Có lẽ vì đây là lần đầu tiên, một nhân vật “cổ cồn trắng” và những mánh khóe thao túng thị trường tiền tệ đã làm bàng hoàng tất cả chúng ta.
Bầu Kiên - doanh nhân kiểu “ốc mượn hồn”
Trước hết, chúng ta thừa nhận rằng, là cổ đông sáng lập trong một ngân hàng thương mại, là chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá, Nguyễn Đức Kiên là một doanh nhân thành đạt và có tiếng tăm. Tuy nhiên, tầm cỡ như “bầu” Kiên chưa thể nói là có gì ghê gớm để “làm mưa làm gió” trên thương trường, làm náo loạn cả hệ thống ngân hàng và cả dư luận. Vì sao vậy?
Và sau gần 1 năm, đáp án câu hỏi này đã có: Nguyễn Đức Kiên là một tên tội phạm chuyên sống nhờ các mối quan hệ, mượn uy của người này, người khác để tạo thanh thế, tạo “quyền lực ảo” nhằm đạt được mục đích. Đây là loại tội phạm mới xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây - các nhà tội phạm học gọi đây là loại tội phạm bóng, tội phạm ảo hay cổ cồn trắng. Trên thực tế, Nguyễn Đức Kiên không có một “danh vị” rõ ràng nào cả nhưng lại “nổi như cồn” với lần chơi ngông trên sân bóng, mắng như hắt nước vào mặt cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh doanh tài chính ngân hàng, “bầu” Kiên cũng chẳng nắm một chức vụ nào đáng kể nhưng thi thoảng lại có mặt ở vài sự kiện quan trọng hoặc lâu lâu trên Internet lại xuất hiện vài thông tin kiểu “bóng gió” về những “mối quan hệ khủng” của ông bầu này.
|
Nguyễn Đức Kiên thực sự là "bóng ma" khuấy đảo thị trường tài chính - ngân hàng |
Nguyễn Đức Kiên còn sử dụng những kinh nghiệm được tích lũy sau nhiều năm làm việc tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) để “lách luật”, trục lợi, lũng đoạn hệ thống ngân hàng.
Hãy cùng nhìn lại những “đường đi nước bước” của Nguyễn Đức Kiên để biết “cơ chế phạm tội” của nhân vật này.
Sau nhiều năm gắn bó với ACB, “bầu” Kiên đã có một vị trí khá quan trọng tại ngân hàng này và có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của ACB. Tuy nhiên, vì làm việc tại ngân hàng nhiều năm và cũng đã leo lên chiếc ghế Phó chủ tịch HĐQT nên Kiên hiểu hơn ai hết rằng, nếu tiếp tục ở lại, những tham vọng đầu tư, mở rộng kinh doanh sẽ khó thực hiện bởi quy định hạn chế vốn vay. Chính vì vậy, Kiên đã rút khỏi ACB. Tuy nhiên, để duy trì sự ảnh hưởng của mình tại ACB, Hội đồng Sáng lập ACB theo sáng kiến của Kiên đã được lập ra và do Kiên làm Phó chủ tịch.
Nguyễn Đức Kiên với tham vọng mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh đã thành lập 5 công ty tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh tài chính, bất động sản làm công cụ để triển khai các hoạt động kinh doanh phạm pháp của mình. Trong số các công ty được Kiên lập ra là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (Công ty AFG); Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI); Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu (Công ty ACI); Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI-HN) và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại B&B (Công ty B&B) và tất nhiên Kiên làm Chủ tịch HĐQT của cả 4 công ty này.
Có công ty trong tay cộng với những ảnh hưởng của mình tại ACB và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, Kiên đã thực hiện một loạt hành vi phạm tội liên quan đến lĩnh vực đầu tư tài chính, kinh doanh vàng…
Cuối năm 2009, khi giá cổ phiếu của Ngân hàng ACB bị giảm sút, Kiên và thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS (Công ty Chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của chính ACB. Nhưng với các quy định pháp luật trong hoạt động tài chính - ngân hàng, ACB không thể trực tiếp rót tiền cho ACBS nên Kiên đã “đạo diễn”: ACB chuyển tiền cho KienLongBank theo hình thức vay liên ngân hàng.
Sau đó, KienLongBank chuyển tiền cho ACBS thông qua hợp đồng mua trái phiếu do ACBS phát hành. Tiếp đó, ACBS chuyển tiền cho ACI và ACI-HN dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư để mua cổ phiếu của ACB.
Sau chuỗi chu trình này, ACB đã cấp cho ACBS 1.500 tỉ đồng rồi công ty này tiếp tục chuyển cho 2 công ty của Kiên là ACI và ACI-HN để 2 công ty này đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB. Và theo thông tin được đưa ra trong kết luận điều tra thì tính đến thời điểm này, mới thu về hơn 364 tỉ tiền gốc, còn lại 1.193 tỉ đồng chưa thu về được, trong khi cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỉ đồng.
Kết luận điều tra nêu rõ: Việc ACB chuyển “lòng vòng” 1.500 tỉ đồng để mua chính cổ phiếu của mình đã gây thiệt hại hơn 74 tỉ đồng và người chịu trách nhiệm về hành vi này là Nguyễn Đức Kiên và các thành viên thường trực HĐQT ACB.
Về chuyện mua bán cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, cơ quan điều tra xác định: Kiên là người đã chỉ đạo ACBI ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát làm tài sản đảm bảo vào ACB để công ty này phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu. Nhưng khi chưa được sự đồng ý của ACB và ACBS, Kiên đã thực hiện giao dịch với Hòa Phát và không thông báo cho Hòa Phát biết số cổ phần này đã bị thế chấp. Trong quá trình thực hiện giao dịch, Kiên đã chỉ đạo cấp dưới lập khống một số giấy tờ để bán số cổ phần đã thế chấp ngân hàng để chiếm đoạt 264 tỉ đồng.
Ngoài ra, “bầu” Kiên còn bị cáo buộc có hành vi trốn thuế với số tiền 25 tỉ đồng trong phi vụ kinh doanh vàng giữa B&B và Ngân hàng ACB.
Mặt khác, cơ quan điều tra xác định, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Ngân hàng ACB, “bầu” Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH Chứng khoán ACB mua cổ phiếu ACB sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến chính sách tài chính, tiền tệ, thu lời bất chính cho nhóm cổ đông ngân hàng ACB hơn 256 tỉ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỉ đồng.
Việc "bầu" Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TP.HCM và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 719 tỉ đồng...
Sống ký sinh trên thị trường tài chính
Phát hành trái phiếu cho các ngân hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu nắm giữ tại các ngân hàng, rồi dùng chính số tiền đó đi đầu tư vào các công ty và mua cổ phiếu của chính các ngân hàng đó là “chiêu” để Kiên tạo ảnh hưởng lên các tổ chức tín dụng.
Cách làm tưởng chừng rất “lòng vòng” này đã được giới chuyên gia cảnh báo đây là nguy cơ gây rủi ro, bất ổn đối với hệ thống tài chính ngân hàng và thực chất là hiện tượng “thao túng ngân hàng”. Tuy nhiên, loại hình tội phạm này mới chỉ thực sự rõ ràng khi các sai phạm của Nguyễn Đức Kiên được đưa ra ánh sáng.
Nhìn lại thị trường tài chính - ngân hàng khoảng 2 năm trở lại đây có thể thấy, câu chuyện sở hữu chéo và đặc biệt là hành vi thao túng ngân hàng, lũng đoạn thị trường được nhắc tới khá nhiều. Thậm chí, theo cách nói của giới chuyên gia thì hiện tượng này chính là “quả bom” nổ chậm đe dọa sự ổn định tài chính của mọi nền kinh tế.
Và nếu hiện tượng này không được dẹp bỏ dòng tiền trong xã hội sẽ chỉ là dòng tiền ảo, được thổi phồng lên bởi các nhóm lợi ích thông qua việc mua đi - bán lại cổ phiếu của các ngân hàng.
Cũng trong 2 năm qua, mối lo ngại xoay quanh các hợp đồng ủy thác đầu tư cho các công ty đầu tư tài chính (thực chất nhiều công ty do chính ông chủ hoặc các cổ đông của ngân hàng lập lên và rót vốn đầu tư vào) đã được nhắc tới như là thứ vũ khi đi thâu tóm các tổ chức tín dụng khác.
Có một nghi vấn cũng đã từng được nhiều người nhắc tới là việc ngân hàng bơm tiền cho công ty tài chính để công ty tài chính mua cổ phiếu của chính ngân hàng đó...
Hay như chuyện ngân hàng bơm tiền cho một công ty nào đó và rồi công ty này đi mua cổ phiếu của ngân hàng khác và rồi dùng số cổ phiếu đó đi thế chấp ở một ngân hàng khác nữa lấy tiền. Số tiền này tiếp tục được công ty này mang đi mua bán cổ phiếu...
Và như vậy, từ 100 đồng tiền ban đầu, sau quá trình chạy lòng vòng qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua các hợp đồng mua bán cổ phiếu đã được nhân bản lên thành 200, 300... đồng. Dòng tiền ảo là như thế!
Trở lại thời điểm Nguyễn Đức Kiên bị bắt (ngày 21/8/2012), với những thông tin ban đầu được cơ quan cảnh sát điều tra đưa ra, hiện tượng thao túng ngân hàng đã được phát giác. Và thực tế, sau gần 1 năm tiến hành điều tra, hành vi thao túng ngân hàng của Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là khá rõ ràng.
Rời ghế Phó chủ tịch ACB nhưng rồi lại trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB theo ý tưởng đề xuất của Kiên, Nguyễn Đức Kiên đã “đạo diễn” một loạt thương vụ mua bán cổ phiếu của các ngân hàng. Cụ thể:
Ngày 30/11/2010, Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan - Tổng giám đốc Công ty B&B ký hợp đồng bán 10 triệu trái phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng cho ACB với kỳ hạn 10 năm và tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là 916.350 cổ phiếu Ngân hàng Vietbank, trị giá 916,350 tỉ đồng do Kiên và người thân nắm giữ.
Đáng chú ý, số cổ phiếu mà B&B dùng làm tài sản đảm bảo trong hợp đồng này có được là do B&B đã ủy thác cho Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên), Đào Văn Kiên (em rể Kiên) và Nguyễn Tuấn Anh mua cổ phiếu của Vietbank nhưng tổng giá trị chỉ là 324,6 tỉ đồng.
Tại AFG, Kiên dùng 3.200 tỉ đồng vốn điều lệ của công ty nhờ 15 cá nhân đứng tên mua trái phiếu chuyển đổi của ACB.
Với ACBI, Kiên đã chỉ đạo ACBI phát hành 8 triệu trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng cho ACB với tài sản đảm bảo là 16 triệu cổ phiếu của Teckcombank và sau nhiều lần thay đổi, hiện tài sản đảm bảo cho hợp đồng này bao gồm 22 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát và một số tài sản đảm bảo khác. Hợp đồng được thực hiện ngày 25/3/2008.
|
Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB |
Sau đó, Kiên đã chỉ đạo ACBI dùng 800 tỉ đồng trên cùng với 300 tỉ vốn điều lệ và hơn 400 tỉ đồng huy động được (trong đó 100 tỉ ACBI đã cho ACI vay) góp vốn và mua cổ phần của một loạt công ty, trong đó có mua cổ phiếu của Teckcombank với giá trị gần 700 tỉ đồng. Khoản tiền 100 tỉ mà ACBI cho ACI vay cũng được dùng để mua cổ phần của Ngân hàng Eximbank.
Ngoài ra, tại ACI, với cách làm tương tự, Kiên “đạo diễn” ACI phát hành 5 triệu trái phiếu với tổng trị giá là 500 tỉ đồng và bán cho Sở Giao dịch Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Số tiền này sau đó được ACI chuyển cho một loạt công ty, trong đó có Công ty Thiên Nam (nơi mà Nguyễn Đức Kiên thực hiện các giao dịch mua bán vàng dù công ty này không được phép kinh doanh).
Cách làm tương tự cũng được Kiên áp dụng ở ACI-HN khi công ty này đã dùng 8,75 tỉ đồng uỷ thác cho ACB mua 17.500 cổ phiếu của Vietbank và ủy thác cho một số cá nhân, trong đó có các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang mua hộ Kiên 19,8 triệu cổ phiếu của Ngân hàng KienLongBank. Đồng thời, ACI-HN cũng ủy thác cho một số cá nhân mua 12,962 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á.
Trong giai đoạn từ tháng 6/2010 đến tháng 8/2012, ACI-HN tiếp tục dùng số tiền huy động được để mua 19,8 triệu cổ phiếu của KienLongBank. Và để có tiền tiếp tục thực hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, ACI-HN đã phát hành trái phiếu và bán cho Vietbank để lấy 350 tỉ đồng. Số tiền này một phần đã được ACI-HN trả tiền mua 11,907 triệu cổ phiếu Ngân hàng ACB.
Đến tháng 11/2010, ACI-HN tiếp tục phát hành 650 tỉ trái phiếu cho ACB và tài sản đảm bảo là lượng cổ phiếu mà ACI-HN nắm tại KienLongBank, DaiAbank, Eximbank, VietBank và của một số công ty khác. Số tiền này sau đó lại được ACI-HN ủy thác cho chính Ngân hàng ACB mua cổ phiếu của VietBank và ủy thác cho một số cá nhân mua hộ cổ phiếu của chính những ngân hàng này.
Ngay trong vụ ACB dùng tiền mua cổ phiếu của chính ngân hàng này cũng vậy, Kiên vẫn giữ vai trò đạo diễn. Điều này đã được cơ quan cảnh sát điều tra khẳng định rằng: Trước sức ép của cổ đông, Nguyễn Đức Kiên và Thường trực Hội đồng Quản trị ACB đã họp đi đến chủ trương sẽ cấp tiền cho ACBS (công ty chứng khoán 100% vốn của ACB) và giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo việc đầu tư vào cổ phiếu của ACB.
Dùng “uy” để trục lợi
Mặc dù không giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB) nhưng tiếng nói của Nguyễn Đức Kiên luôn được xem là quyết định.
“Quyền lực” của Nguyễn Đức Kiên được chính ông Trần Xuân Giá - nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB thừa nhận trước cơ quan điều tra. Theo ông Giá thì từ năm 2008, mặc dù Nguyễn Đức Kiên không tham gia Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB nhưng vẫn là người có ảnh hưởng và chỉ đạo, quyết định nhiều hoạt động của Ngân hàng ACB.
Thực tế, các ý kiến của Nguyễn Đức Kiên trong các cuộc họp Hội đồng Quản trị sau đó đều trở thành nghị quyết. Để tạo áp lực đối với các thành viên thường trực Hội đồng Quản trị, trong các cuộc họp, ông Kiên thường nói: “Hiện tôi không tham gia gì trong Hội đồng Quản trị, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không nghe thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh”.
Có gì không vừa lòng là “bầu” Kiên đe dọa: “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên hội đồng sáng lập đã được quy định trong quy chế hoạt động của hội đồng sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Nhưng với tư cách cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường và cách chức các anh ra khỏi thành viên Hội đồng Quản trị”.
Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB khai trước cơ quan công an: Ngày 22/3/2010, Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB có họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB dùng tiền và USD gửi vào các tổ chức tín dụng.
Trong cuộc họp này có một số ý kiến, trong đó có ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân, vì thời điểm đó Ngân hàng ACB đã huy động được nhiều tiền của dân nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi.
Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách gạt phắt đi, không đồng ý với ý kiến này mà nói: “Làm gì thì làm, không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”.
Sau đó Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc phải xoa dịu Kiên bằng cách đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi USD và tiền vào các tổ chức tín dụng. Phương án này được thường trực Hội đồng Quản trị thông qua, giao cho Tổng giám đốc thực hiện. Chính ý tưởng “làm vui lòng anh Kiên” này đã đẩy Tổng giám đốc Lý Xuân Hải vào vòng lao lý sau đó.
Chủ trương không được giảm tổng tài sản của ACB là ý kiến xuyên suốt của Nguyễn Đức Kiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ngân hàng ACB từ trước tới nay. Chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS mua cổ phiếu của ACB là do Nguyễn Đức Kiên đề xuất và đương nhiên được thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB đồng ý thông qua.
Vụ án Nguyễn Đức Kiên - một trong những vụ án gây xôn xao dư luận suốt gần 1 năm qua đã gần đi đến hồi kết khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị khởi tố nhân vật này 4 tội danh. Sự kiện này báo hiệu: Tội phạm ngân hàng - một loại hình tội phạm mới nhưng phức tạp, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ đã chính thức lộ diện.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị: - Truy tố Nguyễn Đức Kiên với các tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội trốn thuế. - Truy tố Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo báo cáo của ACB tính đến ngày 30/4/2013 thì ngân hàng này đã thiệt hại 944 tỉ đồng từ các khoản vay của 6 công ty và 5 cá nhân gia đình liên quan đến Nguyễn Đức Kiên. |
Theo Petrotimes