Ông Phạm Trường Giang, phó vụ trưởng vụ Bảo hiểm xã hội cho biết xuất phát từ nhu cầu của người lao động và mong muốn ổn định lực lượng lao động, thu hút người lao động có chất lượng cao, nên dù chưa có khung pháp lý nhưng đã có không ít doanh nghiệp hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung như các công ty Unilever Việt Nam, Nestle Việt Nam, Dutch Lady… thực hiện cho hàng ngàn lao động.
Tuy nhiên, số tiền trích vào quỹ không được tính vào chi phí của doanh nghiệp, khi nhận tiền người lao động phải đóng thuế thu nhập theo qui định của nhà nước. Do nhà nước chưa có chính sách đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung nên cơ chế hình thành, hoạt động và quản lý của các quỹ này ở mỗi doanh nghiệp khác nhau.
Mức đóng góp được qui định trong khoảng 5 – 22% tiền lương hàng tháng của người lao động, tuy nhiên tối đa không quá 5,06 triệu đồng/người/tháng và không vượt quá 60,72 triệu đồng/người/năm.
|
Theo điều tra của Bộ Lao động, thương binh và xã hội năm 2010 với gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, có đến 70% doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng tham gia quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người lao động bởi họ muốn người lao động gắn bó lâu dài.
Trong khối các nước APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) hiện chỉ còn Việt Nam chưa triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung. Ở khu vực Đông Nam Á, hầu hết các nước đã triển khai. Vì vậy, các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào các nước khu vực APEC, hay Thái Lan, Philippines… thì người lao động ở các nước đó được hưởng lợi.
Nếu Việt Nam có chính sách thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung thì người lao động làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp lớn khác sẽ bị thiệt thòi. Vì vậy, thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động sẽ có mức sống tốt hơn khi về hưu khi nhận thêm một khoản bổ sung ngoài lương hưu trí cơ bản.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng của bảo hiểm hưu trí bổ sung là người lao động và sử dụng lao động đã thuộc diện tham gia hưu trí cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc theo qui định của luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Người lao động và sử dụng lao động sẽ thỏa thuận tỷ lệ đóng góp, căn cứ vào tiền lương (bao gồm lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và các khoản khác). Mức đóng góp được qui định trong khoảng 5 – 22% tiền lương hàng tháng của người lao động, tuy nhiên tối đa không quá 5,06 triệu đồng/người/tháng và không vượt quá 60,72 triệu đồng/người/năm.
Trường hợp người lao động từ 45 tuổi trở lên có thể đóng ở mức cao hơn để đảm bảo tích lũy được khoản tài chính đủ để về hưu (tối đa không vượt quá 15% mức thu nhập thực tế hàng tháng).
Nhà nước có chính sách thuế khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung. Các khoản đóng góp của người lao động được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Các khoản đóng góp của người sử dụng lao động được tính là chi phí hợp lệ khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản thu nhập từ đầu tư được miễn thuế. Người nghỉ hưu lĩnh tiền hưu hàng tháng không bị đánh thuế, chỉ đóng thuế khi rút một lần.
Theo SGTT