Ông Đam cho biết phương án tăng giá điện được Chính phủ bàn từ lâu và đã thống nhất thời gian tới phải điều chỉnh giá điện nhưng phải có lộ trình và chọn một thời điểm thích hợp, đặc biệt phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Chính phủ lưu ý EVN tăng giá điện phải có lộ trình, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. |
Tăng có lộ trình
|
Vì sao phải tăng giá điện? Theo ông Đam, thứ nhất hiện nay khi nhà nước đã xác định một thể chế kinh tế thị trường thì bắt buộc giá một số mặt hàng, trong đó có điện phải dần tiến tới cơ chế thị trường.
Mặt khác, việc bao cấp giá điện đang để lại nhiều hệ lụy, như thời gian gần đây do giá bán điện cho ngành than thấp hơn giá thành so với các ngành khác nên đã xuất hiện tình trạng buôn lậu than. “Tại cuộc họp này, Chính phủ đã phải thảo luận về tình trạng buôn lậu than bằng đường biển rồi bán cho nước ngoài”, ông Đam cho biết.
Dẫn thêm câu chuyện vì để giá điện thấp mà trong một thời gian dài cả nước rộ lên phong trào đua nhau cán thép kiếm lời thông qua “ăn” chênh lệch giá điện, ông Đam cho rằng tất cả doanh nghiệp (DN) sẽ không chịu đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm điện, cuối cùng sinh ra cả một nền công nghiệp lạc hậu.
Thực tế, theo ông Đam hiện nhà nước cũng không thể đủ nguồn lực để đầu tư toàn bộ nguồn cung điện, nên phải kêu gọi tư nhân, mà đã kêu gọi tư nhân thì không thể để giá quá thấp vì sẽ không có ai đầu tư, do đó ông khẳng định: “Giá chắc chắn phải điều chỉnh, nhưng phải có lộ trình”.
Lộ trình ở đây, theo người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, do thu nhập trung bình của người dân thấp nên phải điều chỉnh từ từ để giảm bớt khó khăn. Quan trọng hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều ngành hàng, nhiều DN có sức cạnh tranh thấp, nếu tăng giá điện DN sẽ càng suy yếu.
Ngoài ra, còn phải cân nhắc lạm phát tâm lý, khi mà xã hội luôn ở trong tình trạng: “Giá điện chưa tăng, tiền lương chưa đến tay, bát phở đầu ngõ đã tăng giá”, Bộ trưởng Đam nói.
Tuy nhiên, khi tăng giá theo ông Đam nhà nước sẽ có hỗ trợ. Thứ nhất, thay vì bao cấp toàn ngành điện như trước, chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo. Cụ thể sẽ miễn hoặc bao cấp một số điện nhất định cho các hộ nghèo. Thứ hai, đối với DN thì khuyến khích bằng cơ chế tài chính, thuế để DN đầu tư vào công nghệ hiện đại hơn.
Thời điểm tăng giá điện chưa được “chốt” cụ thể, nhưng ông Đam cho biết sẽ căn cứ vào diễn biến của chỉ số CPI. Ông cũng nhắc nhở ngành điện, lần này nếu có tăng thì phải rút kinh nghiệm tăng cho có lộ trình và đặc biệt làm truyền thông cho thật tốt để người dân hiểu, chia sẻ.
Không được lơ là lạm phát
Trước đó, khái quát lại tình hình kinh tế 7 tháng, ông Đam cho biết chỉ số CPI sau mấy tháng âm, kể từ tháng 4 đến nay khi điều chỉnh một số mặt hàng có tăng lên và cộng lại 7 tháng tăng 2,68% so với cuối 2012. So với mục tiêu Quốc hội đặt ra kiềm chế lạm phát thấp hơn năm ngoái (khoảng 7%) là khả thi. Nhiều ý kiến đề nghị cần kích cầu nhưng Chính phủ bàn kỹ và phân tích ý kiến chuyên gia, qua đó khẳng định việc giữ ổn định vĩ mô là trọng tâm không thể lơ là.
“Năm ngoái làm tốt, nhưng chỉ đến tháng 9 lơ là, lập tức CPI tăng 2%. Ngoài yếu tố tiền tệ, giá cả chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn nên càng phải thận trọng”, ông Đam lưu ý.
Một tín hiệu tích cực khác, theo ông Đam là chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng, riêng tồn kho đã quay về mức bình thường, vì thế tại cuộc họp thường kỳ này các thành viên Chính phủ nhất trí không đề cập tới tồn kho bởi DN đã điều chỉnh quy mô và sản lượng. Tuy nhiên, khó khăn bao trùm, theo Bộ trưởng Đam, do tổng cầu yếu quá, sức mua kém.
“Người dân, người làm công ăn lương có thu nhập thì mới mua bán nhiều hơn, các DN sẽ tăng sản xuất. Nếu sức mua yếu thì phải tăng cầu lên nhưng không cẩn thận, cung thêm tiền ra lại bị lạm phát. Do đó phải tiếp tục kiên trì, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khẳng định nền kinh tế đang đi đúng hướng và theo mục tiêu lâu dài”, ông nói.
VTV chưa nhất quán khi mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/7, được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son ủy quyền để trả lời về bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cho biết ngay từ đầu Bộ TT-TT đã chỉ đạo các bên phải ngồi lại với nhau để đàm phán, không để đối tác nước ngoài ép giá, gây thiệt hại đến quyền lợi người xem. “Rõ ràng VTV và các đơn vị lúc đầu đều thống nhất liên kết không cho nước ngoài gây thiệt hại cho người xem. Nhưng quá trình vận hành, nếu VTV nhất quán nguyên tắc từ đầu đến cuối thì có lẽ chúng ta có thể tạo áp lực để đối tác nước ngoài bán theo mong muốn của các đơn vị. Nhưng chắc do bài toán kinh doanh nên VTV không mua được và sau đó Canal Plus lại mua được từ đơn vị trung gian từ Mỹ”, ông Bảo nói. Cũng theo ông Bảo, nếu đơn vị nào làm sai thì đã có luật pháp xử lý, nhưng trong trường hợp này phải đặt cả trách nhiệm của một quốc gia có chủ quyền về thông tin, trách nhiệm xã hội và đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Ngoài ra, bản thân VTV chiếm 51% trong liên doanh với Canal Plus, có quyền phủ quyết nếu thấy việc đó không có lợi chung cho dân tộc. “Hiện nay VTV báo cáo gần như không làm được nữa, nhưng cũng đưa ra giải pháp chia sẻ hạ tầng trên các kênh khác. Cục đã có văn bản yêu cầu các đơn vị ngồi lại bàn phương án chia sẻ. Hiệp hội cũng có công văn, nhưng VTV chưa bố trí họp được. Ngay sau khi họp, với thẩm quyền của mình chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm”, ông Bảo nói. |
Theo Thanh Niên