Làm giàu từ ý tưởng xanh

Thứ tư, 21/08/2013, 12:43
Ngày nay, có những người trẻ rất năng động, dám nghĩ, dám làm. Từ những việc tình cờ, họ nắm bắt và không ngại khó, dấn thân khởi nghiệp. Đáng nói là công việc ấy không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh doanh mà còn giải quyết được những vấn đề về môi trường, xã hội.

Quan điểm của họ rất tích cực và đáng để nhiều người suy nghĩ. Đó là thay vì bình phẩm và bày tỏ thái độ lo lắng hay bất mãn, mất lòng tin thì hãy hành động cụ thể để góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

ý tưởng kinh doanh


Chúng tôi muốn nói đến hai vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Thanh Loan – Nguyễn Quang Quỳnh và đều thuộc thế hệ 8X – chưa qua tuổi 30 và đang là chủ nhân của Công ty Minh Phát tại phố núi Đắk Lắk với lĩnh vực chính là thu mua nông sản nguyên liệu mà mục đích chính là làm sạch môi trường tại địa phương.

Ý tưởng xuất phát

Quê gốc ở miền Bắc nhưng từ nhỏ Thanh Loan đã theo gia đình vào Đắk Lắk sinh sống. Đi học và tốt nghiệp ngành Cử nhân điều dưỡng tại Trường Đại học Tây Nguyên, cô gái nhỏ nhắn yêu và gắn bó quê hương thứ hai – mảnh đất nhiều tiềm năng này.

Khi ra trường, suy nghĩ về công việc tương lai, bỗng một ngày Thanh Loan phát hiện, Đắk Lắk là nơi trồng nhiều mít và xung quanh việc mua bán trái cây này có nhiều việc còn bất cập, do ý thức của người dân chưa cao nên ảnh hưởng đến môi trường. Nhất là tại các huyện Eakar, huyện Krong Pak, huyện Krong Buk… tập trung rất nhiều công ty và các điểm thu mua mít múi.

Người dân địa phương ngoài việc làm rẫy cà phê, họ còn đi thu mua mít trái về bóc vỏ để bán cho các điểm mua mít múi. Các sản phẩm thừa như vỏ, xơ mít, hột mít bị coi là rác và được đổ thành đống lớn ở ven những con đường lớn nhỏ, ven bờ suối, nhiều nhất là vào mùa thu hoạch, từ tháng Ba đến tháng Sáu hằng năm.

Số rác này không được xử lý nên khi phân hủy, gây ra mùi rất khó chịu, hòa vào nguồn nước tự nhiên gây ô nhiễm, ruồi bọ có điều kiện phát triển… làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân.

ý tưởng kinh doanh

Kiến thức về y tế đã giúp cho Thanh Loan thấy đây là điều không ổn, nếu không có biện pháp xử lý thì tình hình ô nhiễm sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đem trăn trở ấy bàn với chồng, chàng kỹ sư lâm sinh với chuyên môn quản lý, quy hoạch rừng nên nhất thời cũng chưa nghĩ ra cách gì nhưng gật đầu chiều vợ, rằng phải làm một cái gì đó.

Vậy là cả hai đã tìm tòi, mày mò từ sách vở đến thực tế rồi cuối cùng quyết định xử lý theo hướng tận dụng nguồn nguyên liệu rác mít để làm thức ăn gia súc.

“Từ ý tưởng cho đến bắt tay vào việc là cả một quá trình không đơn giản. Nhưng chúng tôi đều nghĩ rằng, phải làm thì mới biết sức mình đến đâu” – Thanh Loan nhớ lại những ngày đầu.

Lúc đó cô nghĩ, đây là hướng kinh doanh mới có nhiều triển vọng, vì hạt mít từ xưa đã được người dân biết đến như một nguồn thực phẩm nhưng hiện nay bị coi là phế phẩm, không dùng vào việc gì nên biến thành rác gây ô nhiễm môi trường. Nếu bây giờ biết tận dụng thì sẽ biến rác thành tiền.

Tuổi trẻ luôn có nhiều hoài bão và cả tham vọng, với Thanh Loan lý tưởng sống mà cô gái trẻ ấp ủ còn là phải “sống đẹp – sống có ích”, phải có trách nhiệm với môi trường sống của chính mình. Thế nên dù có dè dặt với ý tưởng mới lóe, vợ chồng cô vẫn quyết tâm gây dựng nhà xưởng. Công ty Minh Phát đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Vượt qua những khó khăn

Sau sáu tháng đầu tư sức lực, trong túi chỉ có 10 triệu đồng vốn, khó khăn chồng chất, cuối cùng Công ty Minh Phát của vợ chồng Thanh Loan cũng hoạt động được vào tháng 9/2009.

Thanh Loan nói: Quyết tâm làm giàu cho bản thân từ việc sản xuất “rác” thành thức ăn gia súc, nhưng hành trang của chúng tôi lúc ấy không có gì ngoài hai tấm bằng kỹ sư lâm sinh và cử nhân điều dưỡng.

Cũng có những phút nản lòng khi gặp quá nhiều khó khăn, như không có vốn để thử nghiệm, không có mối quan hệ để bán hàng nên thường xuyên bị ép giá, không có kiến thức chuyên ngành… nhưng chúng tôi động viên nhau rằng chưa thành công thì không được bỏ cuộc”.

Việc đầu tiên là giới thiệu hoạt động của công ty với bà con địa phương. Ban đầu ai cũng ngạc nhiên khi biết có việc mua rác, sau đó thì phấn khởi, bởi ít nhiều nhờ vậy mà họ có thêm thu nhập. Rác mít thay vì bỏ đi như trước thì giờ họ phơi khô rồi đem bán cho công ty. Khi thu gom đủ số lượng, công ty sấy khô, loại bỏ rác trước khi nghiền thành phẩm để bán lại cho khách hàng.

ý tưởng kinh doanh
Công nhân đang làm việc trong xưởng chế biến của Công ty Minh Phát

Khó khăn rồi cũng dần được tháo dỡ khi Công ty Minh Phát còn non trẻ, nhưng với tiêu chí hoạt động “vì môi trường” nên được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, còn người dân thì nhiệt tình hợp tác. Cứ như thế Minh Phát dần phát triển, đầu tư thêm máy móc, tăng công suất chế biến, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống của địa phương và qua đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao hơn.

Từ năm 2010 đến 2012, Minh Phát đã mua 3.000 tấn hạt mít, xử lý 10.000 tấn rác mít (khoảng 3,3kg hạt mít tươi phơi thành một ký hạt mít khô có giá trung bình là 2.500đ/kg). Thành công của Minh Phát là đưa vào danh mục nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc mặt hàng bột hạt mít và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động địa phương cũng như các nhà thầu phụ về bao bì, vận tải…

Sau khi hoàn thiện quy trình kinh doanh – sản xuất bột hạt mít thì mới đây, vợ chồng Thanh Loan lại “mon men” đầu tư thêm nhà máy sấy bã hèm bia. Nguyên nhân cũng là do thấy được tiềm năng làm giàu của nguồn nguyên liệu này thải ra từ Nhà máy bia Sài Gòn chi nhánh Đắk Lắk.

Và những dự định

Vợ chồng Thanh Loan cho biết, theo hướng tái chế rác nông sản gây ô nhiễm môi trường thành sản phẩm có lợi cho ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc, hướng đến mục đích cao nhất là phục vụ cho con người mà Minh Phát đã xây dựng từ đầu, trong tương lai công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu để tái chế thêm mặt hàng xơ mít, bã mì, lá mì…

Tuy đã gặt hái được những thành công ban đầu, nhưng với hai bạn trẻ cùng chí hướng, đó chưa phải là tất cả những gì họ muốn. Thanh Loan chia sẻ: “Sắp tới chúng tôi sẽ làm đề án tham gia các chương trình dự thi về ý tưởng xanh để có thể xin tài trợ nguồn vốn để phát triển việc kinh doanh. Có tham dự những chương trình như thế mới học hỏi được rất nhiều điều hay, được mở rộng không chỉ về kiến thức, chuyên môn mà còn mở cả tấm lòng mình nữa”.

Năm 2009, Công ty Minh Phát đã tham gia cuộc thi “Hành trình xanh” do Toyota Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức, đã vượt qua gần 500 đơn vị dự thi để đạt giải khuyến khích.

Năm 2013, vợ chồng Thanh Loan đã khăn gói vào TP.HCM, dự định tham gia chương trình hỗ trợ doanh nhân xã hội của Trung tâm hỗ trợ phục vụ sáng kiến cộng đồng (CSIP) – tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hỗ trợ trực tiếp doanh nhân xã hội – nhân tố tạo nên sự thay đổi, là người có những sáng kiến làm xã hội tốt hơn. Nhưng khi tiếp xúc các doanh nghiệp tham dự, tự thấy mình còn có điều kiện xoay xở nên vợ chồng cô xin rút lui, nhường lại cơ hội cho những người khởi nghiệp có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Ngoài việc tái chế rác thải, Công ty Minh Phát còn lên kế hoạch thực hiện việc giáo dục cho cộng đồng dân cư xung quanh bảo vệ môi trường.

Mục tiêu đặt ra là tới năm 2030 sẽ trang bị kỹ năng mềm cho 10.000 học sinh dân tộc thiểu số theo chủ đề bảo vệ môi trường, giúp các em hiểu hơn về bản thân mình với câu hỏi “Tôi là ai?”, cũng như lập được kế hoạch phát triển bản thân với câu hỏi “Tôi sẽ là ai?”. Khi nhắc đến các em học sinh dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, ánh mắt cô gái trẻ sáng lên, một cái nhìn cương nghị đầy quyết tâm.

Theo DNSG

Các tin cũ hơn