Công ty cổ phần cơ điện lạnh (mã CK: REE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và hợp nhất 6 tháng đầu năm. Theo đó, REE đạt trên 610 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 3 tháng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng gấp 3,5 lần lên trên 529 tỷ đồng. Trong đó, báo cáo cũng chỉ rõ phần lợi nhuận chủ yếu đến từ công ty liên kết là 382 tỷ đồng, bứt phá ngoạn mục so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi lẽ, quý II/2012 REE lỗ gần 8 tỷ đồng từ khoản này.
Theo giải trình của REE, trong quý II, với việc hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu các công ty liên kết mới: Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại, Công ty cổ phần than Đèo Nai, Công ty cổ phần than Núi Béo đã góp phần mang lại lợi nhuận đáng kể cho khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Dường như các công ty liên kết đang là tia sáng cứu vớt sự hạn chế tăng trưởng trong các hoạt động kinh doanh khác của REE. Bởi, mảng cơ điện lạnh đang bị cạnh tranh gay gắt và chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Các tòa nhà cho thuê đều đã đầy nên khó có thêm lợi nhuận. Vì vậy, REE chỉ có thể trông chờ vào mảng đầu tư tài chính. Lợi nhuận khoản đầu tư này mang lại chiếm hơn 67% tổng lợi nhuận của công ty trong 6 tháng. Điều này cũng sẽ là rủi ro của REE nếu các công ty liên kết hoạt động kém hơn trong thời gian tới.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Thanh Bình- Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Tài chính tại Công ty cổ phần cơ điện lạnh lại rất hài lòng về lợi nhuận đến từ các mảng khác của doanh nghiệp như điện nước, bất động sản trong thời gian qua. Theo ông Bình, ngoài cơ điện lạnh, bất động sản cũng là lĩnh vực chiến lược công ty khai thác và theo đuổi từ hơn chục năm nay, lãi dao động mức 20-30% trong tỷ trọng lợi nhuận toàn doanh nghiệp.
Giám đốc tài chính Cơ điện lạnh cũng nói thêm: “Trường hợp công ty liên kết không làm ăn hiệu quả thì cũng phải tính toán lại vì là công ty đại chúng, mọi hoạt động đều phải chịu trách nhiệm trước cổ đông”.
6 tháng, REE đạt gần 1.124 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% và gần 640 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) 6 tháng đạt 2.615 đồng. Tổng tài sản REE đạt hơn 6.511 tỷ đồng. Tiền mặt có khoảng 760 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu trên 4.442 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn 1.281 tỷ đồng. Hiện, REE có 13 công ty liên kết và một công ty đồng kiểm soát.
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (mã CK:SSI), mặc dù chưa báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II nhưng vừa qua cũng đã công bố đến cổ đông báo cáo tài chính riêng quý II, với doanh thu 187 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 51 tỷ đồng, giảm mạnh tới gần 57% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong báo cáo tài chính riêng này của SSI là khoản mục doanh thu khác chiếm 86 tỷ đồng, trong đó lãi từ tiền gửi ngân hàng chiếm tới 71,4 tỷ đồng (38,1% doanh thu quý II). Ngoài ra, cũng trong phần thuyết minh báo cáo của công ty này có chỉ rõ 14 tỷ đồng trong phần lợi nhuận trước thuế là cổ tức nhận được trong kỳ của GIL, VFG, TMS, ELC, chiếm 23,3% lợi nhuận trước thuế của công ty. Những công ty liên kết này chủ yếu chuyên về xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, gia công, đóng gói mua bán các loại thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất lắp ráp các sản phẩm điện tử…
Ngoài ra, ở Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam (mã CK: SSC) và Công ty cổ phẩn giống cây trồng Trung Ương (mã CK:NSC) nơi mà SSI đang nắm giữ mỗi bên hơn 19% tỷ lệ sở hữu quyền biểu quyết có kết quả kinh doanh khá tốt.
Theo báo cáo kết quả hợp nhất quý II, SSC lãi 35,8 tỷ đồng, tăng 53,6% so với cùng kỳ nâng lũy kế 6 tháng lên 47 tỷ đồng, tăng 27%. Còn NSC, báo cáo tài chính hợp nhất quý II, lãi 29, 5 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Có đôi chút giống REE, SSI, Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (mã CK: DIG), hưởng lợi nhuận từ các công ty liên kết liên doanh 18 tỷ đồng, giúp quý II công ty thoát lỗ, thậm chí còn lãi 2,7 lần so với cùng kỳ. Bởi hoạt động kinh doanh chính của DIG lỗ thuần tới 9 tỷ đồng.
Mới đây, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này cũng đưa ra giải trình về kết quả kinh doanh hợp nhất quý II tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do phần lãi trong công ty liên kết tăng. Sau 5 năm thực hiện, các dự án cấp 2 thuộc khu đô thị sinh thái Đại Phước Nhơn Trạch Đồng Nai bắt đầu ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ quý II.
Ngoài những đơn vị trên, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng thủy lợi Lâm Đồng (mã CK: LHC) cũng không phải là ngoại lệ, khi báo cáo tài chính quý II của công ty này thể hiện lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ hơn 7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận khác tới 23 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế của công ty này lên 31 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái khoản lợi nhuận khác của công ty này âm.
Trong thuyết báo cáo của công ty cho biết phần lợi nhuận khác này chủ yếu nhờ công trình thủy lợi và kinh doanh vật liệu xây dựng khai thác mỏ từ Công ty cổ phần khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng (mã CK: LBM).
Bên cạnh những công ty làm ăn có lãi từ việc liên kết và đầu tư ngoài ngành thì vẫn con không ít những công ty khó khăn trăm bề, thậm chí lỗ nặng vì vướng vào mối lương duyên kiểu này.
Điển hình là Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (mã CK: VCG), khi báo cáo tài chính hợp nhất quý II, khoản lỗ từ công ty liên kết lên tới 64 tỷ đồng, tăng 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, lợi nhuận sau thuế của VCG là 62 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng thất bại khi vì công ty liên kết, Công ty cổ phần Tập Đoàn Đại Dương trong báo cáo tài chính giữa niên độ cho biết quý II lỗ 2,6 tỷ đồng từ công ty liên kết, trong khi cùng kỳ trước đó lời 22 tỷ đồng.