Lê Phước Vũ: Phật tử nhiều tiền, lắm điều tiếng

Thứ ba, 30/07/2013, 15:00
Là một trong số ít doanh nhân kiếm được nhiều tiền trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, khi tiền nhiều hơn và danh tiếng nổi hơn thì đại gia mang phận Phật tử này cũng vướng vào không ít điều tiếng.

lê phước vũ

Danh tiếng nổi như cồn

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen HSG, ông Lê Phước Vũ vừa quyết định, HSG đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 25/7-23/8 với mức giá từ 30.000-40.000 đồng/cp.

Đây thông tin bình thường trong vô vàn các thông tin được phát ra hàng ngày trên TTCK. Tuy nhiên, trong lúc rất nhiều DN thiếu vốn, đang phải bán ra cổ phiếu quỹ ra thị trường, bán cổ phiếu quỹ cho đối tác chiến lược, phát hành cổ phiếu mới tăng vốn... thì có vẻ như HSG đi ngược xu thế.

Nhưng có vẻ như tập đoàn này đang dư tiền mặt và tin vào sự tăng giá của cổ phiếu. Chỉ trong một thời gian ngắn như vậy, cổ phiếu HSG đã tăng từ dưới mức 20.000 đồng lên vùng 40.000-50.000 đồng/cp gần đây.

Trong nửa đầu năm 2013, ông Lê Phước Vũ đã bứt phá mạnh mẽ trở thành một trong 10 người giàu nhất TTCK Việt Nam. Với gần 1.800 tỷ đồng, ông Vũ chiếm vị trí thứ bảy và đánh ngã mọi đối thủ về mức tăng giá trị tài sản cả về tuyệt đối lẫn tương đối (+940 tỷ và +115%).

lê phước vũ

Tuy nhiên, danh tiếng của ông chủ Tập đoàn Hoa Sen nổi lên dữ dội nhất trong nửa đầu năm nay có lẽ là từ sự kiện người không chân tay Nick Vujicic - một nhà diễn thuyết nổi tiếng thế giới tới Việt Nam.

Một chương trình PR có thể nói hiệu quả rất cao, không trực tiếp tác động tới các khách hàng của tập đoàn nhưng lại có sức lan tỏa sâu rộng, tích cực về lâu dài.

Còn gì bằng khi tiền nhiều mà danh tiếng cũng lên nhưng đi kèm với đó là những điều tiếng, những vụ việc lùm xùm. Và ông Vũ đã phải đối mặt với những vấn đề không mong muốn, nằm ngoài dự kiến và có lẽ không phù hợp với một Phật tử như ông.

Sóng gió, sự khó khăn và những điều tiếng

Trong bối cảnh các DN thép khó khăn, thì Hoa Sen của ông Vũ lại có tăng trưởng tốt. Khi các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tôn chiếm tối đa 5-6% thì HSG vươn lên chiếm tới 42% thị phần trong nước. Tuy nhiên, đi kèm với sự lớn mạnh là những vấn đề mới nảy sinh.

Khi HSG đang hào hứng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư ra nước ngoài thì ngay lập tức HSG bị các doanh nghiệp Malaysia tố bán phá giá vào thị trường nước họ là một rào cản đầu tiên trong quá trình mở rộng và lớn mạnh của tập đoàn này.

Mặc dù ra sức bác bỏ và tuyên bố sẽ thắng cuộc trong vụ kiện này. Tuy nhiên, đòn tố bán phá giá của các đối thủ ở Đông Nam Á sẽ là một đòn nặng, gây một trở ngại tham vọng mở rộng ra khu vực của HSG.

Bên cạnh đó, HSG và ông Vũ còn khiến nhiều người lo ngại về cách thức làm thương hiệu phát triển với tốc độ chóng mặt. Và tất nhiên đi kèm đó là những hệ quả ngoài mong muốn.

lê phước vũ

Về cơ bản, vụ Nick Vujicic đã mang lại thành công nhưng không ít người đã đặt câu hỏi về số tiền quá lớn (hơn 30 tỷ đồng) mà HSG đã bỏ ra để có thể đưa được "người không chân tay" về nói chuyện tại Việt Nam. Không ít ý kiến cho rằng, vụ đầu tư này lãng phí, sính ngoại trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp nợ nần, giải thể, phá sản đồng loạt.

Trước đó, vụ lùm xùm giữa HSG và cựu CEO của mình đã gây ra sự nghi ngại với khá nhiều NĐT. Phát biểu tại đại hội cổ đông 2013, ông Vũ cho biết lý do mà ông Phạm Văn Trung nghỉ việc tại HSG là vì thiếu minh bạch trong điều hành. Những cuộc khẩu chiến trên các phương tiện truyền thông đã đem lại những hình ảnh không mấy tốt đẹp về doanh nghiệp và lãnh đạo.

Đã một thời gian dài, ông Vũ và tập đoàn của mình hoạt động một cách âm thầm. Vị đại gia được tiếng thẳng tính, ít nói, ngoài việc kinh doanh người ta biết đến ông là một Phật tử khá thận trọng và kín tiếng. Nhưng dường như mọi việc đã thay đổi, khi tiền nhiều hơn và danh tiếng nổi hơn, vị Phật tử này cũng phải đối mặt với nhiều điều tiếng. Đến nay, nhất cử nhất động của ông và DN đều bị soi. Đó là điều không dễ chịu và cũng không dễ giải quyết.

Theo VEF

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích