Hợp đồng “lạ”
Ngày 19/7, chúng tôi có mặt tại xã Giao An (huyện Giao Thủy) - một xã nghèo ven biển - hiện có rất nhiều hộ đang điêu đứng vì chồn nhung đen. Đây là loài động vật có ngoại hình giống chuột nhưng không có đuôi, lông màu đen, khối lượng khi trưởng thành đạt 600-800 gram.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phong trào nuôi chồn nhung đen tại xã bắt đầu từ khoảng đầu năm 2012. Người cung cấp con giống chồn nhung đen cho người dân trong xã là ông Đoàn Việt Châu, vốn là dân xã Giao An. Ông Châu có trang trại tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Nhiều hộ nông dân đã mang nợ hàng chục triệu đồng vì nuôi chồn nhung đen. |
Nếu hộ dân nào muốn nuôi chồn nhung đen, đều phải “ký hợp đồng” thời hạn 28 tháng với ông Châu, với những điều khoản “lạ”.
Theo đó, các hộ mua chồn nhung đen giống của ông Châu với giá 4 triệu đồng/cặp (1 đực, 1 cái). Sau đó, khi chồn sinh đẻ, ông Châu thu mua với giá 2 triệu đồng/cặp (bất kể đực hay cái). Người nuôi phải nộp 500 nghìn đồng cho mỗi lần chồn mẹ đẻ con. Sau khi hợp đồng hết thời hạn, các hộ phải hủy đàn chồn (làm thực phẩm) hoặc bán lại cho ông Châu với giá 500 nghìn đồng/đôi. Và nếu tiếp tục tham gia mô hình, các hộ phải mua con giống mới với giá như trước là 4 triệu đồng/cặp.
Theo tính toán của người nuôi, mỗi cặp chồn cứ 70 ngày đẻ 1 lứa, mỗi lứa từ 1-4 con, có khi 7 con. Như vậy, nếu đầu tư nuôi 15 cặp chồn bố mẹ, sau 5 tháng đẻ 70 chồn con, sẽ thu được “ngon ơ” 70 triệu đồng. Siêu lợi nhuận! Trong khi nuôi loại chồn này khá nhàn, kỹ thuật nuôi đơn giản; thức ăn của chồn chủ yếu là các loại cỏ, cám gạo, cám ngô...
Quả thực, thời gian đầu đã có nhiều người xuất chuồng những lứa chồn, thu bạc triệu rất dễ dàng. Thấy vậy, người trong xã (chủ yếu ở xóm 12) đổ xô đi nuôi chồn nhung đen.
Có thể nói, thời điểm đó, xã Giao An “lên cơn sốt” với loại động vật ngoại lai này, với hy vọng làm giàu nhanh chóng. Ngoài Giao An, các xã khác của huyện Giao Thủy cũng có các hộ nông dân nuôi chồn nhung đen như Giao Thuận, Giao Thanh, Giao Thiện...
Theo một số người họ hàng của ông Châu kể lại, họ đã phải gọi điện “xin xỏ” ông Châu nhiều lần (?!) thì ông Châu mới cấp chồn giống cho nuôi, chứ không phải dễ dàng.
Nông dân “cõng” nợ
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, việc thu mua chồn nhung đen của ông Châu đã chậm dần và thôi hẳn.
Ông Đoàn Văn Đức (xóm 12, xã Giao An) cho biết, ông vay ngân hàng 50 triệu đồng, phá khu nuôi lợn, xây chuồng mới để nuôi chồn. Lúc đầu ông chỉ nuôi 10 đôi chồn, sau đó tăng lên 50 đôi. Chồn nhung đen sinh sôi nảy nở rất nhanh, vài tháng sau ông có 300 con chồn. Ông còn định lấp cả ao để xây chuồng, nhưng bất ngờ ông Châu không thu mua tiếp nên cuối tháng 6 vừa qua, ông Đức đã phải phá chuồng; chồn nhỏ tiêu hủy; chồn to giết thịt.
Ông Vũ Đức Thông (xóm 9, xã Giao An) thì cho hay, ông phải thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng mua 20 đôi chồn nhung đen; 4 lồng nuôi giá 2 triệu/chiếc, tổng vốn là 88 triệu đồng. Hộ dân này cho biết, ông Châu đã cho người đến thu mua và đã thanh toán hơn 10 triệu đồng, còn nợ hơn 40 triệu đồng. “Gia đình tôi hiện lâm vào cảnh khốn đốn, không biết lấy tiền đâu ra để trả nợ” - ông đau xót.
Hiện hầu hết người nuôi chồn nhung đen trong xã Giao An đã phá bỏ mô hình này, không biết làm gì với những con chồn nhung đen “của nợ” còn lại. Ông Đức tính toán, các hộ dân còn nợ tiền hợp đồng với ông Châu khoảng 1,3 tỉ đồng; có người nợ cao nhất là 25 triệu đồng.
Ông Trần Quang Vọng - Chủ tịch UBND xã Giao An - cho biết, trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, nhiều bà con trong xã lại đề nghị xã can thiệp để ông Châu thanh toán nốt tiền hợp đồng cho dân. Tuy nhiên, do hợp đồng ký giữa hai bên không thông qua chính quyền địa phương nên chính quyền không có trách nhiệm, các bên phải tự giải quyết.
Theo Lao Động