Bán mình cho… tiền!?

Thứ ba, 13/08/2013, 07:28
Người ta sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực để phân tích, lý giải về cái gọi là “hiện tượng bầu Kiên”, bởi lẽ, thật khó hiểu, khi tại sao một người như ông ta lại có thể thao túng không chỉ Ngân hàng ACB, mà còn nhiều ngân hàng, công ty khác.

Với những gì mà bầu Kiên cùng những người có liên quan đã khai tại cơ quan điều tra; với những gì mà cơ quan công an đã chứng minh được… thì rõ ràng, một thời gian dài bầu Kiên đã làm khuynh đảo thị trường tiền tệ, chứng khoán của Việt Nam.

Ghê gớm quá! Khủng khiếp quá. Không hiểu nếu xử lý bầu Kiên chậm vài tháng nữa thì nền kinh tế nước nhà sẽ như thế nào?

Tại sao bầu Kiên có thể làm được như vậy?

Lý giải điều này, thật khó, nhưng cũng… đơn giản.

Đơn giản nhất đó là: Bầu Kiên đã biết sử dụng sức mạnh của đồng tiền.

bầu Kiên

Về lý thuyết, bầu Kiên không thể tác oai, tác quái đến như vậy, bởi lẽ từ trước đến nay, cha ông ta đã có câu: “Tiền có đồng, cá có con”. Đồng tiền là thứ không thể mù mờ được, đặc biệt là chúng ta đã có rất nhiều những quy định về quản lý tài chính. Những quy định này, nếu được thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn những người như bầu Kiên không thể thực hiện được những âm mưu, thủ đoạn làm giàu bất chính dễ dàng như vậy.

Rõ ràng là bầu Kiên đã được sự giúp sức, hoặc vô trách nhiệm của không ít người, mà trong đó có cả người kinh nghiệm đầy mình về quản lý tài chính như ông Trần Xuân Giá.

Những người này, không thể nói là họ kém về năng lực quản lý, bởi họ từng là những cán bộ được đào tạo bài bản, được kinh qua nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Họ cũng không phải là những người “đói ăn vụng, túng làm liều”, bởi vì kinh tế của họ chắc chắn là rất khá. Nhưng họ vẫn nhắm mắt làm theo mệnh lệnh của bầu Kiên; họ cam tâm bán mình cho đồng tiền và vì đồng tiền mà họ bán rẻ cả danh dự. Họ đã trở thành những con rối, múa may theo sợi dây từ tay bầu Kiên.

Chính vì có quyền uy tuyệt đối mà bầu Kiên mới dám nói với Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB như thế này: “Hiện tôi không tham gia gì trong Hội đồng Quản trị, tôi nói nhăng, nói cuội gì các anh nghe hay không thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh”, hoặc: “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên Hội đồng Sáng lập đã được quy định trong quy chế của Hội đồng Sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi, nhưng với tư cách cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường, cách chức các anh ra khỏi thành viên Hội đồng Quản trị”.

Không hiểu một người từng giữ chức vụ cao và được đánh giá là một nhà kinh tế xuất sắc như ông Trần Xuân Giá nghĩ thế nào về những lời này, khi mà ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng ACB. Ôi, giá như vào lúc ấy, những người như ông Giá đứng phắt dậy, chỉ mặt bầu Kiên mà nói rằng: “Nếu anh coi chúng tôi là bù nhìn thì anh đã nhầm…” và vứt bỏ cái chức vụ ảo, cái danh hão ấy đi, về nhà vui thú điền viên… thì hay biết bao nhiêu. Và chưa biết chừng, cũng sẽ làm cho bầu Kiên tỉnh ngộ!!!

Thế mới biết vào thời buổi nền kinh tế thị trường này, đồng tiền đã bộc lộ sức mạnh đến thế nào.

Tại cơ quan điều tra, ông Giá còn khai vào tháng 3/2010, khi Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Tại cuộc họp này, ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền dân gửi vì lúc đó, ACB huy động được nhiều tiền, nhưng lại không cho vay được mà cứ phải trả lãi. Phớt lờ ý kiến này, bầu Kiên nói gọn lỏn: “Làm gì thì làm, nhưng không được giảm tổng tài sản của ACB”. Và thế là, Hội đồng Quản trị chỉ còn biết mỗi việc nhắm mắt làm theo lệnh của bầu Kiên.

Một điều rất đáng lưu ý là từ năm 2008 và cho tới đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định, thông tư về cơ chế điều hành lãi suất và trần lãi suất. Như vậy, chứng tỏ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhìn thấy sự “nguy hiểm” trong việc các ngân hàng “tự tiện xé rào” trong việc huy động tiền gửi, bằng cách đẩy lãi suất lên cao và ngăn chặn việc ngân hàng này mang tiền đi gửi ngân hàng khác để lấy lãi. Những quy định, thông tư này, nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ giúp ngăn chặn được lợi ích nhóm của các ngân hàng và đưa hoạt động kinh doanh tiền tệ đi vào nề nếp, thực chất, không gây ra “ảo” cho nền kinh tế.

Nhưng bất chấp, rất nhiều ngân hàng, trong đó có cả những ngân hàng đang đóng vai trò là “xương sống” cho nền kinh tế như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… cùng 24 ngân hàng lớn bé khác vẫn nhận tiền gửi của các nhân viên Ngân hàng ACB. Có những lúc, các ngân hàng này huy động với lãi suất 27%/năm. Việc ACB cho nhân viên lấy tiền đem đi gửi các ngân hàng hàng khác với lãi suất vượt trần quy định đã gây nên một chạy đua “lãi suất” giữa các ngân hàng. Và cuộc chạy đua này trở nên hỗn loạn, khiến Ngân hàng Nhà nước không còn điều khiển được.

Thời điểm đó, với lãi suất này, những người hiểu biết về kinh tế cho rằng, chỉ có buôn… ma túy mới có thể có được lãi suất thế này? Số tiền lãi mà ACB gửi ở 26 ngân hàng này lên đến 4.022 tỉ (lấy tròn số). Rõ ràng, các ngân hàng này đã “giúp sức” cho những việc làm trái của bầu Kiên. Không hiểu rồi tới đây, công tác điều tra cho thấy “bức tranh” về các ngân hàng này sẽ là màu gì? Các ngân hàng cổ phần tư nhân họ dám bất chấp tất cả để kiếm tiền thì đi một nhẽ. Nhưng còn các ngân hàng của Nhà nước thì sao? Các ngân hàng này có bộ máy quản lý hoàn chỉnh; có tổ chức Đảng lãnh đạo và chắc chắn năm nào cũng rất nhiều đảng bộ, chi bộ đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”…

Về nguyên tắc thì có “cho uống mật gấu” họ cũng không dám làm trái các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng tại sao vẫn có chi nhánh, có đơn vị thành viên dám làm sai để kiếm tiền? Và nếu như vậy, lãnh đạo có biết không? Và bây giờ thì sẽ xử lý như thế nào đây? Việc họ nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần của ACB rõ ràng là sai và là hành động tiếp tay cho bầu Kiên. Cho nên, nếu như “bỏ qua”, hay du di trong cách xử lý sai phạm của ngân hàng này thì cũng chưa phải là lẽ công bằng.

Vụ án bầu Kiên là một điển hình cho ta thấy sức mạnh hơn “bom nguyên tử” của đồng tiền trong một nền kinh tế thị trường. Và rõ ràng, đồng tiền đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ của nó, khi mà đã làm đảo lộn nhiều chuẩn mực của xã hội, của con người.

Chúng ta đang phải trăn trở, vật vã, day dứt giữa “bao cấp” và “thị trường”. Sự nhập nhằng chưa dứt khoát giữa hai cơ chế này đã nảy sinh ra những loại như bầu Kiên, điều đó cũng không nên quá ngạc nhiên.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn