Ngày 6/2/2012, NHNN đã có văn bản số 539/NHNN-DBTKTT yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo thông tin về: vốn huy động, cho vay, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu đầu tư; vốn đi vay và nhận tiền gửi của các TCTD khác. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi báo cáo cả bằng văn bản và bằng file mềm về NHNN (Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ) vào ngày 08/02/2012. Những thông tin này các ngân hàng đã có sẵn và có lẽ sẽ không mấy khó khăn để gửi báo cáo đúng thời hạn NHNN quy định.
Việc gửi thông tin về tình hình hoạt động hàng ngày cho NHNN là việc làm thường xuyên của các TCTD, tuy nhiên đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua NHNN yêu cầu các TCTD báo cáo chi tiết như vậy.
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo chính xác quan hệ cho vay lẫn nhau và tỷ lệ cho vay đối với từng ngân hàng. Các thông tin này sẽ phục vụ việc đánh giá toàn diện hoạt động của thị trường liên ngân hàng và mức độ rủi ro của từng ngân hàng. Trong báo cáo về ngành ngân hàng đăng tải năm ngoái của HSC đã có lưu ý một số ngân hàng cỡ vừa có tỷ lệ cho vay và đi vay trên liên ngân hàng vào thời điểm đó vượt 25% tổng tài sản; trong đó có SCB (và ngân hàng này đã rất dễ dàng bị tác động bởi rủi ro hệ thống trong năm ngoái) và một số ngân hàng trong danh sách có thể tái cơ cấu.
Theo quan điểm của HSC, NHNN vừa có động cơ mang tính chiến lược vừa có động cơ mang tính chiến thuật khi yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo thông tin như trên. Đứng từ khía cạnh chiến lược, từ lâu NHNN đã có lý do để kiểm soát hoạt động liên ngân hàng sát sao hơn do trong 5 năm vừa qua, đã ngày càng có nhiều ngân hàng sử dụng vốn vay liên ngân hàng để tăng quy mô tài sản một cách nhanh chóng và trong Qúi 3 & Qúi 4 năm ngoái khi mà một số ngân hàng không thể trả được nợ vay liên ngân hàng đúng hạn đã khiến rủi ro hệ thống gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, cũng có thể còn có động cơ mang tính chiến thuật khi NHNN thực hiện yêu cầu công bố thông tin như trên.
Vào ngày 8/2, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ nhằm đánh giá và cập nhật tình hình thực hiện các công việc nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của các Bộ, ngành địa phương, chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03, trong đó có yêu cầu NHNN phải có phương án giải quyết thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong Qúi 1. Bên cạnh đó, Chính phủ còn yêu cầu NHNN có giải pháp giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp. Nói chung, chính phủ mong muốn lãi suất sẽ giảm khi lạm phát hạ nhiệt và thanh khoản của các ngân hàng nhỏ sẽ được cải thiện trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra.
Và hiện tại, với thông tin báo cáo tình hình thị trường liên ngân hàng trong tay, NHNN sẽ biết chính xác đâu là nơi thanh khoản còn căng thẳng; theo đó sẽ tạo điều kiện để cơ quan này có thể định hướng thanh khoản một cách có chọn lọc nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản tại những nơi đó.
Trước đây, các biện pháp cải thiện thanh khoản thường không có trọng điểm và do đó có nguy cơ tạo ra lạm phát cho toàn bộ nền kinh tế sau vài quý thực hiện. Lần này, với thông tin đầy đủ hơn về tình hình (thanh khoản) của các ngân hàng, NHNN có thể có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản có chọn lọc và "chữa đúng người đúng bệnh hơn", theo đó chỉ tập trung giải quyết cho một số TCTD thực sự gặp vấn đề thanh khoản. Và điều này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ gây ra những tác động phụ không mong muốn từ việc tăng cung tiền quá nhanh.
HSC cũng nhận thấy gần đây có những tín hiệu cho thấy một số công ty chứng khoán cỡ vừa đã cho vay ký quỹ tích cực trở lại với sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng có liên quan. Với việc bản thân các ngân hàng này cũng là các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, thì thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây.
Misa