Tung đồng xu lãi suất

Thứ ba, 30/07/2013, 08:40
Từ đầu năm đến nay, tổng cộng Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã giảm lãi suất 150 điểm cơ bản trên thị trường mở.

Ngày 19/7/2013, ngân hàng nhà nước (SBV) đã bất ngờ hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO) 50 điểm cơ bản xuống còn 5,5%. Như vậy, từ đầu năm đến nay, SBV đã giảm lãi suất 150 điểm cơ bản. Động thái nới lỏng tiền tệ khá mạnh này được xem là một nỗ lực của SBV nhằm kích thích kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, SBV đã kê nhiều phương thuốc, từ cắt giảm trần lãi suất huy động, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho lĩnh vực bất động sản cho đến thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia (VAMC). Thế nhưng, chúng vẫn chưa tạo ra tác dụng đáng kể nào.

Có thể thấy trong nửa đầu năm nay, tín dụng chỉ tăng 4,5%, trong khi GDP tăng 4,9%, khá thấp so với mục tiêu 5,5% của Chính phủ. Do đó, một số ý kiến cho rằng Việt Nam nên xem xét một gói kích thích kinh tế tương tự như năm 2009.

lãi suất
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Có lẽ vì vậy SBV đành quay trở lại với công cụ truyền thống: Tiếp tục cắt giảm lãi suất. Ngoài việc hạ lãi suất OMO, SBV còn ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN yêu cầu các ngân hàng phải nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12%. Những điều này cho thấy chính sách của SBV đã thay đổi theo hướng chuyển từ mục tiêu kiểm soát lạm phát sang mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhiều hơn.

Một lý do khác cho việc hạ lãi suất của SBV là nguy cơ tăng trưởng thấp từ môi trường bên ngoài. Đó là đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nguy cơ rung lắc của nền kinh tế Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm dần quy mô của gói nới lỏng định lượng và tiến tới chấm dứt hẳn. Và mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.

Ngoài mục tiêu tăng trưởng, việc giảm lãi suất OMO còn nhằm làm giảm áp lực về vốn cho các ngân hàng nhỏ, đặc biệt khi các ngân hàng lớn đang tăng chi phí cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Thực vậy, theo bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, ngay sau khi hạ lãi suất OMO, SBV đã bơm ngay 7.000 tỉ đồng vào hệ thống với đối tượng tiếp nhận hầu hết là các ngân hàng nhỏ. “Sự điều chỉnh này là nhằm tăng sức hút của thị trường OMO và giảm phần nào tính hấp dẫn của thị trường liên ngân hàng”, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành Công ty Chứng khoán TP.HCM, nhận xét.

Bằng hành động này, SBV đã nhắm đến nhiều đích và tính hiệu quả của nó sẽ còn chờ thời gian trả lời. Nhưng ở một khía cạnh khác, rủi ro không phải là nhỏ.

Trước hết, với việc hạ lãi suất OMO xuống còn 5,5%, dường như SBV đang chấp nhận đánh cược với lạm phát khi cho rằng “con ngựa bất kham” này đã được kiểm soát. Trên thực tế, đây vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Sau một thời gian ngắn lắng dịu, lạm phát tháng 7 đã có dấu hiệu ngóc đầu dậy, đặc biệt khi giá xăng dầu đã tăng trong 2 tháng liên tiếp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của TP.HCM và Hà Nội đã tăng khá mạnh so với tháng trước với mức tăng lần lượt là 0,17% và 0,22%.

Mới đây, HSBC cũng cảnh báo rủi ro lạm phát vẫn còn đó. Lý do là Chính phủ có thể nâng giá các dịch vụ công vì nguồn thu ngân sách kém, kết hợp với giá cả hàng hóa có thể tăng vào cuối năm.

Một rủi ro khác là tính ổn định của tiền đồng. Theo HSBC, việc hạ lãi suất OMO trong khi trên thế giới lãi suất đang có xu hướng tăng có thể sẽ kích hoạt dòng vốn ra khỏi Việt Nam, từ đó làm gia tăng áp lực về vốn đối với hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, việc bơm vốn hỗ trợ cho các ngân hàng nhỏ có thể sẽ có tác dụng ngược. Hiện nay, SBV đang muốn đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc, đặc biệt ở các ngân hàng nhỏ. Do đó, việc bơm vốn cho nhóm ngân hàng này có thể sẽ nuôi dưỡng tâm ý ỷ lại, gián tiếp làm chậm lại tốc độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Về vấn đề này, có thể học từ Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã làm các ông chủ ngân hàng, vốn ỷ lại vào Chính phủ mỗi khi thiếu tiền, phải run sợ khi đột ngột thắt chặt tiền tệ. Động thái này đã khiến lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng kỷ lục đến 13,4% vào ngày 20/6. Nó cho thấy quyết tâm của PBOC trong việc tái cấu trúc hệ thống tài chính nước này.

Một điều nữa là việc hạ lãi suất OMO và yêu cầu các ngân hàng phải đạt được tăng trưởng tín dụng 12% có thể sẽ gây thêm khó khăn cho SBV trong việc kiểm soát đích đến của dòng chảy tín dụng. Chỉ tính riêng trong tháng 6, tín dụng toàn hệ thống đã tăng hơn 50% so với tốc độ của 5 tháng trước đó cộng lại. Hầu hết mức tăng này đến từ các ngân hàng nhỏ.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, có một số ngân hàng, do tăng trưởng tín dụng thấp đã đưa ra nhiều chính sách nguy hiểm, trong đó có chạy đua cho vay tiêu dùng.

Cho vay tiêu dùng có thể là cái phao của nhiều ngân hàng hiện nay nhưng có lẽ nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu tín dụng được định hướng chảy vào khu vực sản xuất. “Việt Nam không nên để nguồn vốn chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng mà nên hướng vào lĩnh vực sản xuất”, ông Louis Taylor, Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam, nói.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn