Giám đốc đạp xe xuyên Việt bán chuột dạo

Chủ nhật, 28/07/2013, 07:40
Anh Đỗ Bá Huy rong ruổi khắp nơi bán những con chuột máy tính bằng gỗ từng tạo ấn tượng mạnh trên thị trường để tìm lại đường hướng kinh doanh mới, sau khi công ty phá sản, nhà cửa tiêu tan.

Trong trang phục quần cộc, áo thun, đội nón tai bèo, khoác khăn rằn quanh cổ cưỡi chiếc xe đạp rong ruổi khắp nơi, hiếm ai nghĩ anh Đỗ Bá Huy là người đứng đầu một doanh nghiệp. Nước da ngăm đen dần qua những ngày phơi mình liên tục trên đường, nhưng lúc nào anh cũng cười tươi và hào hứng chia sẻ với mọi người về sản phẩm chuột gỗ của mình.

Chiếc xe chở thùng đồ phía sau mang dòng chữ Bán chuột dạo - kết nối đam mê của anh đã rời TP HCM vài ngày và hiện đi qua Khánh Hòa, khởi đầu hành trình bán dạo xuyên Việt có một không hai của vị doanh nhân trẻ tuổi.

Rời TP HCM từ ngày 21/7, đến nay anh Huy chỉ mới bán hơn 10 chiếc, với giá từ 250.000 đến 450.000 đồng một chiếc. "Mỗi ngày trôi qua mang lại cho tôi những trải nghiệm mới về bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu Việt", anh chia sẻ với PV. Tuy nhiên, do không phải cua-rơ chuyên nghiệp nên mấy ngày đầu, chân tay anh đau buốt vào mỗi buổi tối.

chuot dao

Hành trình đạp xe của Huy bắt đầu từ nhà thờ Đức Bà, TP HCM. Ảnh: nhân vật cung cấp

Tới địa phương nào, chàng giám đốc sinh năm 1982 cũng dựng chân chống xe, mở thùng, lấy từng con chuột máy tính làm bằng gỗ đem tới giới thiệu cho mỗi người. Có khi khách hàng là chị bán thanh long, anh bán nước mắm hay chủ resort, doanh nghiệp gỗ...

Với mục tiêu phải gặt hái được thành quả nào đó trong chuyến đi này, anh quyết định không mang theo tiền mà chi xài theo kiểu làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không bán được hàng thì không ăn uống để thử thách khả năng của chính bản thân. Anh chỉ dùng số tiền thu được từ bán chuột để làm lộ phí đi đường.

Có 3 nguyên nhân thôi thúc vị giám đốc bắt đầu cuộc hành trình táo bạo. Ngoài lý do muốn chiến thắng bản thân, vượt qua sự yếu lòng tin vào giai đoạn khó khăn này, anh kỳ vọng sẽ kết nối những người cùng đam mê với mình. Đó là nỗi khao khát xây dựng thương hiệu Việt dù đó chỉ là những con chuột gỗ máy tính nhỏ bé.

Quan trọng hơn, anh muốn gợi mở nên câu chuyện về bán hàng, làm thương hiệu... cho chính sản phẩm mình làm ra. "Xây dựng thương hiệu là một đoạn đường dài như chặng đường mình đang đạp xe hàng ngày từ Nam tới Bắc. Đoạn đường này sẽ giúp mình hiểu hết ý nghĩa của sự kiên định để đối mặt với mọi khó khăn", vị giám đốc trải lòng.

chuot dao

Sau 5 ngày rời TP HCM, xe bán chuột dạo của anh đã tới Khánh Hòa. Ảnh: nhân vật cung cấp

Một ngày rong ruổi trên đường của anh bắt đầu từ 7h, với hành trang mang theo là 88 con chuột, balo chứa vật dụng cá nhân với trọng lượng hơn 60 kg. Khi thấy khách hàng tiềm năng, anh dừng lại tiếp thị, bán hàng và lặp lại như thế ngày này sang ngày khác. Anh nhẩm tính khoảng một tháng sẽ có mặt ở khắp 64 tỉnh thành.

Trên đường đi, nhiều người thấy anh bán dạo đặt nghi vấn về chất lượng sản phẩm, kiểu như "Chuột Việt Nam đây hả, mình tưởng China" hay "Sao chú đi bán dạo"... Có khi tới khu resort bán xong chuột, anh được qua đêm miễn phí ở khách sạn 4 sao nhưng cũng có lúc xin ngủ ké hiên nhà người khác vì chưa bán được sản phẩm nào trong ngày... Đều đặn mỗi ngày anh đều cập nhật thông tin của mình lên Facebook để người thân, bạn bè nắm thông tin.

Doanh nghiệp của anh đã trải qua chặng đường chông gai như chính "cha đẻ" của nó đang đi. Năm 2008, sau khi cầm cố mảnh đất của ông bà, anh gom góp được 150 triệu đồng và quyết định lập công ty. Đơn vị này sẽ chuyên sản xuất chuột máy tính bằng gỗ, bàn gỗ dành cho laptop, đế tản nhiệt bằng gỗ. Ý tưởng này ra đời khi anh nghe phản ánh "đến cây tăm tre mà Việt Nam cũng phải nhập".

Lúc đó, anh Huy bị gán biệt danh "kẻ húc đầu vào tường" vì không ai dại dột đi làm chuột, trong khi chuột Trung Quốc bán đầy rẫy ngoài thị trường với giá chỉ vài chục nghìn một con.

chuot dao

Một người dân đang xem chuột gỗ do anh Huy giới thiệu. Ảnh: nhân vật cung cấp

Sau thời gian chuẩn bị và quyết tâm phải làm cho được, những con chuột gỗ "made in Việt Nam" cũng ra đời. Sản phẩm ngay lập tức nhận được sự quan tâm chú ý của giới công nghệ khi lọt vào vòng chung khảo 17 sản phẩm "Nhân tài Đất Việt" năm 2011, sau đó tham gia chương trình nhà sáng chế trên đài truyền hình. Doanh nghiệp vào thời điểm 2010 đến 2012 có tháng doanh số lên đến hơn tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.

Anh Huy cũng từng gây ấy tượng đặc biệt trên diễn đàn độc giả của báo chí khi chia sẻ về ước mơ của mình cũng như quá trình lập nghiệp.

Tuy nhiên, đến cuối 2012, đầu 2013, khó khăn ập đến liên tục. Tình hình tài chính không đủ mạnh để vượt khó khăn, cộng với những sai lầm trong việc gia công... đã kéo công ty đi xuống. Đến nay, công ty đã dừng hoạt động. Đối với các khoản nợ, Giám đốc Đỗ Bá Huy cũng phải cầm cố nhà để trả dần.

Giấc mơ về những con chuột gỗ Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn trong gia đình, công sở đã thôi thúc chàng trai trẻ bắt đầu lại từ đầu, sau một loạt biến cố khó quên trong đời.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích