Nơi tập trung cổ phiếu "khủng"

Thứ năm, 09/02/2012, 14:46
Chỉ số VN30 mới áp dụng từ ngày 6/2, nhưng từ trước đó, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua các cổ phiếu trong “rổ” VN30 nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Rõ ràng nhà đầu tư đang kỳ vọng sự khởi sắc và thanh khoản của thị trường chứng khoán .

 

VN30 ảm đạm trong phiên ra mắt, nhưng 2 phiên trở lại đây chỉ số này bật mạnh, thậm chí vượt xa chỉ số chính là Vn - Index vốn đã tồn tại trên thị trường suốt 12 năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/2, VN30 tăng một mạch gần 12 điểm, thanh khoản của top 30 đạt 20,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 376,8 tỷ đồng.

Nơi tập trung cổ phiếu “khủng”

Theo bà Phan Thị Tường Tâm, tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), thị trường chứng khoán năm 2012 vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục khó khăn do hệ lụy kéo dài của năm 2011. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán và năng lực cạnh tranh của thị trường, việc triển khai chỉ số VN30 sẽ giúp thị trường có cách nhìn mới hơn. Tiêu chuẩn chọn vào rổ VN30 là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất, nên giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ phản ánh tốt nhất mối quan hệ giữa cung và cầu cổ phiếu, từ đó hạn chế sự làm giá vốn thường xảy ra đối với những cổ phiếu có thanh khoản kém.

Theo quy định, chỉ số VN30 được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường, bao gồm 30 cổ phiếu thành phần, đại diện cho hoạt động của 30 công ty được niêm yết trên sàn HoSE, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% giá trị giao dịch toàn thị trường. Đặc biệt, trong hơn 300 cổ phiếu niêm yết trên thị trường TP HCM hiện nay được phân làm 11 ngành chính, thì riêng VN30 đã có đại diện của 9 ngành, tập trung hầu hết là những cố phiếu “khủng” như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản...

Có sớm xì hơi?

Song chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, chỉ số VN30 vẫn chưa phản ánh đúng bản chất thật của thị trường chứng khoán như kỳ vọng. Theo ông Hiển, trên thực tế, việc đưa ra chỉ số VN30 nhằm thay đổi cách tính của chỉ số VN-Index. Bởi trong năm qua, mặc dù nhiều lần VN-Index tăng điểm nhưng nhìn tổng thể thị trường chứng khoán, rất nhiều cổ phiếu bị giảm mạnh. Nguyên nhân là chỉ cần hơn chục cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao tăng điểm, sẽ kéo thị trường tăng theo. Chính sự không chính xác trong cách tính chỉ số này, HoSE đã đưa ra chỉ số VN30.

Thế nhưng, nhìn vào 30 cổ phiếu được lựa chọn vào rổ VN30, hầu hết vẫn là dựa trên có giá trị vốn hóa cao. Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tuy chỉ có 9 công ty, nhưng chiếm 57% giá trị vốn hóa của rổ. Chưa kể cổ phiếu VCB – vốn hóa nhà nước không được bán ra công chúng cũng được tính vào. Ngoài ra, bất động sản cũng chiếm hơn 10 công ty. Và, chỉ cần vài mã CP bất động sản hoặc ngân hàng tăng thì chỉ số VN30 cũng tăng. Ngược lại, dù các cổ phiếu thực phẩm, chế biến tăng nhưng chỉ vài cổ phiếu bất động sản giảm thì sẽ kéo chỉ số VN30 giảm. Như vậy, chỉ số VN30 vẫn không khác Vn - Index, các cổ phiếu tham gia VN30 không đại diện cho thị trường và phản ánh nền kinh tế.

Chuyên gia này cho rằng, thay vì lập chỉ số VN30, chúng ta nên loại bỏ những cổ phiếu không được lưu hành trên thị trường chứng khoán, để chỉ số Vn - Index phản ánh trung thực thị trường. Hoặc nếu lập ra chỉ số VN 30, không nên chọn cổ phiếu dựa trên vốn hóa lớn, mà nên chọn 1 – 2 công ty đại diện ngành và dựa trên thanh khoản của công ty. Như Dow Jones của Anh và S&P 500 của Mỹ là những chỉ số phản ánh trung thực nhất thị trường và sức khỏe nền kinh tế.

Trong khi đó, tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund, khẳng định, việc đưa vào áp dụng VN30 thực ra chỉ là bình mới rượu cũ. Điều quan trọng là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Nếu không vực dậy được niềm tin thị trường thì dù có “o bế”, có thổi phòng tới đâu, VN30, Vn - Index, hay nhiều bộ chỉ số nữa…sẽ chỉ phồng được một thời gian rồi lại xì hơi!

Theo Báo Đất Việt

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn