Giá điện, muốn là tăng!

Thứ sáu, 02/08/2013, 15:02
Ngày 31/7, Bộ Công thương ban hành thông tư quy định giá bán điện. Tối cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đồng/kWh (khoảng 5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đồng/kWh).

Việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20/4 tăng từ 37% - 41%.

Giá điện tăng được coi là sự bất ngờ khi mà trước đó, tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 diễn ra hôm 30/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Khi có đổi mới căn bản về giá điện, rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi yêu cầu EVN phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, đồng thời lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện”.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, quyết định tăng giá điện được công bố. Trước khi đưa ra quyết định này, Bộ Công thương và EVN chưa hề công bố dự thảo cũng như tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về kế hoạch tăng giá của mình.

tăng giá điện

Ngày 1/8, trao đổi với Báo SGGP, một cán bộ truyền thông của EVN cho biết, EVN chỉ có các thông tin gửi các cơ quan báo chí trước đó và không họp báo công bố việc tăng giá điện. Còn điện thoại cho một lãnh đạo EVN thì không bắt máy.

Trong khi, với những yêu cầu về sự minh bạch thông tin tăng giá điện - một mặt hàng nhạy cảm thì chính ngành điện phải là người chủ động cung cấp thông tin đến báo chí, người dân, doanh nghiệp một cách cặn kẽ để lý giải những nguyên nhân vì sao tăng giá, tìm sự đồng thuận.

Và ngay tại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ điều chỉnh giá điện cũng đã đưa ra nguyên tắc các thông số đầu vào phải được kiểm toán và việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường phải được công khai, minh bạch.

Nhìn lại quá trình tăng giá điện, có thể thấy, cùng là mặt hàng nhạy cảm, gây tác động lớn đến xã hội nhưng thông tin từ mỗi lần tăng giá điện thua xa xăng dầu. Khi mỗi lần chuẩn bị tăng giá xăng dầu, cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Tài chính thường giải thích cặn kẽ, thậm chí dẫn các số liệu minh chứng cho việc tăng giá xăng dầu là đúng đắn (dù mặt hàng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thông tin của người dân) thì ở đây, Bộ Công thương, EVN - với tư cách là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực - lại im lặng một cách khó hiểu.

Đối với hộ gia đình sử dụng điện khoảng 400 kWh/tháng thì mỗi tháng sẽ phải trả thêm khoảng 37.200 đồng, nhưng với ngành sản xuất, kinh doanh tác động sẽ không nhỏ.

Theo như biểu giá bán điện mới, giá bán điện cho sản xuất, với cấp điện áp từ 110kV trở lên, doanh nghiệp sử dụng giờ bình thường - thấp điểm - cao điểm giá sẽ tăng thêm lần lượt 60 đồng, 38 đồng và 107 đồng/kWh; với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV sẽ tăng thêm tương ứng các giờ sử dụng là 62 đồng, 39 đồng và 113 đồng/kWh…

Còn với điện kinh doanh, cấp điện áp từ 22kV trở lên, tương ứng các giờ sử dụng nêu trên giá điện sẽ tăng lần lượt 100 đồng, 57 đồng và 165 đồng/kWh; từ 6kV đến dưới 22kV tăng lần lượt 107 đồng, 64 đồng và 174 đồng…

Điện là một mặt hàng tác động lớn nhất đến mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, do vậy, để tạo sự đồng thuận của người dân khi điều chỉnh giá, đòi hỏi những thông tin đưa ra một cách công khai, minh bạch nhất. Song xung quanh việc tăng giá điện lần này cũng như những lần trước đó, người dân không hề biết rõ những nguyên nhân dẫn đến tăng giá và dẫn đến hàng loạt những băn khoăn: EVN đã giảm chi phí như thế nào, việc sử dụng nguồn điện từ các nhà máy thủy điện giai đoạn này ra sao…

Trong khi đó, các số liệu 6 tháng đầu năm của EVN khiến dư luận khó hiểu: EVN cân bằng được tài chính; doanh thu bán điện đạt 81.656 tỷ đồng, tăng hơn 23% so cùng kỳ; các hồ thủy điện thực hiện tốt kế hoạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết nước để phát điện tới hết mùa khô.

Trước quá nhiều những khúc mắc của người dân với ngành điện chưa được giải thích một cách cặn kẽ, thấu đáo thì việc tăng giá, dù được đánh giá là hợp lý hay chưa hợp lý thì hệ lụy của nó gây ra việc tăng giá của các mặt hàng khác, sẽ khó tránh khỏi!

Theo SG ĐTTC

Các tin cũ hơn