Cả nhà đổi vận, con lên sếp lớn
Tháng 9/2012, ông Trần Hùng Huy con trai ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập và giữ chức Chủ tịch ACB trong một thời gian dài trước đó, bất ngờ được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch ACB.
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) cho rằng đây là một sự bổ nhiệm tạm thời trong bối cảnh ACB đối mặt với cơn bão biến động nhân sự cao cấp sau khi ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt, cùng với đó là sự ra đi của chủ tịch ACB Trần Xuân Giá, 3 thành viên HĐQT Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Tổng giám đốc Lý Xuân Hải...
Tuy nhiên, đại hội cổ đông ACB 2013 sau đó gần 8 tháng đã bầu 11 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2018 và ông Hùng Huy tiếp tục giữ vị trí chủ tịch cho dù ông là người trẻ tuổi nhất trong HĐQT.
Ông Huy cho dù rất trẻ (35 tuổi) nhưng đã có học vị tiến sĩ kinh tế (bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Golden Gate - Mỹ năm 2011); tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) năm 2002 và có kinh nghiệm làm việc 11 năm chính tại ACB trải qua nhiều vị trí khác nhau.
Với một bề dày học hành và kinh nghiệm cũng không ít như vậy, việc ông Huy được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng có lẽ cũng không quá ngạc nhiên. Tuy vậy, điều khiến giới đầu tư hay các cổ đông của ACB đặt niềm tin nhiều hơn vào thiếu gia này có lẽ là sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng trong việc trực tiếp tham gia quản trị Ngân hàng ACB.
Sự ra đi đồng loạt của rất nhiều nhân vật chủ chốt tại ACB hối cuối quý III/2013 đã đánh dấu sự trở lại của nhà họ Trần sau khi cựu chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng phải rút khỏi HĐQT vào năm 2008. Gia đình họ Trần đã trở lại ngoạn mục với 3 vị trí trong HĐQT ACB, bao gồm ông Hùng, bà Đặng Thu Thủy (vợ ông Hùng) và ông Trần Hùng Huy.
Báo cáo quản trị bán niên 2013 vừa công bố cho thấy, gia đình nội ngoại và người thân có liên quan tới ông Hùng Huy nắm giữ hơn 11% cổ phần của ACB, trong đó, ông Hùng Huy là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 3% cổ phần, trị giá khoảng 450 tỷ đồng, và là một trong Top 30 người giàu nhất TTCK.
Trước đó, giới đầu tư cũng chứng kiến sự thăng tiến ngoạn mục của 3 người con của ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân, Trầm Khải Hòa và Trầm Thuyết Kiều sau khi vị thế của ông Trầm Bê và gia đình được cải thiện rất nhiều và là cổ đông lớn nhất tại 2 ngân hàng Sacombank, SouthernBank và nhiều doanh nghiệp khác.
Theo báo cáo mới nhất, ông Trầm Bê đang nắm giữ 131.100 cổ phiếu STB, tương đương tỷ lệ rất nhỏ là 0,01%. Tuy nhiên người con trai cả của ông là Trầm Trọng Ngân lại giữ tới hơn 54,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,52%. Con trai út Khải Hòa cũng đang nắm giữ hơn 23,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1,96% và con gái Trầm Thuyết Kiều cũng có gần 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,3%. Tổng cộng gia đình ông Trầm Bê có 6,79% vốn điều lệ của Sacombank. Ông Trầm Bê hiện là phó chủ tịch HĐQT STB, trong khi ông Trầm Khải Hòa (sinh năm 1988) là thành viên.
Gia đình ông Trầm Bê cũng đang nắm hơn 20% cổ phần Southernbank và là cổ đông lớn nhất tại đây. Ông Trầm Trọng Ngân hiện là Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng này.
Các thành viên gia đình ông Trầm Bê đã nổi lên rất nhanh, đặc biệt sau ván bài thâu tóm Sacombank diễn ra giữa năm ngoái với sự xuất hiện của một loạt các thành viên đến từ Southernbank có mặt trong bộ máy quản trị của Sacombank.
Hay những thành công của CTCP Cơ điện lạnh REE của chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh trong vài năm gần đây cũng đang giúp con trai bà Nguyễn Ngọc Thái Bình thăng tiến trong doanh nghiệp này. Trong khi ái nữ giỏi giang Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh lại đang rất nổi tiếng trên TTCK, trước tiên với tư cách là một cổ đông khá lớn.
Thăng trầm theo cha
Trái ngược với tình trạng tiến nhanh, vươn xa của nhiều thiếu gia thuận buồm xuôi gió, không ít doanh nhân thế thứ 2, thứ 3 trong các gia đình có tiếng lại đang dấu hiệu sa sút do cha mẹ gặp khó khăn.
Trong phiên giao dịch cuối tháng 7 vừa qua, trên TTCK lại xuất hiện lệnh thỏa thuận hơn 14,6 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank. Người mua và bán không được công bố song nhiều khả năng lệnh thoả thuận bao gồm 7 triệu cổ phiếu của con trai ông Đặng Văn Thành mà Sacombank chưa bán hết (trong số gần 80 triệu cổ phiếu bị siết nợ).
Trước đó, cả ông Thành và con trai là Đặng Hồng Anh đã lần lượt phải từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT. Động thái bán cổ phiếu siết nợ có thể bước cuối cùng trong quá trình rút lui khỏi ngân hàng do chính ông Thành xây dựng cách đây 20 năm.
Sau những giao dịch giải chấp nói trên, tên tuổi của ông Đặng Văn Thành đã biến mất khỏi danh sách những người giàu nhất trên TTCK, trong khi con trai Đặng Hồng Anh cũng tụt hạng, ra khỏi Top 50 người giàu nhất.
Cùng với quyết định rút lui khỏi Sacombank của ông Thành, nhiều thành viên trong gia đình đại gia này cũng có biểu hiện thu mình hoặc chuyển mình trong nhiều hoạt động như việc con gái Đặng Huỳnh Ức My thôi chức CEO Thành Thành Công (một tập đoàn chủ chốt của gia đình họ Đặng); vợ Huỳnh Bích Ngọc xin rút khỏi chức danh thành viên HĐQT Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa.
Thiếu gia Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla), Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) có lẽ cũng là một trường hợp gặp khó. Trong nhiều năm qua, ông Cường vẫn chỉ được nắm giữ một lượng cổ phiếu khá khiêm tốn (khoảng 0,4%) và chưa thể nắm những vị trí cao hơn. Tình hình kinh doanh đáng buồn cùng với những sự cố mà QCG và chủ tịch QCG bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Cường) gặp phải trong thời gian gần đây có thể là một trong các nguyên nhân cản trở sự thăng tiến của doanh nhân trẻ này.
Hiện tượng con cái đổi vận, thăng trầm theo cha mẹ gần đây khá phổ biến. Nó cho thấy, các doanh nhân thế hệ trước dày công dạy bảo, hướng con cái kế nghiệp kinh doanh để giữ gìn và phát triển tài sản gia đình. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó cũng cho thấy lớp trẻ chưa thể khỏa lấp vị trí người đi trước để lại và họ sẽ còn phải cố gắng rất nhiều.
Theo VEF