Với xu hướng muốn dùng cà phê sạch, an toàn thay cho loại cà phê “bẩn”, pha tạp bởi các loại hóa chất, bắp rang, đậu nành, nước mắm…, người tiêu dùng nhanh chóng “mê” các quán cà phê mang đi, vốn có giá bán khá mềm. Tuy vậy, những loại cà phê này, mức độ sạch, nguyên chất đến đâu thì vẫn ít người rõ.
Khách thưởng thức cà phê tại quán Cuội |
Lợi nhuận ít, chất lượng cao?
Nổi bật trong “trào lưu” cà phê mang đi hiện nay là các thương hiệu: Passio, Urban Station, Cino Corner, R4… Quán cà phê mang các thương hiệu này có mặt trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Giá bán mỗi ly cà phê dao động từ 15.000 đồng đến 35.000 đồng.
Thu hút và phổ biến nhất là thương hiệu Milano. Cà phê ở đây bán khá bình dân, chỉ 12.000 đồng/ly. Ông Lê Minh Cường, người sáng lập hệ thống Milano cách đây 2 năm, cho biết hiện thương hiệu này đã có cửa hàng thứ 118. Trong đó, ông Cường chỉ làm chủ 3 cửa hàng, còn lại là do ông chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các đối tác làm đại lý.
“Để thành công, ngay từ đầu, người muốn tham gia mở quán phải chấp nhận lợi nhuận ít nhưng chất lượng phải bảo đảm theo đúng cam kết với Milano. Nhiều người cho rằng chúng tôi triệt tiêu cà phê cóc nhưng trên thực tế, Milano chỉ muốn những quán cóc này buộc phải nâng cao chất lượng cà phê” - ông Cường lý giải.
Ngồi ở quán Milano 45 trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận khoảng 2 giờ, chúng tôi ghi nhận có khoảng 20 khách đến uống hoặc mua cà phê mang đi. Quán sạch, gọn; bàn ghế gỗ lịch sự gói gọn trong không gian khoảng 20 m2, cách bài trí rất tiết kiệm diện tích.
Điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nhất tại các quán cà phê mang đi, cà phê rang xay là tất cả đều có máy xay cà phê tại chỗ nên dễ tạo niềm tin cho khách. Tuy vậy, không phải quán nào cũng xay cà phê ngay trước mặt khách mà thực tế chỉ là tượng trưng, bởi cà phê mang đi buộc phải thao tác nhanh, gọn.
Chưa biết sạch đến cỡ nào
Vừa mở quán cà phê rang xay thu hút khá nhiều khách, chủ quán Cuội trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 - anh Trần Đăng Thư - tiết lộ: “Nhiều quán nói là sạch, là nguyên chất nhưng mức độ sạch, nguyên chất như thế nào thì khó mà kiểm chứng”.
Theo anh Thư, giá bán 1 kg cà phê nhân ngoài thị trường hiện chỉ 40.000 - 60.000 đồng. Điều quan trọng nhất là công đoạn rang vì trong quá trình này, người thực hiện có thể tẩm ướp các chất mình muốn vào cà phê. Chính vì vậy, người tiêu dùng không thể chỉ nhìn hạt cà phê đã rang ở quán mà vội tin rằng đó là nguyên chất, là sạch.
Về giá cà phê rang, anh Thư cho rằng giá này “thượng vàng hạ cám”. Có nơi chào hàng chỉ với giá 90.000 đồng/kg, trong khi loại cà phê ngon phải đến mức 300.000 đồng.
“Chủ quán muốn đặt hàng giá nào, hàm lượng pha chế ra sao đều được đáp ứng. Riêng ở quán Cuội, chúng tôi hoàn toàn không tẩm ướp cà phê. Để có hương vị thơm ngon, chúng tôi phối trộn 3 loại cà phê nguyên chất loại tốt, đặc trưng với hàm lượng sao cho phù hợp với “gu” của hầu hết khách hàng người Việt” - anh Thư cho biết.
Những khách hàng thường xuyên đến quán Cuội cũng cho rằng điều quan trọng là cảm nhận khi uống ngụm cà phê đầu tiên, sau đó là sự tin tưởng người bán. “Quan trọng là giá cả phải phù hợp. Khi người uống đã “kết” thì họ sẽ luôn quay lại quán” - một khách hàng khẳng định.
Theo ông Lê Minh Cường, Milano cũng không muốn dùng chữ “nguyên chất” cho cà phê ở hệ thống này. “Nguyên chất hay không là do người uống cảm nhận và kiểm chứng. Nếu cà phê chất lượng cao thì hàm lượng cafein cũng sẽ cao. Chính yếu tố này sẽ níu chân khách” - ông Cường nói.
Hiện tượng mở quán cà phê rang xay, mang đi, giá mềm đang nở rộ. Tuy nhiên, dù nhiều thương hiệu có quảng bá là nguyên chất, là sạch gì đi nữa nhưng nếu không có cái tâm kinh doanh trong sáng thì thành công là điều không dễ đến.
Cà phê di động Ngoài các hàng, quán, gần đây nhiều người cũng bắt gặp những xe cà phê di động với các thương hiệu: Balo cà phê, cà phê Rang Xay... Những xe cà phê này thường có mặt ở các tòa nhà văn phòng hoặc ngay trên lề đường, giá bán trung bình từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/ly cà phê đá hay cà phê sữa đá. Dù nhanh gọn, tiện lợi hơn nhưng người tiêu dùng vẫn có vẻ không mặn mà với loại hình cà phê di động bằng cà phê mang đi bởi nghi ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Theo NLĐ