Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, công việc trong ngành ngân hàng đã không còn “hot” như trước kia bởi lẽ nền kinh tế khó khăn, các ngân hàng giảm lãi, thậm chí là thua lỗ nên phải cắt giảm chi phí.
Giảm lương là chuyện thường
Giảm lương và không có thưởng đã trở nên quen thuộc với nhân viên của nhiều ngân hàng. Thế nhưng, mỗi lần cắt giảm lương tới tỷ lệ phần trăm ở hai chữ số thì không chỉ người bị cắt giảm mà người khác ngành nhìn vào cũng thấy ái ngại.
Hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay, một loạt các ngân hàng, lớn có, bé có, đã cắt giảm lương của nhân viên từ 10 – 20%. Gần đây, một số các ngân hàng lại tiếp tục “theo đuổi” chính sách này. Điển hình như tại ngân hàng L., trong tháng 7, nhân viên vừa mới nhận được quyết định giảm 21% lương; hay tại ngân hàng N. có vị trí bị cắt giảm tới một nửa lương; nhân viên của ngân hàng khác cũng có tên N., thì “kêu” bị giảm 30% lương; ngân hàng A. giảm 25% lương…
Ngoài chính sách giảm, ngân hàng còn siết chặt hơn trong hoạt động và lương thực nhận của nhiều vị trí thậm chí còn bị cắt mạnh hơn mức chung. Chẳng hạn ngân hàng áp dụng hình thức phạt đối với các lao động không đạt doanh số, phạt lao động đi làm muộn…
Từ nhân viên chính trở thành…cộng tác viên
Không chỉ giảm công khai, nhiều ngân hàng còn gián tiếp cắt giảm lương của nhân viên thông qua việc điều chuyển vị trí công tác, trong đó đáng ngại nhất là bị chuyển từ nhân viên chính thức thành cộng tác viên, hợp đồng thời vụ, bởi lẽ mức lương có thể giảm đi một nửa so với trước.
Tổng giám đốc của một ngân hàng đang áp dụng chính sách chuyển một loạt nhân viên chính thức thành cộng tác viên lý giải rằng, việc điều chuyển công tác là tất yếu vì trong quá trình tái cơ cấu nhân sự hiện nay, những lao động nào không hoàn thành chỉ tiêu thì không thể tồn tại được.
Cũng theo vị này, lẽ ra ai không hoàn thành chỉ tiêu trong thời gian dài thì phải sa thải, tuy nhiên ngân hàng chuyển từ chế độ chính thức sang cộng tác viên đã là một nỗ lực rất lớn và có tính nhân văn.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, với quy mô nhân sự chưa đến 4.000 người mà lượng cộng tác viên ở một số ngân hàng chiếm tới hàng nghìn người thì không phải là điều bình thường. Nhưng dù sao thì đây là cách mà ngân hàng thực hiện cắt giảm chi phí một cách khôn ngoan.
Lương không đủ sống, lo đi làm thêm
Trước đây, lương của cán bộ ngân hàng thường ở mức trên 10 triệu đồng, thậm chí nếu tính cả thưởng thì bình quân là vài chục triệu đồng/tháng vì các ngân hàng thường có chế độ thưởng theo quý, các dịp lễ, tết...
Nhưng giờ đây, sau khi bị cắt giảm lương, có những ngân hàng, vị trí giao dịch viên hay cán bộ tín dụng chỉ còn thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Đối tượng nào bị điều chuyển từ vị trí nhân viên chính thức thành cộng tác viên, hợp đồng thời vụ, là các nhân viên mới tập sự thì mức lương còn tệ hơn. Do mức lương quá thấp, nhiều người phải tìm việc làm thêm để có đủ kinh phí trang trải cuộc sống.
Chị Thủy, giao dịch viên của ngân hàng T., có chi nhánh tại Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, chị vừa mới lập gia đình và đang có bầu, tuy nhiên mức lương trong những tháng gần đây quá thấp, chị phải kiếm việc làm thêm là đi viết bài PR thuê cho các doanh nghiệp.
“Chỗ chúng em có nhiều người cũng làm thêm, có người làm kế toán thuê, người thì viết bài gửi đăng báo, người nhận dạy tiếng Anh buổi tối. Công việc ở ngân hàng làm từ sáng đến tối mịt mới về nhưng lương không đủ sống nên dù vất vả cũng phải kiếm thêm việc khác”, chị Thủy tâm sự.
Khi hỏi vì sao không tìm công việc mới có thu nhập cao hơn, chị Thủy cho biết, vào được ngân hàng đã rất khó khăn nên không dám bỏ, chỉ hy vọng tình hình kinh tế sang năm khá hơn, mức lương được trở về như cũ.
Anh Đức, cán bộ kinh doanh của ngân hàng O. ở Quận Cầu Giấy thì cho biết, do có nhiều mối quan hệ nên công việc kinh doanh của anh cũng thuận lợi, thường hoàn thành chỉ tiêu doanh số. Cũng may mắn, anh không bị cắt giảm lương như nhiều trường hợp khác, tuy nhiên anh vẫn phải kiếm việc làm khác ngoài giờ để có thêm thu nhập cho gia đình vì chi phí cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Theo Trí Thức Trẻ