“Tôi vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai, vào sự phát triển của FPT. Biến niềm tin thành hiện thực là công việc của tôi và của tất cả các bạn”, tân Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc viết trong e-mail gửi cán bộ nhân viên tập đoàn nhân ngày nhậm chức cuối tháng 7. Câu chuyện niềm tin tiếp tục được ông nhắc lại khi trò chuyện cùng các cấp cán bộ quản lý tuần này.
Ông Ngọc không phải người mới trong bối cảnh FPT đang tìm kiếm thế hệ lãnh đạo kế cận. Hai ứng viên trẻ hơn đã rời chức sau hơn 3 năm bổ nhiệm buộc Chủ tịch Trương Gia Bình quay trở lại vị trí điều hành vào ngày 26/9/2012 và thừa nhận chuyển giao lãnh đạo không phải vấn đề dễ dàng.
Từng làm Phó Tổng Giám đốc FPT trong 15 năm (1995 – 2009) và phụ trách rất nhiều dự án về công nghệ thông tin, quản lý chất lượng trong tập đoàn nhưng khi chính thức nắm quyền điều hành cao nhất, tân Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc vẫn phải thừa nhận đây luôn là “chiếc ghế nóng” ở FPT.
Chia sẻ trong buổi nói chuyện nội bộ của tập đoàn mới đây, ông bày tỏ việc đưa FPT tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hơn 30-40% như thời gian trước trong bối cảnh kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi là thách thức lớn. "Nhiều lĩnh vực kinh doanh bị giới hạn, một số ngành nghề cũng đã đi vào ổn định và không còn đổi mới là trở ngại với tập đoàn", vị CEO này nói.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ hiện thực hóa những tham vọng của HĐQT cũng đặt ra áp lực cho ông khi "chính danh" tham gia điều hành. Làm việc tại FPT gần 25 năm, vị tân Tổng giám đốc hiểu rất rõ tham vọng của Chủ tịch Trương Gia Bình là muốn đưa công ty tới tầm khu vực và thế giới. "Với những tham vọng đó của FPT thì vị trí Tổng giám đốc có rất nhiều áp lực", ông phát biểu.
Nhưng dù nhiệm vụ mới có nhiều thách thức, vị CEO này vẫn tự tin ngồi trên chiếc "ghế nóng" bởi với ông, công việc điều hành cũng không còn xa lạ. "Tôi đã có nhiều năm làm phó cho Chủ tịch Trương Gia Bình cũng như tham gia vào công tác điều hành, chỉ là chưa nhận một vị trí chính thức như bây giờ", ông Ngọc bày tỏ. Thậm chí, ông còn nhận định đây chính là cơ hội cho bản thân được phát huy hết những thế mạnh và cống hiến nhiều hơn cho FPT.
Nói về mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ của mình, Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc cho hay "ước mơ" của ông chính là đưa doanh thu tập đoàn từ hơn một tỷ USD hiện nay lên 2 tỷ USD và trong đó có 400 triệu USD (tương ứng 20% tổng doanh thu) đến từ thị trường ngoài nước.
Dù đây không phải là mục tiêu dễ dàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, song ông khẳng định người FPT dám ước mơ và thành công như hiện nay chính là biết hiện thực hóa những ước mơ đó.
"Tôi vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai, sự phát triển của FPT, biến niềm tin thành hiện thực là công việc của tôi và của tất cả người FPT", ông phát biểu. Ông Ngọc nhớ lại khi người đứng đầu FPT - Trương Gia Bình đặt mục tiêu doanh thu đạt một tỷ USD, nhiều người cũng nghi ngờ đây là "viển vông, điên rồ", song đã đạt được vào cuối năm 2008.
Và để hiện thực hóa ước mơ trên, vị "thuyền trưởng" mới của FPT đề ra những việc cần làm ngay trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập đoàn phải tiếp tục tăng trưởng dựa trên địa bàn mới với những công nghệ và giải pháp mới. Đồng thời, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh để khai thác hết những sức mạnh.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến mục tiêu toàn cầu hóa của FPT khi "Việt Nam đã bắt đầu bí và chật chội cho một số ngành và một số đơn vị". Theo vị này, toàn cầu hóa tại FPT cũng không phải vấn đề mới khi FPT Software đã làm được 15 năm, FPT IS là 7-8 năm, FPT Trading và FPT Telecom cũng bắt đầu tham gia, tuy nhiên thời gian tới quá trình này sẽ phải đẩy mạnh hơn.
"Sẽ phải có một chỉ số để xác định hiệu quả, ví dụ đến năm nào doanh thu ngoài Việt Nam của FPT chiếm bao nhiêu", ông phát biểu.
FPT mới chỉ chuyển giao công tác điều hành, chưa có ý định chuyển giao quản lý. |
Được biết đến là bạn học của Chủ tịch Trương Gia Bình, khi được hỏi liệu có sự khác nhau khi một người giữ chức Tổng Giám đốc còn người kia giữ chức Chủ tịch hay không, ông Ngọc khẳng định: "Tôi và anh Bình là một cặp ăn ý trong nhiều năm. Trong nhiệm kỳ của mình, tôi hy vong điều đó được phát huy nhiều hơn".
Cũng trong buổi trao đổi, với vị trí là một trong 13 thành viên sáng lập tập đoàn, ông Bùi Quang Ngọc cũng làm rõ hơn khái niệm " chuyển giao thế hệ tại FPT". Theo ông, lãnh đạo chia làm hai mảng quản lý và điều hành, tương ứng với chức năng của Hội đồng quản trị và Ban điều hành.
"Tại FPT, thời gian qua chỉ mới thực hiện việc chuyển giao công tác điều hành và chưa có ý định chuyển giao công tác quản lý. Chủ tịch Trương Gia Bình muốn chuyển giao nhiệm vụ điều hành cho thế hệ trẻ hơn nhưng chưa thành công. Tuy nhiên, FPT vẫn muốn chuyển giao công tác điều hành cho thế hệ trẻ và một trong những lý do tôi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc FPT cũng là để thực hiện nhiệm vụ này", ông khẳng định.
Vị này cho biết thêm, việc quan trọng nhất trong chuyển giao lãnh đạo FPT không phải là chuyển giao vị trí, quyền hạn mà là chuyển giao một hệ thống. Những công ty đa quốc gia có thể mở nhiều chi nhánh trên thế giới đều là những doanh nghiệp có hệ thống chuẩn mực. Do đó, FPT cần có một hệ thống tương tự, đủ mạnh để không phụ thuộc vào một vài cá nhân. Hiện hệ thống đó đang được xây dựng.
Về việc sẽ lựa chọn phương pháp điều hành "Nhân trị" hay "Pháp trị" tại FPT, dù chia sẻ với lời lẽ "dí dỏm" nhưng vị thuyền trưởng mới của Tập đoàn có 15.000 nhân viên này cũng tuyên bố: "Tất nhiên là tôi sẽ dựa vào pháp trị bởi FPT quá lớn, có mặt ở 14 quốc gia với 6 ngành nghề kinh doanh. Nếu không pháp trị không điều hành được".
Tuy nhiên, do bản chất là người Á Đông vốn coi trọng "Nhân trị" nên ông nhận định sẽ phải kết hợp giữa cả hai phương pháp, tùy từng trường hợp áp dụng.
Vị Tổng giám đốc thứ tư của FPT Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956, là một trong 13 thành viên sáng lập FPT và hiện kiêm nhiệm chức Phó chủ tịch HĐQT. Ông là bạn học phổ thông chuyên toán với Chủ tịch Trương Gia Bình, từng tốt nghiệp Đại học tổng hợp Kishinhov (Moldova) và bảo vệ tiến sĩ về cơ sở dữ liệu tại Pháp.
Được giới thiệu là lãnh đạo đầu tiên phụ trách mảng công nghệ thông tin FPT, tiền thân của những công ty quan trọng sau này của tập đoàn như FPT IS, FPT Software, FPT Telecom hay FPT Trading, kinh qua nhiều vị trí quan trọng, ông Ngọc được coi là người am hiểu sâu sắc các mô hình kinh doanh của tập đoàn.
Về FPT, 6 tháng đầu năm nay doanh thu tập đoàn đạt 12.482 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.059 tỷ đồng với mức lãi dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 803 tỷ, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp nhiều nhất là công nghệ và viễn thông, chiếm 76% tổng lãi toàn tập đoàn.
Theo VNE