Tôi có hai quê hương để trở về

Thứ năm, 08/08/2013, 16:46
Năm 50 tuổi, Clement Francois Davant chọn trở về Việt Nam để sống một cuộc sống khá nhàn nhã và hiện tại, anh là nhà tư vấn đầu tư tại Việt Nam.

Quyết định chấm dứt việc “làm công ăn lương” cho các tập đoàn thiết bị y tế lớn ở Pháp và Mỹ, anh không thấy tiếc sao? Clement Francois Davant lắc đầu: “Chẳng có gì phải tiếc cả. Như vậy đã đủ rồi, tiền hưu cũng đủ để hưởng một cuộc sống khá an nhàn ở Việt Nam”. Anh nói thêm: “Hơn nữa, với kinh nghiệm nghề nghiệp, trở về khi còn sung sức thì vẫn còn cơ hội để giúp Việt Nam”.

Thật ra, gọi Việt Nam là quê hương của Clement Francois cũng chưa chính xác. Anh kể, ông sơ của anh là người Pháp, sang Việt Nam từ thế kỷ 19 rồi lập nghiệp, lấy vợ sinh con ở đây. Năm 18 tuổi, Clement Francois rời Việt Nam sang Pháp du học và sau đó nhập quốc tịch Pháp. Vì vậy, tuy mang danh là Việt kiều nhưng tên họ anh 100% là Pháp. “Tôi có 2 quê hương để trở về”, anh nói.

Clement Francois là Chủ tịch Công ty Golden Ideas, chuyên tư vấn đầu tư vào Việt Nam

Hiện Clement Francois là Chủ tịch Công ty Golden Ideas, chuyên tư vấn đầu tư vào Việt Nam. Anh tốt nghiệp kỹ sư ngành máy phóng xạ tại Paris. Từ sau khi ra trường cho đến năm 1993, anh làm trong bộ phận kỹ thuật tại các tập đoàn kinh doanh thiết bị y tế, chuyên về máy phóng xạ. Nơi anh gắn bó lâu nhất cho đến ngày rời khỏi Pháp là Tập đoàn CGR-mev. Trong 2 năm 1994 và 1995, trước khi về Việt Nam, anh chuyển sang làm đại diện tại châu Á cho một tập đoàn chuyên kinh doanh thiết bị y tế của Mỹ (có văn phòng ở Singapore).

Anh biết bản thân không hề học y khoa, song kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thiết bị y tế đã vô tình gắn kết anh với ngành này một cách sâu sắc. Thậm chí, anh có thể nói vanh vách các bệnh lý phải sử dụng máy xạ trị, không thua gì bác sĩ chuyên khoa. Chính công việc này đã gắn anh với nhiều bệnh viện nổi tiếng ở Pháp và một số nước châu Âu. Sau khi trở về Việt Nam được vài năm, Bệnh viện Việt Pháp (FV Hospital) đã mời anh làm giám đốc kỹ thuật khi họ cần đầu tư mua máy móc thiết bị.

Chuyên môn vững, có nhiều kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn kinh doanh thiết bị y tế lớn song sau 14 năm về Việt Nam, theo anh, cơ hội được cống hiến, phục vụ không cao. “Đối với những người như chúng tôi, khi đã quyết định về nước, mong muốn được cống hiến và thực hiện giấc mơ trước ngày rời quê hương cao hơn nhiều so với mục tiêu kiếm tiền. Đa số đã có tài chính ổn định và muốn ứng dụng những kinh nghiệm học hỏi ở nước phát triển giúp quê nhà. Tuy nhiên, điều này không dễ”, anh kết luận.

Hiện một số dự án anh cùng làm với các nhà đầu tư vẫn chưa trọn vẹn, như dự án đầu tư xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng tại Đà Lạt, hay dự án đầu tư trang thiết bị tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM. Không muốn tiết lộ chi tiết, anh chỉ tóm tắt: “Một dự án ra đời trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cái kia lại thiếu mặt bằng rộng để triển khai, đang tìm vị trí khác. Tuy nhiên, qua thời khó khăn, 2 dự án sẽ được tiếp tục, chỉ hơi muộn so với kế hoạch ban đầu”.

Qua tư vấn cho nhiều dự án tại các bệnh viện, điều Clement Francois quan tâm nhất là tình trạng thiếu nhân sự giỏi để vận hành và sử dụng các máy chiếu xạ hiện đại tại Việt Nam.

“Thế giới thay đổi mỗi ngày, máy móc theo đó cũng hiện đại hơn. Tuy nhiên, không giống như một chiếc máy, muốn hiện đại hơn chỉ cần được nghiên cứu sản xuất là xong, con người nếu không có nơi đào tạo bài bản, không có thiết bị tốt để thực tập ứng dụng thì khó mà chuyên nghiệp được”, anh chia sẻ. Một trung tâm đào tạo kết hợp chữa trị tại Việt Nam là ước mơ lớn nhất của anh hiện nay.

Tuy nhiên, anh bộc bạch: “Hiếm có nhà đầu tư tư nhân nào chịu bỏ vốn để xây dựng trung tâm như vậy bởi vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD và thời gian thu hồi vốn dài. Tại các nước phát triển, Chính phủ phải tự đầu tư. Những tài năng y khoa của họ cũng từ các trung tâm này mà ra”.

Về kế hoạch sắp tới của mình, Clement Francois cho biết sẽ tiếp tục tư vấn những dự án dở dang và có thể tham gia giảng dạy tại một bệnh viện, trường nào đó trong lĩnh vực kỹ thuật y tế cao. Sau 14 năm trở về sống ở Việt Nam, anh cho biết, bản thân không lo lắng về kinh tế gia đình bởi lương hưu và việc tư vấn “vừa làm vừa vui” cũng đủ để anh sống khá thoải mái. “Khi quyết định thôi làm công ăn lương cho những tập đoàn kinh doanh lớn, tôi đã có nguồn tài chính đủ để tự tin về đây sống và đi làm... không ăn lương”, anh nói.

Đã chia tay người vợ ở Pháp từ đầu những năm 80, sau khi về nước, năm 1995, anh có cơ duyên đi thêm bước nữa với một người phụ nữ Việt Nam và đến nay vợ chồng anh có thêm cô con gái xinh đã 10 tuổi. Người đàn ông nay đã bước qua tuổi lục tuần có khái niệm về hạnh phúc thật bình dị: “Là không ước mơ quá xa những gì ngoài tầm với, là bằng lòng và an nhiên với những gì mình đang có trong tay”.

Clement Francois có lối nói chuyện tự tin phóng khoáng. Anh tập trung nghe mỗi câu hỏi, rồi tự diễn giải theo suy nghĩ của mình chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ. Khi chúng tôi đề nghị anh để phóng viên ảnh chụp một số kiểu ảnh phục vụ cho bài, suy nghĩ một lát, anh gạt: “Chụp hôm khác đi. Tôi thích những tấm hình gắn với không gian nào đó có ý nghĩa”. Hôm sau, anh hẹn tại một địa chỉ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 với lời nhắn nhủ: “Có thể cô sẽ bất ngờ, địa chỉ này khá thú vị đó!”.

Đúng là một bất ngờ thú vị. Địa chỉ anh muốn chụp hình chính là phần mộ của học giả Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký), người am tường 26 thứ ngôn ngữ và có công lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ trong thời kỳ Pháp thuộc. Và Clement Francois Davant chính là cháu bên ngoại đời thứ 4 của vị học giả họ Trương này.

Tôi có hai quê hương để trở về

Quan điểm về việc làm sau nghỉ hưu?

Không chọn những công việc khổ cực. Nếu có cơ sở vật chất tốt, tôi sẽ cống hiến hết mình.

Anh quan niệm thế nào về sự thành đạt?

Người thành đạt hay không là nhìn vào con cái. Con cái thành đạt nên người, công ăn việc làm ổn định, sự thành đạt của bậc làm cha làm mẹ nằm ở đó.

Hạnh phúc, như thế nào để gọi là đủ?

Trong tháp nhu cầu loài người của Maslow, tầng dưới cùng lớn nhất chỉ nhu cầu ăn mặc. Khi đã đạt được tầng 1, sẽ tiến lên tầng 2. Đây là nơi duy trì những gì có được ở tầng 1, giữ gìn ổn định và phát triển nó. Tầng tiếp theo là mở trộng tầm ảnh hưởng, đặt bản thân vào một cộng đồng nào đó và sống có mục đích rõ ràng hơn. Cứ thế, người ta xây dựng tháp cho đến ngày hoàn thiện.

Vậy anh thuộc tầng thứ mấy?

Chắc là đã lên tầng thứ 3 lâu rồi (cười lớn).

Anh quan niệm thế nào về đồng tiền?

Nó là đầy tớ của mình, đừng để nó làm thầy mình.

Anh thuộc típ người lạc quan?

Tôi lạc quan nhưng cách tính toán lại bi quan. Làm cái gì tôi cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất. Như thế nếu thất bại, mình cũng không hụt hẫng, thất vọng.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích