Trong những ngày qua, thị trường chứng kiến đà giảm mạnh mẽ của USD tại cả ngân hàng và chợ đen. Có phiên, USD giảm hơn 50 đồng/USD. Tới ngày 31/7, đà giảm vẫn chưa được kiềm chế. USD tiếp tục đi xuống. PV đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng về hiện tượng này.
TS Nguyễn Trí Hiếu |
Trong những ngày cuối tháng 7, giá USD tại cả thị trường tự do và ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Nguyên nhân của hiện tượng này theo ông là gì?
Có 2 nguyên nhân chính khiến USD giảm trong những ngày qua. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã bơm một lượng USD lớn vào nền kinh tế trong thời gian qua. Tới ngày 30/7, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp nữa nhưng sự tác động của các ngày trước đó làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Thứ hai, một số nhà đầu cơ ngoại tệ thấy Ngân hàng Nhà nước can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại hối nên giảm giao dịch đầu cơ. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và giảm sức ép lên tỷ giá.
Hai yếu tố kể trên góp phần khiến tỷ giá bớt nóng. Khi tỷ giá có dấu hiệu đi xuống, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp nữa. Đây là điều rất hợp lý.
USD giảm mạnh có phải là cơ hội để nhà đầu tư mua vào hay không thưa ông?
Với những người có nhu cầu thực sự ví dụ những nhà nhập khẩu, đây là cơ hội tốt để mua vào vì giá đang khá rẻ. Tuy nhiên, với những người mua vào với mục đích đầu cơ, găm giữ chờ giá tăng để bán thì không nên. Người dân và doanh nghiệp găm giữ USD tại thời điểm này không có lợi vì thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục có những biến động lớn.
Vàng cũng vậy, những ai có nhu cầu tích lũy tài sản nên mua nhưng để kinh doanh thì rất nguy hiểm vì thị trường vàng đang biến động.
Nhưng nhiều người cho rằng cuối năm luôn là thời điểm tỷ giá tăng mạnh nên họ tranh thủ mua vào USD để “đón sóng”. Quan điểm này có đúng không thưa ông?
Thường thì tỷ giá có xu hướng tăng vào cuối năm vì đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp mua hàng nhập khẩu rất nhiều lo lễ tết. Đây cũng là thời gian cả doanh nghiệp Việt và Chính phủ cần USD để trả nợ nước ngoài. Vì vậy, cuối năm, USD thường lên giá.
Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng giá USD đang thấp nên tranh thủ mua vào để cuối năm giá tăng thì bán, người dân nên nghĩ lại vì lãi suất tiền đô thấp. Đó còn chưa biết tỷ giá sẽ biến động như thế nào.
Để không có rủi ro, người dân vẫn nên bỏ tiền VND tại các ngân hàng. Đây là kênh đầu tư tốt vì dù sao ngân hàng vẫn trả lãi suất tốt.
Điều đó có nghĩa tại thời điểm này, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất? Nhưng lãi suất hiện đã giảm khá mạnh và có khả năng tiếp tục giảm. Lãi suất giảm, sức hút của kênh tiết kiệm sẽ giảm theo phải không thưa ông?
Theo tôi, từ nay đến cuối năm, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa nhưng không giảm sâu. Nhưng dù sao, kênh gửi tiết kiệm vẫn mang lại lãi suất tốt. Người dân có tiền nên gửi tiết kiệm bằng VND hơn là USD. Găm giữ USD rồi chờ giá lên để bán là khá mạo hiểm vì thị trường USD vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro.
Mức độ rủi ro khi trữ USD thời điểm này như thế nào, thưa ông?
Nắm giữ USD tại thời điểm này khá rủi ro nhưng không đến độ nguy hiểm như vậy. Tỷ giá từ giờ đến cuối năm có thể tăng, tăng bao nhiêu thì không biết trước được.
Nếu có lượng tiền đầu tư, người dân nên phân bổ không quá quá 1/3 cho vàng, 1/3 mua ngoại tệ. Nếu bỏ tất cả tiền vào ngoại tệ thì rất rủi ro.
Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản thì sao thưa ông?
Các kênh đầu tư khác không có nhiều khả quan. Bất động sản vẫn khá trầm lắng, thị trường vẫn đóng băng. Thị trường chứng khoán cũng khó tăng trưởng mạnh vì kinh tế vĩ mô vẫn chưa tốt. Các công ty phát hành chứng khoán khó có thể hoạt động tốt. Sức khỏe không tốt nên cổ phiếu của họ khó có giá cao được. Thị trường chứng khoán vẫn đang trong trạng thái lình xình.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTC News