Đón tân Tổng giám đốc, cổ đông FPT "hưởng lộc" 700 tỷ

Thứ sáu, 02/08/2013, 09:05
Chỉ một ngày sau khi FPT đón tân tổng giám đốc, cổ đông FPT đã được "nhận" 700 tỷ đồng.

FPT - tâm điểm cuối tháng 7

Nếu trong suốt tháng 7, HAG được xem là tâm điểm của thị trường khi liên quan đến nhiều “sự kiện” lớn, trong đó đáng kể nhất là Arsenal sang Việt Nam thi đấu giao hữu. Thế nhưng, tới cuối tháng 7, HAG phải nhường độ nóng cho FPT khi FPT công bố tân tổng giám đốc.

Tân tổng giám đốc FPT là “người cũ” Bùi Quang Ngọc. Ông Ngọc là người đã có mặt ngay từ thuở sơ khai của FPT. Vì vậy, dù rất quan tâm tới thông tin này nhưng nhà đầu tư lại không hưởng ứng. Nhà đầu tư thể hiện thái độ thờ ơ với vị tướng mới bằng cách thiếu mặn mà với cổ phiếu FPT.

Trong ngày 31/7, thời điểm thông tin được công bố, cổ phiếu FPT có ít biến động. Kết quả là đóng cửa phiên cuối tháng 7, FPT đứng giá ở mức 43.000 đồng/CP. Sang tới ngày 1/8, FPT thậm chí còn quay đầu giảm nhẹ và rơi xuống 42.900 đồng/CP.

Tuy nhiên, tính chung trong cả tháng 7, FPT vẫn tăng 1.200 đồng/CP và đóng cửa tháng ở mức 43.000 đồng/CP. Với đà tăng này, tất cả các cổ đông FPT có thêm 330 tỷ đồng, nâng vốn hóa thị trường của FPT lên hơn 11.800 tỷ đồng.

Bùi Quang Ngọc
Ông Trương Gia Bình và ông Bùi Quang Ngọc, hai vị "tướng" của FPT

Sự biến động tài sản của tân Tổng giám đốc FPT đang được chú ý nhiều nhất. Trong tháng 7, ông Bùi Quang Ngọc “đút túi” 12,24 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT có thêm 23,5 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, trong ngày đầu tiên của tháng 8, 1 ngày sau khi tân Tổng giám đốc nhậm chức, FPT lại “rót tiền” vào túi cổ đông khi công bố công bố nghị quyết ngày 31/7/2013 về phương án chi trả cổ tức đợt 1 năm 2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%/mệnh giá.

Với cổ tức 15%, tất cả các cổ đông FPT nhận được 412,7 tỷ đồng. Riêng cổ tức mà ông Bùi Quang Ngọc nhận là 15,3 tỷ đồng. Ông Trương Gia Bình nhận số tiền gần gấp đôi, 29,4 tỷ đồng.

Có thể thấy, dù không quá hào hứng với tân Tổng giám đốc mới nhưng cổ đông FPT vẫn có lộc khi “đút túi” 742,7 tỷ đồng. Tất nhiên, cổ đông chỉ nhận được số tiền này khi hiện thực hóa lợi nhuận và FPT thực hiện chi trả cổ tức.

Các đại gia vẫn mất mát

Trong khi cổ đông FPT tạm hài lòng với những gì cổ phiếu FPT mang lại thì đa số các đại gia trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán đều chứng kiến sự mất mát.

Sự kiện Arsenal sang Việt Nam thi đấu giao hữu mang lại cho bầu Đức rất nhiều lợi ích dù trước đó đã xảy ra không ít lùm xùm. Ngay sau khi sự kiện kết thúc, bầu Đức “kiếm” được 500 tỷ đồng nhờ sự gia tăng của giá trị cổ phiếu HAG. Cái được lớn hơn cả chính là thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai một lần nữa lại được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng, tính chung trong cả tháng 7, bầu Đức vẫn chịu mất mát dù sự mất mát này là không đáng kể khi HAG chỉ giảm 200 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc bầu Đức phải nhìn 62,3 tỷ đồng “bốc hơi” khỏi tài khoản chứng khoán.

Các cổ phiếu khác như MSN, HSG, OGC đều suy giảm khiến những ông chủ lớn của các tập đoàn này đều chịu thiệt hại. Cụ thể, MSN (Tập đoàn Massan) giảm 500 đồng/CP khiến hai phó Tổng giám đốc là bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Hồ Hùng Anh lần lượt mất 10,9 tỷ đồng và 7,9 tỷ đồng.

Trong số các cổ phiếu của 10 đại gia, HSG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen) có tốc độ giảm mạnh nhất khi “bốc hơi” 3.100 đồng/CP. Sư suy giảm này lấy đi của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen 132,9 tỷ đồng. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông chỉ còn 1.633 tỷ đồng.

Thị giá thấp nhưng OGC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương) lại giảm tới 1.300 đồng/CP, tương ứng 12,4%. OGC đã “móc túi” ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương 177,6 tỷ đồng.

Trong tháng 7, chỉ có hai cổ phiếu “đại gia” HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) và HVG (Công ty cổ phần Hùng Vương) đi lên. HPG tăng 2.100 đồng/CP giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát “đút túi” 212,22 tỷ đồng. HVG làm khối tài sản của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty Hùng Vương tăng 38,4 tỷ đồng.

Ba đại gia còn lại trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam may mắn khi cổ phiếu của họ tăng thêm 500 đồng/CP. Điều đó có nghĩa, họ có thêm 183,23 tỷ đồng.

Như vậy, trong tháng 7, ông Hà Văn Thắm mất mát nhiều nhất và ông Trần Đình Long có thêm nhiều tiền nhất.

Theo VTC News

Các tin cũ hơn