Xử lý nợ xấu, cần thêm sức từ bên ngoài

Chủ nhật, 11/08/2013, 08:23
Để xử lý nợ xấu, Việt Nam cần nhận định thực tế nợ xấu theo thị trường, xây dựng chính sách thu hút nguồn lực, nhất là từ các đối tác nước ngoài thay vì tâm lý trông chờ, trì hoãn như hiện nay. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia về nợ xấu tại buổi hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu ở Việt Nam”, tổ chức hôm qua (8.8) tại Hà Nội.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, công ty luật Basico, chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, tính đến tháng 5.2013, nợ xấu theo công bố của ngân hàng Nhà nước chiếm tỷ lệ 4,65% trên tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức, chuyên gia tài chính, tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam dao động 11,5 – 20%.

“Nếu tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 4,65%, chúng ta có thể túc tắc giải quyết mà không cần đến cả định chế VAMC...”, ông Đức nói.

Có tình trạng che giấu nợ xấu, theo ông Đức là do lãnh đạo ngân hàng không muốn thừa nhận thất bại, không muốn bị mất uy tín. Nhưng thực trạng nợ xấu được bộc lộ chỉ là sớm hay muộn mà các ngân hàng phải chấp nhận đánh đổi: sớm thì đỡ mất nhiều, còn cố trì hoãn, che giấu đến khi “ra ngô ra khoai” thì mất mát sẽ nặng nề hơn.

no xau

Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng chủ yếu là bất động sản, nhưng công ty mua bán nợ của ngân hàng (AMC) lại không được kinh doanh bất động sản, không được đấu giá tài sản, là khó khăn trong xử lý nợ. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

“Đứng cho vay, quỳ thu nợ”

Chuyên gia xử lý nợ xấu, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Capital Services Group, John Sheenan cho rằng, các ngân hàng, nhất là những đơn vị đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có tâm lý lo ngại công bố con số thực về nợ xấu sẽ làm giá cổ phiếu của họ giảm. “Nhưng thực ra, mọi người đều biết hệ thống ngân hàng Việt Nam có vấn đề và đã được định giá trên thị trường chứng khoán rồi”, ông John Sheenan nói.

Cũng theo chuyên gia xử lý nợ xấu của Capital Services Group, việc xử lý nợ xấu, càng nhanh càng đỡ thua lỗ, trong khi thực tế hiện nay, các ngân hàng thường có tâm lý chờ đợi với kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại, vì thế nguy cơ thua lỗ càng lớn hơn.

Bởi ở giai đoạn thị trường đi xuống, mọi người thường cố gắng bán tống bán tháo tài sản khiến thị trường càng xuống nhanh hơn. Ngay cả khi thị trường có dấu hiệu đi lên, nhưng nếu không xử lý, sẽ có nguy cơ tạo thành đáy thứ hai và đáy đó sẽ nguy hiểm hơn.

Ngay cả việc thành lập công ty mua bán tài sản VAMC, theo ông John Sheenan, bản chất cũng chỉ là bán các khoản nợ từ ngân hàng cho Chính phủ, nghĩa là đưa vấn đề của ngân hàng lên cấp quốc gia. Ông John Sheenan cho rằng VAMC cũng sẽ gặp các vấn đề nan giải như của các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, như có thể trả quá cao cho các khoản nợ xấu, không thể trả cho các chi phí thua lỗ…

Luật sư Trương Thanh Đức nhận xét, cách thức xử lý nợ xấu tại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là giãn nợ, khoanh nợ, đảo nợ, nghĩa là làm đẹp về sổ sách, nhưng bản chất “xấu” của nợ vẫn không mất đi.

Trong khi, việc xử lý tài sản bảo đảm, hiện vẫn còn nhiều nan giải, chẳng hạn tài sản bảo đảm tại các ngân hàng chủ yếu là bất động sản, song theo quy định hiện hành, công ty mua bán nợ của ngân hàng (AMC) không được kinh doanh bất động sản, không được đấu giá tài sản.

Kể cả công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC), mục đích thành lập là để mua, bán nợ xấu, nhưng theo tiêu chí hoạt động thì “chỉ mua nợ tốt”. Ông Đức kết luận: “Các ngân hàng có câu ví von về tình trạng khó khăn trong xử lý nợ là “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Thực tế hiện nay đúng là cho vay đã khó, đòi được khó hơn nhiều.

Không thể loay hoay xử lý nội bộ

Để xử lý nợ, ông Đức cho rằng, trước hết, phải có được con số thực, tình hình thực về nợ xấu, còn nếu chỉ dừng ở mức độ như công bố hiện nay, nhiều cấp, nhiều ngành và bản thân nhiều ngân hàng cũng vẫn đủng đỉnh. Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng cho thấy, thường phải hai năm mới nhận thức được tầm quan trọng, bốn năm để xử lý.

Nhưng với tâm lý trông chờ vào các gói hỗ trợ của Chính phủ như gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỉ đồng, hay gói hỗ trợ doanh nghiệp, rồi ỷ vào việc nắm đằng chuôi là tài sản bảo đảm… thì có thể mất thời gian gấp đôi. Về phía các ngân hàng, phải chủ động xử lý tài sản, chấp nhận cắt lỗ.

Mặt khác, muốn xử lý nợ xấu hay làm gì cũng phải có tiền, trong khi nguồn lực của chúng ta hạn chế, thì phải huy động bằng mọi kênh, nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Tuy nhiên, các chính sách của chúng ta hiện nay gần như đóng cửa với NĐTNN, như chính sách về mua cổ phần, sở hữu đất đai… nên bấy lâu cứ loay hoay xử lý nội bộ và giậm chân tại chỗ khiến cho nợ xấu càng… xấu thêm!

Chia sẻ góc nhìn này, ông John Sheeman, cho biết: “Tôi có sẵn danh sách các NĐTNN mong muốn đầu tư vào Việt Nam, với lượng vốn hàng tỉ USD. Tuy nhiên, để hấp dẫn các NĐTNN, ngoài việc tạo ra cơ chế, chính sách cho họ tham gia, chúng ta cần tạo ra hệ thống hạ tầng – mà điều này phải do Chính phủ đứng ra thực hiện.

“Theo tính toán của tôi, giá một khoản nợ xấu của Việt Nam dao động 30 – 50 cent, song nếu không có cơ sở hạ tầng, chúng ta chỉ có thể bán được 2 cent thôi”, ông John Sheeman nói và lấy dẫn chứng, như tại Thái Lan, năm 1998, để xử lý khủng hoảng, nợ xấu, Chính phủ đã xây dựng điều luật đặc biệt, cho phép các NĐTNN được nắm giữ bất động sản liên quan đến khoản nợ xấu họ mua, trong thời gian tới mười năm.

Chính sách này không chỉ thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào xử lý nợ xấu, mà còn giúp thị trường bất động sản nước này tăng giá.

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn