Doanh nghiệp bám tín dụng đen: Vì ngân hàng không “mở cửa”

Thứ sáu, 10/02/2012, 09:40
Bên cạnh thị trường vốn thông qua kênh chính thống từ các tổ chức tín dụng thì thị trường tín dụng phi chính thống hay còn được gọi là “tín dụng đen” vốn đã tồn tại từ lâu nhưng hoạt động mạnh trong thời gian gần đây. Điều này mang lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế, hệ thống tài chính tiền tệ, và cho cả người vay lẫn người cho vay.


Chỉ cần viết một tờ giấy vay nợ như thế này là người vay có thể vay được hàng trăm triệu.


Tín dụng đen “nở rộ"

Một vị chuyên gia kinh tế đồng thời là lãnh đạo của một ngân hàng có trụ sở tại Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng đen đã tồn tại từ lâu trong xã hội với nhiều hình thức như cầm đồ, chơi hụi, cho vay nặng lãi cao hơn hàng chục lần với lãi suất ngân hàng... Vị chuyên gia cho rằng: “Nói thế để thấy đây là vấn đề không mới, nhưng vấn đề là thời gian gần đây lại đang “nở rộ”. Nguy hiểm hơn, không chỉ có người dân vay mà doanh nghiệp cũng “lao vào” vay. Đây là điều rủi ro lớn cho nền kinh tế và cho cả xã hội”.

Tại huyện ngoại thành Mê Linh, Hà Nội trong vai một người đi vay tiền, chúng tôi được một anh bạn tại địa phương dẫn đến một địa điểm cho vay. Sau khi hỏi thăm “tình cảnh”, đất đai, nhà cửa... ông chủ cho vay nói với chúng tôi cứ về nhà mang sổ đỏ đến đây, cần vay dưới 1 tỷ là có tiền ngay, không cần phải đợi. Ông chủ này thông báo mức lãi suất: “Lãi suất chỉ tính theo ngày, vay 100 triệu đồng, mỗi ngày trả lãi 1 triệu đồng, vay 1 tỷ thì lãi mỗi ngày 10 triệu đồng, cứ thế mà nhân lên. Từ sáng đến giờ anh cho mấy người vay đều như thế cả, chỗ “quen biết thân tình” anh không lấy đắt đâu mà sợ”. Anh bạn người địa phương còn cho biết, ở xã này còn nhiều chỗ cho vay, nếu cần anh sẽ đưa đi đến vài nơi nữa. 

Ông Nguyễn Viết Tùng, giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ có trụ sở tại huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, ông đã nhiều lần đến ngân hàng vay vốn nhưng đều bị từ chối. Trong lúc khó khăn, ông buộc phải tìm đến một số hộ dân trong huyện để vay với lãi suất 10%/tháng (120%/năm). Ông Tùng cũng cho biết, đây là mức lãi suất được cho là “quá hời” mà chỉ chỉ có người uy tín như ông mới vay được. Tuy nhiên, khi pv hỏi, với mức lãi suất cao như vậy, làm sao để ông có thể vừa bảo đảm kinh doanh, vừa trả nợ đúng hạn? Ông Tùng cho biết, tạm thời lúc khó khăn quá, cứ phải vay để cứu doanh nghiệp trước, vì hợp đồng ký với đối tác rồi, không thể hủy được. Còn việc trả nợ, thì ông Tùng thở dài và cho biết sẽ từ từ rồi tính dần vậy!?

Theo vị chuyên gia kinh tế trên, việc các ngân hàng siết chặt tín dụng, các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng là nguyên nhân chủ yếu làm cho tín dụng đen có cơ hội “nở rộ”. Vị chuyên gia cho biết: “Nếu vay được ngân hàng với lãi suất thấp, an toàn thì việc gì doanh nghiệp phải tìm đến tín dụng đen. Nhưng vì bản thân ngân hàng cũng “bó tay” trong vấn đề cung cấp tín dụng vì người đi vay không đủ điều kiện, quy định của NHNN về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, về quy định cho vay phi sản suất... Việc các ngân hàng siết tín dụng buộc doanh nghiệp phải tìm mọi cách mà xoay xở, khó quá...  làm liều”.

Qúa nhiều rủi ro 

Việc để tồn tại tín dụng đen một cách công khai, thị trường vay và cho vay tín dụng đen cũng tấp nập như hiện nay theo một chuyên gia kinh tế nhận định rằng vô cùng rủi ro cho nền kinh tế và đặc biệt là hệ thống tài chính, ngân hàng. Vị chuyên gia này phân tích, các doanh nghiệp vay với lãi suất “cắt cổ” như vậy sẽ khó có khả năng thanh toán. Nếu làm ăn đàng hoàng, không có doanh nghiệp nào sống nổi  với lãi suất cao như vậy. 

Theo nguyên tắc nghiệp vụ ngân hàng, vốn đầu vào của ngân hàng chủ yếu từ các nguồn tiền nhàn rỗi, tiết kiệm của dân chúng. Sau đó, các ngân hàng cân đối, tính toán rồi cho vay ra với lãi suất cao hơn. Việc cho vay phải an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Với tín dụng đen, họ cho vay bừa bãi với lãi suất cao, vì thế có thể thấy việc huy động vốn đầu vào chứa rất nhiều rủi ro. Họ có thể huy  động qua những kênh không chính thức như thu nhập của buôn lậu, rửa tiền... Việc huy động với lãi suất cao cũng thu hút một bộ phận người dân vì ham lãi suất cao mà thay vì gửi tiền ngân hàng đã mang gửi tiền vào tín dụng đen.

Với người cho vay, họ có lợi thế là biết được đối tượng cho vay, họ có những hành động để buộc người đi vay trả, kể cả hành động có tính côn đồ, phạm pháp, không đi theo phương pháp truyền thống để thu hồi nợ. Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, các ngân hàng siết chặt tín dụng quá mức, doanh nghiệp không vay được vốn hoặc sẽ chết hoặc nhảy ra thị trường vay lãi suất cao cũng chết dần dần, hơn nữa sẽ gây rối thị trường”.

Theo một vị chuyên gia kinh tế, khi nào cánh cửa vay ngân hàng còn bị bịt chặt, khi đó, tín dụng đen còn có cơ hội để “nở rộ”. Do vậy, theo vị chuyên gia này, các ngân hàng cần cải tổ cho phù hợp với thực tế. Dịch vụ ngân hàng cần phải thông suốt, nhất là đối với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh ngiệp nhỏ vẫn kêu ca họ xét duyệt cho doanh nghiệp vay mà như cho cá nhân vay – vị chuyên gia này cho biết. Thực tế có quá nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

Ngoài ra, việc thi hành luật pháp cũng cần quyết liệt, nghiêm minh trước những hiện tượng vay và cho vay trái pháp luật. “Chúng ta đã có những quy định pháp luật về hạn chế cho vay nặng lãi mà hình phạt có thể lên đến truy tố, cải tạo không giam giữ, phạt tiền... tuy nhiên, cho đến giờ chưa có trường hợp nào lớn lao xử lý những người đang vi phạm” một vị chuyên gia kinh tế cho biết. 

Theo SGTT

Các tin cũ hơn