Đinh Việt Tuấn bắt đầu mở cửa hàng bán đồ phượt cuối năm 2009, đầu 2010 khi phượt bắt đầu thành trào lưu. Mặt hàng trong shop của Tuấn khá phong phú, từ ủng, găng tay, áo mưa…cho đến thực phẩm muối, đường, sữa, giấy, cà phê.
Anh còn bán cả đồ chuyên dụng còi sinh tồn, dây phản quang, găng tay Hi-cool chống nắng, xà cạp outbound đi trong rừng, áo giáp, balo, ống nhòm, bộ đàm. Một số mặt hàng có giá tới tiền triệu.
Một số vật dụng đi phượt đang được bày bán tại cửa hàng của anh Tuấn. |
Anh Tuấn cho biết, những mặt hàng đặc dụng như áo giáp Fox, ủng chống nước, găng tay, balo, khẩu trang liền che cổ, túi đeo hông... thường bán chạy hơn cả. “Đặc biệt vào mùa đông, dân phượt đi nhiều và cần nhiều vật dụng hơn nên có thời gian mình lãi được 500.000-600.000 đồng mỗi ngày", anh Tuấn nói.
Hà Nội gần đây ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng như nhà anh Tuấn. Số lượng cửa hàng đông hơn nên dân kinh doanh phải nghĩ đủ cách để cạnh tranh. Bên cạnh việc bán hàng thì họ có cả dịch vụ cho thuê, thanh lý đồ cũ.
Đỗ Trọng Hưng, thành viên trong nhóm phượt Backpacking Team cũng bật mí, để không quá tốn kém, dân phượt nên thuê những đồ đắt, chuyên dụng như đồ nghề sửa xe, dụng cụ y tế, đồ chống nước.
Anh Lộc, chủ một cửa hàng chuyên cho thuê đồ phượt trên đường Giảng Võ cho biết giá cho thuê trại dùng cho 10 người là 220.000 đồng trong vòng 2 ngày, trại giành cho 6 người là 140.000 đồng và 2 người là 50.000 đồng. Bộ đàm 2 chiếc cho thuê trong 2 ngày cũng có giá 50.000 đồng.
Ngoài ra, cửa hàng còn cho thuê những vật dụng chuyên dùng mà khách hàng ít mua như áo giáp, ủng, túi chống nước, ống nhòm, đồ nghề … Chủ cửa hàng chia sẻ, trung bình mỗi tháng, cửa hàng cho thuê 15-20 bộ vật dụng, trong khi chỉ bán từ 2 đến 3 bộ. Để hút khách, anh Lộc còn tư vấn miễn phí cho khách hàng về kinh nghiệm đi phượt.
Dịch vụ cho thuê xe ôtô, xe máy, xe đạp cho người đi phượt cũng khá sôi động. Anh Lương Việt Hoàng, chuyên cho thuê các loại xe gắn máy, xe số, xe côn tay đi phượt cho biết, tuỳ vào giá trị của mỗi loại xe mà định giá, dao động 80.000-250.000 đồng một ngày.
“Khi thuê, khách hàng thường phải đặt cọc bằng nửa giá tiền cho những đồ có giá trị, hoặc đặt cọc một trong số những giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, giấy phép lái xe hoặc sổ hộ khẩu. Những dịp nghỉ lễ, ngày hè, có hôm không đủ xe để cho thuê”, anh Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, không phải chủ cửa hàng nào cũng có thủ tục thuê đơn giản như vậy. Phạm Ngọc Tâm, hay đi phượt các chuyến dài Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Sapa, Hà Giang…cho hay, mỗi khi cần những mặt hàng phượt có giá trị anh thường phải nhờ bạn học cùng lớp có hộ khẩu Hà Nội thuê giúp.
Đối tượng khách hàng mua và thuê đồ phượt thường là sinh viên hoặc người mới đi làm, nên chỉ những ngày hè, dịp nghỉ lễ dài thì mua bán tại các cửa hàng này mới sôi động. “Những ngày thường, thậm chí cửa hàng không bán được bộ sản phẩm nào”, Tuấn chia sẻ.
Dịch vụ cho thuê đồ phượt cũng không tránh khỏi rủi ro. Anh Hoàng cho biết, đồ cho dân phượt phải là đồ tốt, đồ xịn. Trong khi đó, đa số khách hàng tới thuê thường đi phượt xa, đường sá hiểm trở, nên đồ bị hỏng hóc, xuống cấp là không thể tránh khỏi. “Khách hàng đền bù một phần nào chứ không thể bằng tiền mua đồ xịn, đồ mới được”, anh nói.
Theo VNE