Sự kiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của Việt Nam đang triển khai đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt khi xuất hiện ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, Ninh Thuận nằm trong khu vực khá nhạy cảm về địa chất. Đây là nhà máy thuộc dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua (gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW). Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014, dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ vận hành vào năm 2020.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, ông Sergey A. Boyarkin khẳng định: Ninh Thuận 1 do Nga thực hiện sẽ được xây dựng bằng công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3. Hiện nay công nghệ này được cho là hiện đại nhất thế giới, sẽ áp dụng cả hai hệ thống an toàn có điện và không điện. Ngoài ra còn có cụm thiết bị để đảm bảo khi nhiên liệu quá nhiệt, bị chảy sẽ được hút ra ngoài, bức xạ được hút vào trong để không thoát ra ngoài môi trường.
Ông Sergey A. Boyarkin (bìa phải)- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom. (Ản: TT)
“Công nghệ này hiện chỉ Nga mới có. Nhìn lại bản chất của thảm họa Fukushima vừa qua có thể thấy rõ, nhà máy này đã không giữ được nguồn điện khi xảy ra sự cố, máy phát điện dự phòng ngừng hoạt động. Trong khi đó, với thiết kế của thiết kế của chúng tôi đối với Ninh Thuận 1, sẽ có 4 máy phát điện diesel, mỗi máy sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập. Ngay cả khi không có điện, hệ thống an toàn của nhà máy vẫn sẽ hoạt động bình thường” – ông Sergey A. Boyarkin trình bày.
Trước câu hỏi về khoản chi phí lớn khi xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1, ông Sergey A. Boyarkin thừa nhận, đây là loại công nghệ rất đắt tiền và cho biết thêm: “Theo tính toán của chúng tôi, giá 1 kw công suất của nhà máy vào khoảng 2700 USD. Ở Việt Nam sẽ phải đắt hơn 10% do các chi phí liên quan tới vận chuyển, nhưng tối đa sẽ không quá 3000 USD.
Nhưng hiện nay vẫn chưa thống nhất được địa điểm đặt lò phản ứng nên vẫn chưa thể tính toán chi phí chính xác của toàn dự án. Nhưng có lẽ tổng đầu tư của 2 tổ máy thuộc Ninh Thuận 1 sẽ không vượt quá 6 tỉ USD. Hiện tại, Chính phủ Nga và Việt Nam đã có được hiệp định hợp tác. Theo đó, Nga sẽ cho Việt Nam vay 10 tỉ USD với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà máy”.
Trước câu hỏi của phóng viên về vấn đề, nhiều nhà khoa học e ngại, Ninh Thuận không phải là địa điểm tối ưu để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khi nằm trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng mạnh của động đất, sóng thần. Hơn thế, tiêu chuẩn an toàn của Nga cũng không cho phép xây nhà máy điện hạt nhân gần biển, hoặc những vùng có nguy cơ cao về động đất. Nhưng các chuyên gia Nga lại tư vấn cho Việt Nam chọn Ninh Thuận.
Ông Sergey A. Boyarkin cho rằng, khu vực xây dựng nhà máy này tuy gần biển, nhưng vị trị đặt lò phản ứng cách xa biển, đủ để sóng thần không ảnh hưởng. Điều quan trọng nhất một bản thiết kế tối ưu, có thể chống động đất, cũng như tính toán xây dựng tường rào chắn sóng thần. Do đó, quá trình khảo sát vẫn đang được thực hiện để chọn ra vị trí thích hợp nhất.
“Thiết kế của chúng tôi đảm bảo tính an toàn cao nhất. Ninh Thuận 1 có thể chịu được động đất cấp 9. Tuy nhiên, qua khảo sát, khả năng phát sinh động đất cực đại ở Ninh Thuận chỉ là 7,5 độ richter. Rosatom đã từng xây dựng nhà máy ở Armenia, năm 1988 đã xảy ra động đất cấp 10 nhưng vẫn an toàn” - ông này nhấn mạnh.
Trên thực tế, Rosatom hiện đang tiến hành khảo sát địa điểm, vẽ thiết kế, dự kiến đến năm 2013 có thể xây dựng hạ tầng xung quanh, 2014 sẽ trực tiếp xây dựng nhà máy. Theo kế hoạch, năm 2018, Ninh Thuận 1 sẽ hoàn thiện. Trước khi đưa nhiên liệu vào lò, Việt Nam cần phải mất 1 năm nghiệm thu.
Về vấn đề nhân lực, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết , Chính phủ Nga - Việt Nam đã kí hiệp định hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, Việt Nam lựa chọn địa điểm, hạ tầng, nhân lực, Nga sẽ hỗ trợ vốn vay. Ngoài ra, Nga cũng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Việt Nam. Hiện nay, 70 cán bộ của Cục An toàn bức xạ hạt nhân đang sang Nga học tập, dự kiến sang năm 2013 sẽ tăng lên 150 người.
Theo tính toán của Rosatom, tới năm 2018, để vận hành được 2 tổ máy cần thuộc Ninh Thuận 1 cần có 1150 người có chuyên môn, trong đó có 300 chuyên gia hạt nhân.
Dự kiến, nhà máy Ninh Thuận 2 sẽ đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, thời điểm khởi công chưa được xác định.
Theo Dân trí