Đó là nhận định của phóng viên Andy Mukherjee phụ trách chuyên mục phân tích tài chính của Reuters.
Warburg Pincus đã chỉ đạo cho công ty con của mình mua khoảng 1/5 cổ phần của Vincom Retail, được Mukherjee đánh giá là mở đầu cho hành trình tiến vào Việt Nam của quỹ đầu tư này.
|
“Khoản đầu tư của Warburg Pincus sẽ giúp quỹ đầu tư Mỹ theo sát đối thủ KKR (một quỹ đầu tư khác cũng của Mỹ), vốn đã tăng gấp đôi cổ phần sở hữu trong một nhà máy nước chấm của Việt Nam hồi đầu năm 2013”, chuyên gia phân tích tài chính của Reuters nhận định.
Hồi tháng 1, KKR, tên gọi tắt của quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts, đã đầu tư thêm 200 triệu USD vào tập đoàn Masan Consumer, nâng tổng số tiền đầu tư vào tập đoàn Việt Nam lên 395 triệu USD.
“Hiện vẫn chưa rõ liệu ngành bán lẻ Việt Nam có mang về trái ngọt cho các nhà đầu tư trong ngắn hạn hay không”, Mukherjee lưu ý.
“Doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng 12% trong sáu tháng đầu năm 2013, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003. Nếu trừ đi mức lạm phát khoảng 6,7%, tốc độ tăng trưởng thực của doanh số bán lẻ của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm có thể chỉ nhỉnh hơn chút xíu so với mức tăng trưởng GDP 5% hồi năm 2012”, phóng viên Reuters nói thêm.
Nhưng dù còn nhiều bất cập, Warburg Pincus và KKR có lẽ đã đúng trong việc đón đầu sự hồi phục của kinh tế Việt Nam, Mukherjee nhận xét.
“Lạm phát, vốn tăng đến 23% trong tháng 8/2011, hiện đã được kiểm soát. Và điều này giúp Chính phủ Việt Nam có thể tập trung vào khôi phục tăng trưởng kinh tế, với việc thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm từ 25% trong năm 2013 xuống còn 22% trong năm 2014”, phóng viên Reuters cho hay.
Mukherjee cũng cho rằng tín dụng của Việt Nam đang hồi sinh khi chính phủ đã bắt đầu giải quyết nợ xấu, trong khi thị trường chứng khoán đã tăng 42% từ tháng 1/2012.
“Việt Nam có lẽ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, các nhà đầu tư nên lưu ý”, chuyên gia tài chính Reuters cho hay.
Theo Thanh Niên