng Kông nhận giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2013” do Euromoney bầu chọn. Trước đó, vào tháng 4, ngân hàng này cũng nhận được giải thưởng “Ngân hàng được quản lý tốt nhất tại Việt Nam” (Best Managed Bank in Vietnam Award) của Tạp chí The Asian Banker.

Song, những niềm vui này dường như không đủ khỏa lấp kết quả kinh doanh buồn của 6 tháng đầu năm. Nửa chặng đường năm 2013 đã qua nhưng lợi nhuận của Eximbank chỉ đạt gần 800 tỉ đồng, tương đương 1/4 kế hoạch cả năm.

Eximbank không phải ngoại lệ. Trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, từ những đại gia như ACB, Sacombank cho đến các ngân hàng tốp sau như Nam Á, Bản Việt, Đại Á... đều phải chấp nhận mức lợi nhuận khiêm tốn.

Kết thúc 6 tháng các ngân hàng nhỏ hầu hết chỉ đạt khoảng 20-30% kế hoạch cả năm. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 31/5/2013 cũng cho thấy, các ngân hàng thương mại cổ phần đang ở trong thời kỳ chật vật nhất từ trước đến nay khi vốn tự có giảm gần 6.900 tỉ đồng so với cuối năm 2012.

Điều đáng nói là các ngân hàng nói trên không được giải thưởng, Eximbank thì có.

lê hùng dũng
Tái cấu trúc và kiểm soát kỹ lưỡng bảng cân đối đã làm cho Eximbank trở thành một trong những ngân hàng mạnh nhất Việt Nam.

“Euromoney Awards for Excellence” là giải thưởng thường niên của Euromoney từ năm 1992 đến nay, gồm 25 giải thưởng toàn cầu dành cho các công ty chứng khoán và các ngân hàng ở gần 100 quốc gia trên thế giới, nhưng họ chỉ mới bắt đầu trao cho các ngân hàng Việt Nam 3 năm gần đây. Và liên tiếp trong 2 năm trước đó ACB là chủ nhân của giải thưởng này.

Trao giải cho một ngân hàng không đạt lợi nhuận cao, thông điệp của Euromoney khá rõ ràng: Họ đánh giá cao chiến lược tăng trưởng bền vững hơn là lợi nhuận dễ dãi đi kèm rủi ro cao.

Nói về các giải thưởng Eximbank nhận được trong năm 2013, ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết: “Các giải thưởng này không phải để trưng cho vui.

Đó chính là tài sản vô hình của Eximbank, bảo chứng cho chúng tôi trên thị trường vốn quốc tế. Thực tế, kể từ khi có các giải thưởng này, các tổ chức tài trợ vốn quốc tế đã có cái nhìn trân trọng hơn nhiều đối với Eximbank”.

Trong bài viết về Eximbank trên số đặc biệt nhân sự kiện công bố giải thưởng, yếu tố lợi nhuận đã không được Euromoney nhắc đến. Tạp chí này viết: “Nhờ có nền tảng vững chắc và sức tăng trưởng đáng khích lệ giữa tai họa này đã giúp cho Eximbank đạt danh hiệu Ngân hàng tốt nhất Việt Nam trong năm nay theo đánh giá của Euromoney. Việc tái cấu trúc và kiểm soát kỹ lưỡng bảng cân đối của mình sau đợt khủng hoảng tài chính châu Á đã làm cho Eximbank trở thành một trong những ngân hàng mạnh nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại”.

Tai họa Euromoney nói đến chính là sự kiện Bầu Kiên, cổ đông lớn của Ngân hàng ACB, bị bắt, kéo theo sự rung lắc mạnh mẽ của hệ thống các ngân hàng thương mại, buộc các ngân hàng phải xem xét lại chiến lược tăng trưởng của mình. Đối với Eximbank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tăng lợi nhuận được đặt sau mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Mức nợ xấu tính đến thời điểm hiện tại được Eximbank công bố là khoảng 1,43%, tức chỉ bằng một nửa mức nợ xấu cần được đưa về cho VAMC xử lý như quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tất nhiên, cái giá để có được mức nợ xấu thấp này là tăng trưởng tín dụng thấp và lợi nhuận giảm. Lần đầu tiên được cả The Asian Banker và Euromoney vinh danh chắc chắn là một cột mốc không thể đẹp hơn của Eximbank, nhưng khi nói về thành tích này Chủ tịch Lê Hùng Dũng chỉ đùa: “Năm nay nhiều giải thưởng lớn nhưng tiền lãi thì ít”.

Nhưng, vẫn với phong thái ung dung thường thấy, ông khẳng định: “Kể cả khi lợi nhuận giảm, chúng tôi cũng không hạ chuẩn cho vay, không nới lỏng điều kiện tín dụng”. Thay vào đó, để duy trì tăng trưởng, Eximbank đẩy mạnh cho vay các khách hàng tốt với lãi suất thấp. Bù lại, các doanh nghiệp vay vốn phải sử dụng các dịch vụ khác, giúp ngân hàng này tăng nguồn thu phí dịch vụ. Tuy nhiên, kể cả với giải pháp này thì biên lợi nhuận theo ông Dũng vẫn “thấp đến mức khó tin”.

“Thời tỉ suất lợi nhuận ngân hàng trên 20% đã qua lâu rồi”, ông nói. “Ai cũng muốn lợi nhuận cao, nhưng để có lợi nhuận cao mà phải cho vay bằng mọi giá thì chẳng khác nào mượn gạo ăn trước, đến mùa gặt sau trả lại. Cuối năm chia cổ tức cao cổ đông nào cũng hớn hở, nhưng những hậu quả phải xử lý trong những năm tiếp theo sẽ rất đáng sợ”.

Chỉ còn chưa đầy nửa năm để hoàn thành 3/4 kế hoạch lợi nhuận cả năm, cổ đông Eximbank chắc chắn sẽ sốt ruột. Tuy nhiên, lật lại lịch sử sẽ thấy đây không phải lần đầu tiên Eximbank rơi vào tình thế này. Còn nhớ năm 2010, khi ông Lê Hùng Dũng chính thức nhận vị trí Chủ tịch Eximbank vào tháng 5, ngân hàng này chỉ đạt hơn 600 tỉ đồng lợi nhuận, chưa bằng 1/3 kế hoạch cả năm. Nhưng cuối cùng, với tất cả kỹ thuật và nghệ thuật, ông đã giúp Eximbank lội ngược dòng, với tổng lợi nhuận cuối năm vượt cả chỉ tiêu.

Có lẽ cổ đông Eximbank vẫn có quyền hy vọng vào những bàn thắng ở phút thứ 89 như thế.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích