Theo đánh giá chung của Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì kinh tế xã hội hiện đã tốt lên, nhưng vẫn không được như mong muốn. Mặc dù có mức tăng trưởng tốt, nhưng tốc độ tăng trưởng lại ở dưới mức lẽ ra có thể đạt được.
Bên cạnh đó kinh tế vĩ mô cũng đang “đi theo đúng hướng”. Chỉ số giá tiêu dùng từ mức âm, tiến tới bằng không, và giờ lại tăng lên. Kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm ngoái, vì thế con số 7% là mục tiêu khả thi có thể đạt được.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời báo chí tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào chiều 30/7. |
Cũng có ý kiến cho rằng phải kích cầu lên vì kinh tế tăng trưởng chậm quá. Về việc này, người phát ngôn cho biết, Chính phủ luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm, không thể lơ là. Vấn đề giá cả bị tác động rất lớn bởi yếu tố tâm lý. Không cẩn thận lại lạm phát, vì vậy luôn phải kiên trì với mục tiêu lâu dài.
Cho rằng hàng tồn kho đã quay lại mức bình thường, Chính phủ đề nghị không nên nói tới tồn kho nữa, tuy nhiên Bộ trưởng Đam cũng thận trọng nêu lên thực trạng sản xuất của DN vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục tháo gỡ để sản xuất phát triển nhanh hơn.
Trong lĩnh vực tái cơ cấu, Bộ trưởng Đam cho biết phiên họp Chính phủ kỳ này đã dành thời gian thảo luận, nhấn mạnh phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Đối với tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả rất rõ, nhưng quan trọng hơn là phải có chính sách đồng bộ, huy động được các nguồn lực xã hội khác cùng đầu tư vào.
Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng thông tin, chủ trương tái cơ cấu DNNN “đang hết sức tích cực”. QH đã bàn và góp nhiều ý kiến, giờ phải đẩy mạnh. Chính phủ mong muốn xã hội cùng giám sát để quá trình này được thực hiện nhanh hơn. Theo Bộ trưởng, nếu không tái cơ cấu mà chỉ tăng trưởng đều thì sẽ rơi vào bẫy phát triển trung bình. Chúng ta cứ ở mức làng nhàng thuộc hộ nghèo trong khu vực.
Ngoài ra Chính phủ cũng giao cho Bộ NN&PTNT sớm trình đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có như vậy mới giúp cải thiện đời sống cho người nông dân.
Trước câu hỏi của PV về quan điểm và rào cản trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tái cơ cấu để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Chúng ta không thể mãi nghèo thế này được”. Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình đòi hỏi phái hết sức toàn diện, từ điều hành vĩ mô đến nếp làm việc của từng người…
Người phát ngôn VPCP lấy ví dụ thời của 20 năm trước đây yêu cầu của mỗi người chúng ta rất đơn giản. Chắc lúc đó mình cũng chỉ mơ ước có được cái ti vi, không nghĩ là mình lại có điều hòa. Đi xe máy là mơ ước rồi, ai dám nghĩ mình sẽ có ô tô… Điều đó cho thấy nhu cầu mở ra càng ngày càng nhiều, thế giới có gì ta cũng mong muốn có, nhưng chúng ta lại xuất phát sau họ nhiều…
“Cũng như giá điện, giá xăng dầu nhiều người nói với tôi bức xúc lắm. Họ nói anh Đam ơi làm sao mà cứ so sánh giá của Việt Nam với giá thế giới được, trong khi mình thu nhập chỉ bằng 1/10 của họ. Tôi bảo đúng rồi. Nhưng yêu cầu của các nước tiên tiến họ cũng xem cái ti vi đấy, họ cũng bật cái điều hòa đấy. Mình có cái loại ti vi nào thấp hơn? Có loại điều hòa không khí nào thấp hơn? Tôi nói vậy để chúng ta cùng nhau chia sẻ”.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, phải quyết tâm, kiên trì làm. Nếu không đổi mới, không tái cơ cấu mạnh mẽ, dứt khoát chúng ta sẽ làng nhàng mãi thế này thôi, không vượt lên được, không phải là có nguy cơ mà là tụt hậu thật. Bởi các nước tăng trưởng cũng rất nhanh mà xuất phát điểm lại hơn chúng ta.
Theo Infonet