Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự lũng đoạn của một số nhà tài phiệt mà Nguyễn Đức Kiên là một trong số đó.
Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2005 - 2011, ngân hàng ACB huy động được từ dân lượng tiền nhiều với lãi suất cao nhưng việc cho vay lại gặp nhiều khó khăn. Việc gửi liên ngân hàng cũng không thực hiện được bởi nhiều ngân hàng cũng lâm vào tình trạng tương tự. Để giải quyết vấn đề này, Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc - đã đề xuất ủy thác cho nhân viên lấy tiền huy động được của dân đem gửi vào các tổ chức tín dụng khác để hưởng chênh lệch lãi suất.
Đề xuất này đã được Nguyễn Đức Kiên chấp thuận và chỉ đạo thường trực HĐQT ngân hàng ACB thực hiện. Việc này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết HĐQT ngân hàng ACB do ông Trần Xuân Giá làm chủ tịch, Lê Vũ Kỳ phó Chủ tịch, Lý Xuân Hải TGĐ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang là các thành viên cùng ký.
Ngay sau khi có nghị quyết này từ 2005-2011, ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên ngân hàng và 4 Công ty gửi tổng số tiền 130.785 tỷ đồng với lãi suất từ 8,5%-27%/năm và 81.258.329 USD với lãi suất 3%-6%/năm vào 29 ngân hàng và đã thu được số tiền lãi là 6.279 tỉ đồng và 1.882.405USD, lãi chênh lệch vượt trần thu được là 258 tỉ đồng.
Sở dĩ Nguyễn Đức Kiên thực hiện được điều này, theo cơ quan điều tra thì để tạo áp lực cho HĐQT và ban Giám đốc ngân hàng, trong mọi cuộc họp Nguyễn Đức Kiên đều tuyên bố: “Hiện tôi không tham gia gì trong HĐQT, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không nghe thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh” hoặc “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên Hội đồng sáng lập được quy định trong quy chế hoạt động của Hội đồng sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi, nhưng với tư cách cổ đông lớn tôi có quyền triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để cách chức các anh ra khỏi HĐQT”.
Chính vì là cổ đông lớn nên những tuyên bố của Nguyễn Đức Kiên đã tạo ra áp lực và quyền lực thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng ACB và làm mọi người ngầm hiểu là không thực hiện ý kiến của ông Kiên là không được. Vì vậy mọi ý kiến của Nguyễn Đức Kiên sau đó đểu phải trở thành nghị quyết của HĐQT.
Cơ quan điều tra cũng kết luận việc dùng tiền huy động, ủy thác cho các nhân viên gửi vào các tổ chức tín dụng là sai đối với điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và làm sai lệch hệ thống thông tin liên quan đến báo cáo huy động từ dân cư của toàn hệ thống ngân hàng, làm rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn trong việc ra chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và điều hành việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Cơ quan điều tra khẳng định trách nhiệm chính của việc này là Nguyễn Đức Kiên. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn khẳng định Nguyễn Đức Kiên trốn thuế cả trăm tỉ đồng.
Theo Lao Động