Lâm Đồng “sợ” trung tâm hạt nhân nửa tỉ USD

Thứ hai, 19/08/2013, 19:09
Hội nghị “Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 10” vừa diễn ra tại Vũng Tàu. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng phải xây dựng trung tâm hạt nhân tại Đà Lạt thì tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa đồng ý vì… sợ.

“Trắng” chuyên gia

Chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử đã có, nhưng thiếu chuyên gia để thực hiện đang là vấn đề cấp bách được các nhà khoa học đề cập.

Ông Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ KHCN - phát biểu: Chúng ta đang thiếu nhân lực, cán bộ năng lượng nguyên tử, cán bộ giỏi về điện hạt nhân (ĐHN).

Hiện nay, các cán bộ trong nước đang gặp khó khăn trong việc thẩm định kết quả tư vấn cho 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận do chúng ta đang rất thiếu chuyên gia, thiếu đội ngũ làm việc cho cơ quan pháp quy để đảm bảo an toàn an ninh cho hạt nhân, thiếu đội ngũ cán bộ xây dựng nhà máy ĐHN. Việc quản lý chất thải nhà máy ĐHN cũng đang là vấn đề quan trọng đang tranh cãi chưa đưa ra được hướng đi.

trung tâm hạt nhân Lâm Đồng
Tỉnh Lâm Đồng chưa đồng ý việc xây dựng Trung tâm hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Đà Lạt.

“Nếu cách làm không tốt thì hiệu quả sẽ hạn chế” - ông Tiến cho biết.

TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN - nhấn mạnh: Chúng ta cần đào tạo cán bộ đầu đàn, thực tế đào tạo nguồn nhân lực cho ĐHN hiện nay chúng ta chưa tập hợp được đội ngũ cán bộ trong nước để thực hiện đào tạo hiệu quả hướng đến ĐHN. Trong 5-7 năm tiếp theo, đào tạo chuyên gia là nhiệm vụ hàng đầu.

“Trong bao nhiêu năm qua từ khi triển khai nhiệm vụ chưa đào tạo được chuyên gia nào cả” - ông Thành bức xúc.

Cũng theo ông Thành, để làm được những điều này thì việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân là mục tiêu cực kỳ quan trọng. Đây là trung tâm quốc gia phục vụ tất cả các nhà khoa học, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hạt nhân có liên quan khai thác. Trung tâm này được đầu tư khoảng 500 triệu USD do Nga giúp đỡ công nghệ thuộc Viện Năng lượng nguyên tử VN.

Lâm Đồng sợ hạt nhân!

Ông Thành cho biết, về cơ bản, trung tâm này sẽ được xây dựng tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Những khúc mắc với địa phương đang được làm rõ để thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tỉnh Lâm Đồng chưa đồng ý việc xây dựng trung tâm có diện tích 100ha của Viện Năng lượng nguyên tử VN tại TP.Đà Lạt, do “sợ” hạt nhân và yêu cầu xây dựng trung tâm cách xa địa điểm dự kiến ban đầu thêm 30km.

trung tâm hạt nhân Lâm Đồng
Mô hình Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân.

“Điều này là không thể thực hiện được. Chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục tỉnh Lâm Đồng đồng ý xây dung, do trung tâm không hề có mối nguy hiểm hay đe dọa về hạt nhân” - ông Thành cho biết.

Một phương án khác cũng đang được tính đến với nhiều thuận lợi. Nếu tỉnh Lâm Đồng không đồng ý xây dựng trung tâm tại địa phương thì sẽ chuyển về khu công nghệ cao (tỉnh Đồng Nai) - có nhiều thuận lợi về giao thông và tỉnh Đồng Nai đang rất “sẵn sàng” cho trung tâm này.

Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng đã báo cáo các kết quả chính từ việc khởi động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với nhiên liệu độ giàu thấp và tình hình thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận.

Ông Phan Minh Tuấn - PGĐ BQL Dự án ĐHN Ninh Thuận - cho biết: Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 được xây dựng cách TP.Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 25km về phía Nam, có công suất khoảng 4.000MW, gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2 tổ máy 1.000MW.

Sử dụng công nghệ lò nước nhẹ của Nga, đã được kiểm chứng, sử dụng nhiên liệu nhập khẩu, được đấu nối với lưới điện quốc gia bằng cấp điện áp 500kV hoặc 750kV. Dự kiến thời gian khởi công năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Hiện tại: Tư vấn đã nộp báo cáo khảo sát giai đoạn 1, đang triển khai khảo sát giai đoạn 2. Dự kiến hoàn thành việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm vào tháng 12/2013.

Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 được xây dựng cách TP.Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 20km về phía Bắc, công suất khoảng 4.000MW, gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2 tổ máy 1.000MW, sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, sử dụng nhiên liệu nhập khẩu, đấu nối với lưới điện quốc gia bằng cấp điện áp 500kV hoặc 750kV. Hiện tại: Tư vấn JAPC và EVN phối hợp tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia Việt Nam về các lĩnh vực địa chất, công nghệ...

Ngoài ra, các dự án thành phần cũng đang được triển khai. Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án ĐHN tại tỉnh Bình Thuận sẽ gồm khối quản lý là các cơ quan EVN, BQL dự án ĐHN Ninh Thuận, các Cty tư vấn của EVN, khối vận hành và bảo dưỡng 2 nhà máy khoảng 2.200 người...

Bộ KHCN đã thống nhất phương án

TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN - cho rằng: Khi đầu tư tiền của nhà nước để xây dựng trung tâm hạt nhân thì sau này phải khai thác hiệu quả. Nếu đưa trung tâm này ra xa TP.Đà Lạt, tổ chức làm không hiệu quả thì sẽ không thu hút được nguồn lực, lãng phí tiền của, hơn nữa dự án này cần đầu tư triển khai xây dựng sớm mới có tác dụng với nhà máy điện hạt nhân.

Hiện nay, viện đã đề xuất địa điểm xây dựng trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân cách trung tâm TP.Đà Lạt 13km và đã có đất từ dự án trung tâm ứng dụng hạt nhân công nghệ cao với 107ha, nhưng tỉnh Lâm Đồng họ “sợ” phóng xạ!

Mặc dù trong trung tâm sẽ có lò nghiên cứu hạt nhân quy mô nhỏ nhưng trên thế giới, nhiều nước vẫn đặt trong trường đại học và an toàn. Nếu đưa ra xa 30km ở vùng đất mới thì những người làm hạt nhân sẽ e ngại do phần lớn họ đều có nhà cửa tại TP.Đà Lạt.

Đồng thời sau này, khi mời các chuyên gia nước ngoài về làm việc phối hợp với Trường ĐH Đà Lạt sẽ hình thành một trung tâm nghiên cứu tập trung. Bộ KH&CN cũng đã thống nhất phương án này và coi như phương án tối ưu. Hiện, Bộ KH&CN đang làm việc với tỉnh Lâm Đồng để thống nhất phương án trình Thủ tướng phê duyệt. 

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích