Ở tuổi 29, Phạm Ngọc Lâm từng được giới buôn xe hơi TP.HCM xem như một “ông trùm” quyền lực. Nhưng năm 2000, ông phải ra trước vành móng ngựa, đối diện với án tử hình. Ông nêu nguyện vọng khắc phục hậu quả bằng cách nộp tài sản hơn 40 triệu USD, theo thống kê của cơ quan chức năng. Ông nhận 2 án tù chung thân, một vì buôn lậu, một vì đưa hối lộ. Tưởng như mọi cánh cửa đóng chặt.
Giờ đây ở tuổi 45, ông Phạm Ngọc Lâm về với cuộc đời tự do và khởi nghiệp lần nữa, với cương vị chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Đức Khải, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, phân phối và sản xuất, xây dựng. Công việc kinh doanh không hề dễ dàng.
“Ba năm gần đây chúng tôi không có lãi nhưng mỗi năm vẫn trích 5-7 tỷ đồng tham gia các hoạt động xã hội và công tác từ thiện. Vì đó là nghĩa vụ với xã hội", ông Lâm bộc bạch.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Đức Khải. |
Công ty Đức Khải có hơn 650 nhân viên và 9 công ty thành viên. Giai đoạn 2006-2012, công ty trích khoảng 35 tỷ đồng đóng góp cho công tác xã hội, theo thống kê nội bộ. Con số không lớn so với nhiều mạnh thường quân khác, nhưng lý thú vì câu chuyện tự bạch của ông chủ Đức Khải: “Nói không ai tin, tôi còn đang nghèo hơn cả nhân viên”, ông vừa nói vừa xoay cái điện thoại Vertu trong tay.
Lý do, theo tính toán của ông, cân đối giữa nợ và tài sản có, hiện thời ông bị “âm” hoặc cùng lắm hòa. Trên thị trường, Đức Khải được biết đến là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm Toshiba trên lãnh thổ Việt Nam và đang thực hiện dự án khu tái định cư Phú Mỹ (quận 7 TP.HCM) với tổng giá trị đầu tư lên tới 4.765 tỷ đồng.
Theo ước tính của ông Lâm, năm nay công ty của ông có lãi. Còn năm 2012, 45 nhân viên hoạt động trong lĩnh vực phân phối và kho ngoại quan tạo ra doanh số gần 1.200 tỷ đồng, phải “cõng” 600 nhân viên mảng bất động sản đang chịu tình hình bết bát chung của thị trường. Dù vậy, Đức Khải vẫn chi 8 tỷ đồng xây mới 16 phòng học ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
“Sau khi xây mới, cơ sở vật chất của trường Hòa Thuận 2 khang trang, kiên cố hơn nên cả học sinh và thầy cô đều phấn khởi”, ông Âu Việt Tiến, hiệu trưởng trường tiểu học Hòa Thuận 2 nói qua điện thoại.
Theo lời ông Tiến, trường Hòa Thuận 2 nằm tại vùng hẻo lánh nhất của tỉnh Kiên Giang, nơi nhiều học sinh còn phải đi ghe tới trường. Nhờ xây mới, cơ sở vật chất khang trang hơn, học sinh đã không còn cảnh học ghép ca. Năm học vừa qua, số học sinh tới trường là 320, tăng 20 người so với năm học trước. Tuy nhiên, trong ngày khánh thành, nhà hảo tâm không xuất hiện. Ông Lâm giải thích: “Lính xuống lẹt quẹt về ngay, chứ mình đến lại vướng chuyện cơm nước”.
Ông chủ của Đức Khải cho rằng, sản phẩm công ty liên quan đến xã hội, được thị trường công nhận, sử dụng là nhờ uy tín. Vì vậy, định kỳ doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn trả một phần cho cộng đồng dù kinh doanh thành công hay thất bại. Mỗi năm Đức Khải thực hiện một dự án quy mô như xây trường, bệnh viện, trạm xá ở những vùng khó khăn, đó là chưa kể việc đóng góp vào quỹ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào gặp thiên tai lũ lụt hay cấp học bổng cho học sinh nghèo.
Không phải do trải qua các thăng trầm ông Lâm mới nghĩ đến trách nhiệm xã hội. Gần 20 năm trước, vừa thoát nghèo, ông đã nghĩ đến việc trả nghĩa cho mảnh đất từng cưu mang.
Năm 1994, ông Lâm góp tiền xây nhà trẻ Hoa Hồng (Hàm Tân, Bình Thuận). Gốc Quảng Nam, năm 8 tuổi, ông theo gia đình di cư vào Bình Thuận. Bố mẹ ông mất ở đây. Mồ côi sớm, bỏ học từ năm lớp 8, 14 tuổi ông kiếm sống bằng nghề phụ xe. Đi làm thuê nhưng nhờ chăm chỉ nên chủ xe quý ông Lâm như con. Đủ 18 tuổi ông đi học lái xe với học phí là nửa chỉ vàng chủ cho.
Ông Lâm chiêm nghiệm, trong cuộc đời từ làm thuê tới làm chủ, phất lên hay gặp các biến cố lớn sau này đều do cách hành xử của bản thân. Nhờ tận tâm với công việc, từ phụ xe thành tài xế, ông chuyển sang làm việc cho một công ty nhà nước. Chỉ vài tháng sau ông được tin tưởng giao khoán, chạy xe theo định mức kinh doanh.
Tự khai thác nên được giao chi tiêu 6 triệu đồng, ông cố chạy để kiếm 7 triệu bất kể ngày đêm. Nhờ vậy năm 21 tuổi, ông mua được chiếc xe hơi cũ. Máu làm giàu nổi lên, ông sắm chiếc xe thứ 2 bằng tiền vay mượn từ những người quen.
Giai đoạn 1989-1990, trực tiếp kinh doanh ông mới thấm thía, nghề tài xế vất vả, khó làm giàu. Ông bán xe, trả hết nợ, giữ 15 cây vàng. Trả ơn mảnh đất Bình Thuận, năm 2010, ông Lâm bỏ thêm tiền, xây dựng trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề trẻ mồ côi tại Hàm Tân.
Ở TP.HCM, ban đầu ông Lâm làm thuê cho một cửa hàng buôn xe hơi nhập khẩu. Một lần nữa ông chinh phục được cả chủ lẫn khách hàng. Nhưng chỉ một năm sau, tích lũy đủ kinh nghiệm ông tách ra kinh doanh riêng. Nhờ may mắn, quyết đoán và cả liều, vài năm sau ông phất lên cho đến khi xảy ra vụ án Tân Trường Sanh.
Trong vụ án này, nếu như Trần Đàm được xem là “ông trùm” đường dây buôn lậu xe hơi thì Phạm Ngọc Lâm được xem là cầm đầu đường dây buôn lậu xe hơi nhập khẩu. Bị bắt cuối năm 1997, kết án vào năm 2000, đầu năm 2005, ông được đặc xá trước thời hạn nhờ khắc phục hậu quả và cải tạo tốt.
Trước đó ông đã kết hôn năm 2000, khi đang ở tù. Hai trong 5 người con được sinh ra trong thời gian này. Vợ ông đến với ông trong giai đoạn ông gặp khó khăn nhất, ngoài tình yêu còn vì ơn nghĩa. Công ty Đức Khải được đặt theo tên con trai đầu lòng.
Năm 2006 sau khi ra tù ông Lâm khởi nghiệp lần hai. Nhờ bạn bè giúp đỡ, ông Lâm được độc quyền phân phối sản phẩm thương hiệu Toshiba tại Việt Nam. Sau này Đức Khải phân phối thêm sản phẩm của hãng Kenwood, Indesit và Dongfeng. Từ kinh nghiệm làm xuất nhập khẩu, ông Lâm nhận thấy phải có hệ thống kho ngoại quan riêng nhằm duy trì chi phí thấp cho sản phẩm nhập khẩu.
Kết bạn với ông Lâm 20 năm, ông Nguyễn Văn Đạt nhận xét: “Anh Lâm là người có tài và giỏi giang”. Dự án chung cư bình dân Era Town (quận 7, TP.HCM) giúp thương hiệu Đức Khải được biết đến trên thị trường.
Sau khi trở lại kinh doanh, ông Lâm đến với bất động sản khá tình cờ. Năm 2008, nhận ra vấn đề giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, ông xin Nhà nước thí điểm lập công ty đền bù và giải phóng mặt bằng với mục đích tạo quỹ đất sạch, bán đấu giá. Sau này, một số chủ đầu tư không triển khai dự án, ông xin làm thay. Đức Khải rẻ sang nhánh kinh doanh này. Ngoài Ers Town, Đức Khải triển khai 23 dự án khác, quỹ đất lên tới 1.552ha.
Sự trở lại của ông Lâm sau các biến cố lớn, theo lời kể của ông một phần lớn nhờ bạn bè. Cách đây 20 năm, khi còn buôn bán xe hơi, có lần ông gặp bạn của một người bạn thân. Lúc ấy người này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi đang theo học trường công an. Ông Lâm rút ví tặng ngay 200 USD, số tiền khá lớn thời điểm đó. Sau này khi vướng vòng lao lý, ông gặp lại người này và được giúp đỡ.
Lần khác, một khách hàng mất chiếc xe Dream, ông Lâm đưa 1.000 USD cho khách, xem như chia sẻ rủi ro. Khi sóng gió ập đến, ông mất hết tài sản, trừ miếng đất gần 5 hecta gần xa lộ Hà Nội. Năm 2004, khi sắp ra tù, ông Lâm đánh tiếng ra ngoài muốn bán miếng đất này. Người mua lại, với giá 60 tỷ đồng là ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Thiên Thanh hiện nay, chính là người mất xe năm xưa, theo lời kể ông Lâm.
Một trong các thú vui hiện nay của ông Lâm được nhiều người biết đến là đánh bài. “Ông ấy đánh bài một mình như một cách xả stress”, ông Tô Quang Tùng, cố vấn tài chính cho Đức Khải nói. Giới kinh doanh nhận xét ông Lâm có mối quan hệ thân thiết với nhà băng và chính quyền. Ông Lâm không ngần ngại chia sẻ: “Cả nước Việt Nam này biết tôi. Tinh hoa và xấu xa nhất đã vô con người tôi. Đâm chém, cướp của thì chưa chứ uýnh lộn, xã hội đen thì chơi rồi”.
Dừng lại, châm điếu thuốc mới, ông chủ của Đức Khải diễn giải: “Cuộc đời tôi không có đối thủ, không phải tôi coi người ta không bằng mình, mà với tôi chỉ có khái niệm đối tác hoặc không biết nhau. Đối tác thì giúp đỡ nhau, không biết nhau thì không có gì hại nhau”. Thở một vòng thuốc mới, ông Lâm trầm ngâm: “Nhưng tôi muốn chết đi nhiều người khóc. Muốn vậy khi sống cần phải biết giá trị của mình ở đâu”.
Theo Forbes VN