Tấm bảng với 4 chữ “Cá tầm Việt Nam” được treo ngay ngắn ngay lối vào nhà hàng Ngự Bình trên phố Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Mời 4 người bạn đi ăn, anh Chiến, nhà ở Lê Đức Thọ bị ấn tượng ngay bởi cách quảng cáo này. “Không cần biết như thế nào, nhưng cứ có chữ Việt Nam đảm bảo về nguồn gốc là an tâm hơn hẳn”, anh Chiến chia sẻ và cho biết, đã chọn nhà hàng nói trên để mời khách.
Nhân viên nhận đặt bàn nhà hàng Ngự Bình nói thêm, hiện tại, giá cá tầm tại bàn là 550.000 đồng/kg và khẳng định, đây là cá Việt Nam. Chị này chia sẻ, giá tăng so với thời gian trước do hàng ít hơn, trong khi nhu cầu của khách hàng với cá xuất xứ trong nước tương đối lớn.
Thông tin cá tầm tại Việt Nam phần lớn là hàng "rửa nguồn gốc" từ Trung Quốc nhập về khiến cho mốt quảng cáo cá tầm Việt Nam nở rộ. Ảnh: Mạnh Cường. |
Tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch), giá mỗi kg cá tầm trước khi xuất hiện thông tin “tẩy nguồn gốc” chỉ khoảng 180.000 đồng, thì đến nay, đã tăng lên trên 200.000 đồng. Một tiểu thương bán loại cá này tại chợ Đồng Xa quả quyết là hàng Việt Nam.
“Hàng Trung Quốc nhập về bán ai mua, nhiều người đi chợ cứ hỏi cá Việt Nam hay Trung Quốc nên tôi nhập hàng Việt về bán”, chị này chia sẻ, xong từ chối trả lời về nguồn gốc loại cá tầm Việt Nam này.
“Mốt” quảng cáo xuất xứ cá tầm bắt đầu xuất hiện kể từ khi thị trường râm ran thông tin loại cá này bị tẩy rửa nguồn gốc. Anh Hùng, chuyên cung cấp cá tầm Sa Pa đến các nhà hàng, người tiêu dùng nhỏ lẻ toàn quốc cho biết, hàng của anh là loại cá được nuôi đúng chuẩn mực ở Sa Pa - vùng núi có khí hậu lạnh, nên chất lượng tốt và đảm bảo chắc chắn về nguồn gốc.
Anh Hùng cho biết, cá được nuôi tại Lai Châu, cách Sa Pa khoảng 20km trong trang trại 8ha nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn bằng công nghệ chuyển giao từ viện nuôi trồng thủy sản nên chất lượng khá tốt. Chủ đầu mối cá tầm này cũng khẳng định đây là hàng Việt Nam và cho biết do cá Trung Quốc được nuôi bằng cám tăng trọng nên thịt rất nhão.
Hiệu ứng dùng chữ "Việt Nam" thay thế cho chữ "Trung Quốc" khi nói về nguồn gốc cá tầm phát huy tác dụng rõ rệt khi các tiểu thương thừa nhận, khách hàng đã phần nào yên tâm, tin tưởng hơn. “Khi so sánh cá tầm Việt Nam và Trung Quốc, cũng như cám giác ăn lợn cắp nách với lợn nái, gà công nghiệp với gà đồi”, anh Hùng ví von và tiết lộ, đã có nhiều người mua cá, để lại phản hồi tốt. Giá mỗi kg cá sống là 230.000 đồng, loại cá to 6-7kg/con, giá dao động 700.000 đồng/kg, loại 4-5kg/con giá 700.000 đồng/kg.
Trước đó, đầu tháng 7, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh cùng với đại diện nhà sản xuất, nhà phân phối đã có đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng cùng Bộ công an, Bộ nông nghiệp phản ánh tình trạng cá tầm Trung Quốc ngang nhiên vào Việt Nam.
Có mức giá chỉ 120.000-130.000 đồng/kg - rẻ hơn cá nội địa, những tấn cá nhập về mỗi ngày đang khiến cho mạng lưới phân phối cá tầm được sản xuất trong nước tê liệt, đe dọa đến sự tồn tại của các nhà sản xuất và nguy cơ hàng nghìn bà con nông dân bị mất việc làm trong khi hoang mang vì không dễ phân biệt được đâu là cá tầm Việt Nam, đâu là cá tầm Trung Quốc, phía Hiệp hội cho biết.
Khi các thông tin nói trên được đưa lên Chính phủ và một số bộ ngành bằng đường đơn thư, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ công an vào cuộc kiểm tra. Trong khi đó, với lùm xùm về cá tầm nhập lậu được rửa nguồn gốc, nhiều lãnh đạo Hiệp hội cá nước lạnh tỏ ra bức xúc.
Ông Trần Văn Hào - Chủ tịch Hiệp hội cá nước lạnh cho biết, giá cá bán buôn tại thị trường miền Bắc đã 150.000-160.000 đồng/kg, nên không thể có chuyện cá ở TP.HCM giá lại chỉ 120.000-130.000 đồng. Người đứng đầu Hiệp hội cá nước lạnh cũng ngạc nhiên với thông tin cá tầm Trung Quốc được cấp phép trong danh mục chính thức, còn cá tầm Nga đã được nuôi cả chục năm tại Việt Nam lại chưa có phép.
Trong khi vấn đề tẩy rửa nguồn gốc cá Trung Quốc chưa ngã ngũ, kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng chưa có, thì ở thị trường, mỗi ngày vẫn có hàng tấn cá được tiêu thụ. Còn giới tiểu thương kinh doanh, các đầu mối cung cấp loại thủy sản này thì nhanh nhạy chớp thời cơ, đua nhau tung ra quảng cáo cá tầm Việt Nam, với mức giá thiếu đồng nhất, thậm chí chênh lệch nhau vài trăm nghìn mỗi kg.
“Giờ, cái gì của Trung Quốc người mua cũng tẩy chay cả, nên cứ là hàng Việt Nam, dù giá cao hơn, song bán chạy hơn hẳn”, tiểu thương kinh doanh cá tầm ở chợ Đồng Xa (Hà Nội) cho biết. Chị này thông tin, cách đây 1-2 tuần, hàng bán chậm hơn, có thể do nắng nóng và cũng có thể bởi thông tin cá tầm nhập lậu, song từ khi quảng cáo cá Việt Nam, mỗi ngày, chị vẫn bán được 1-2 con cá tầm - mức cao khi bán tại chợ dân sinh.
Theo Infonet