Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Tôi sẽ theo sát VAMC"

Thứ bảy, 27/07/2013, 17:07
Tái khẳng định quan điểm Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) không phải "cây đũa thần" nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết theo dõi sát sao và hy vọng công ty giải quyết một phần nợ xấu ngân hàng trong năm nay.

Sáng 26/7, Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) chính thức đi vào hoạt động, chậm nửa tháng so với dự kiến ban đầu.

Tại buổi ra mắt VAMC, Thống đốc Nguyễn Văn Bình một lần nữa khẳng định VAMC không phải "cây đũa thần" đánh tan "cục máu đông" nợ xấu. "VAMC chỉ là một trong những giải pháp để xử lý nợ xấu mà thôi", người đứng đầu ngành ngân hàng nói. Tuy vậy, ông Bình cũng cam kết với tư cách Thống đốc sẽ theo dõi sát sao hoạt động của VAMC để vận hành đúng theo tôn chỉ, mục đích ban đầu.

VAMC
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong ngày ra mắt Công ty Quản lý Tài sản VAMC.

VAMC là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, nhiều nghi vấn đặt ra VAMC sẽ khó giải quyết được triệt để "cục máu đông" nợ xấu đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ theo con số của Ngân hàng Nhà nước và thậm chí là triệu tỷ theo một số chuyên gia. Mục tiêu trong năm nay, theo lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, VAMC sẽ xử lý khoảng 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trả lời báo chí ngày 26/7 về những lo ngại này, ông Nguyễn Hữu Thủy - Tổng giám đốc VAMC - cho rằng 500 tỷ chỉ là vốn điều lệ mà một tổ chức tín dụng xem là hệ số đảm bảo an toàn. "Không tổ chức nào hoạt động trên vốn điều lệ của mình. Hơn nữa, vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ nằm ở VAMC mà là do sự đồng thuận của cả hệ thống các tổ chức tín dụng và các địa phương", tân Tổng giám đốc VAMC lý giải.

Theo quy định, các ngân hàng có nợ xấu trên 3% buộc phải bán nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thủy cũng để ngỏ việc sẵn sàng đón nhận những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng muốn bán.

VAMC dự kiến sẽ mua nợ xấu theo hai hình thức, một là mua theo giá trị sổ sách và phát hành trái phiếu đặc biệt; hai là mua theo giá trị thị trường.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Thủy, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị rất đầy đủ với những cơ chế rõ ràng, bộ máy, thu nhận những người có kinh nghiệm nhất hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và xử lý nợ của các ngân hàng thương mại.

Người đầu tiên là Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, ông sẽ kiêm nhiệm chức Chủ tịch VAMC theo quyết định của Thống đốc. Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Thủy từng là Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Nguyễn Quốc Hùng cũng được điều động về VAMC giữ chức Phó chủ tịch thường trực.

Các chức vụ Phó tổng giám đốc lần lượt giao cho cho các ông Lê Quang Châu, Giám đốc Ban Quản lý tín dụng thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng  Bưu điện - Liên Việt; ông Bùi Tín Nghị, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội.

Ngoài ra, bà Lê Thị Mai Hương, Trưởng phòng Xây dựng chương trình và thẩm định báo cáo kiểm toán thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước giữ chức Trưởng ban Ban Kiểm soát.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn