Còn nhớ tại thời điểm trước khi bị bắt, ông Trần Xuân Giá từng lên tiếng khẳng định ông có một “bảo bối” có thể giúp ông tự vệ và rằng, “bảo bối” đó chính là đứa con tinh thần mà ông thai nghén lên, ông hiểu nó hơn ai hết nên cái gì được làm, không được làm, chẳng ai rõ bằng ông. “Bảo bối” mà ông Giá nhắc tới chính là Luật Doanh nghiệp - một trong những Luật quan trọng bậc nhất, quy định hoạt động của hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Trước khi về làm việc tại ACB, ông Trần Xuân Giá từng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được biết đến là người có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu nói ông Giá quá tự tin khi tuyên bố về cái gọi là “bảo bối” có thể giúp ông tự vệ thì chắc chẳng ai tin nhưng đó là cách để ông hướng sự chú ý của dư luận xã hội theo một chiều hướng khác thay vì tập trung vào những sai phạm của ông này mà thôi.
Không có "vùng tự do" cho Trần Xuân Giá. |
“Vùng tự do” bên ngoài khuôn khổ pháp luật mà ông từng nhắc tới cũng chẳng tồn tại. Pháp luật rất nghiêm minh và mọi hành vi phạm pháp đều phải bị trừng trị. Và không có bất kỳ ngoại lệ nào cho ông Trần Xuân Giá.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Trần Xuân Giá chính là người đã ký biên bản cuộc họp Thường trực Hội đồng Quản trị ACB về việc dùng tiền huy động của dân uỷ thác cho nhân viên ACB và công ty gửi tiền VND, USD vào các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất chênh lệch tiền gửi.
Số tiền được xác định lên tới hơn 130 ngàn tỉ đồng với lãi suất từ 8,5%/năm đến 27%/năm và hơn 81 triệu USD với lãi suất từ 3,0% đến 6% vào 29 ngân hàng. Tổng số tiền lãi thu về từ hoạt động này lên tới 6.279 tỉ đồng và 1,89 triệu USD, trong đó lãi suất chênh lệch vượt trần là 258 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số tiền được mang đi cho vay có 719 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như.
Việc làm này được Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định là đã vi phạm Điều 13 và Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ và thu lợi bất chính cho các cổ đông ngân hàng ACB.
Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, ông Giá còn đồng ý với chủ trương “bơm” tiền cho ACBS (công ty chứng khoán 100% vốn của ACB) để đầu tư vào chính cổ phiếu ACB thông qua các công ty của Nguyễn Đức Kiên. Hoạt động này đã gây thiệt hại cho ACB số tiền là 688 tỉ đồng. Hành vi này của ông Giá đã vi phạm Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng và Điều 29 của Quyết định 27/2007/QĐ-BTC.
Nhưng hành vi sai phạm trên cũng đã được ông Trần Xuân Giá xác nhận trong phần lời khai trước Cơ quan Cảnh sát điều tra. Và theo kết luận điều tra thì ông Giá đã thừa nhận có tham gia họp và ký biên bản ra chủ trương cho nhân viên ngân hàng ACB, các công ty gửi tiền VND, USD vào các tổ chức tín dụng và cấp tín dụng cho Công ty TNHH Chứng khoán ACB để đầu tư vào cổ phiếu của chính ACB.
Với những hành vi trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận: Hành vi của Trần Xuân Giá đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hâu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự với vài trò đồng phạm giúp sức.
Từng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Giá đã tin vào bảo bối của mình là "Luật Doanh nghiệp": Ông được làm những điều pháp luật không cấm chứ không chỉ làm những thứ quy định trong luật.
Nhưng cuối cùng thì bảo bối mà ông từng nói đã không thể bảo vệ được ông.
Theo Petrotimes