Giải pháp dài hơi cho lạm phát

Thứ năm, 05/09/2013, 20:42
“Kinh tế đã suy giảm 2 năm liên tiếp, tăng trưởng năm 2011 là 5,89%; năm 2012 chỉ còn 5,03% và năm 2013 dự kiến khó đạt kế hoạch đã đề ra”, ông Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhìn nhận.

Dù lạm phát hai năm qua tụt xuống nhanh nhưng tăng trưởng kinh tế thì vẫn ì ạch. Ông có suy nghĩ thế nào?

Tôi cho rằng trong điều hành, Chính phủ đã luôn quan tâm đến cả vấn đề trước mắt và lâu dài nên trong các giải pháp đề ra, có cả những giải pháp cấp bách trước mắt để giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay như xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc giảm thuế, giãn thuế, hoàn thuế...; vừa có những giải pháp lâu dài, căn cơ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, thị trường tài chính Việt Nam.

trần hoàng ngân

Ông Trần Hoàng Ngân.

Với vấn đề lạm phát, tuy kiềm chế lạm phát năm 2012 của chúng ta đạt được theo kế hoạch đề ra và năm nay nhiều khả năng cũng như vậy nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn còn ở mức cao, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn đối với nền kinh tế.

Với tăng trưởng kinh tế, đúng là mặc dù tôi thấy Chính phủ đã tích cực ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ nền kinh tế từ đầu năm đến nay nhưng theo quan điểm của tôi, có lẽ Chính phủ điều trị “căn bệnh” suy giảm theo trường phái “đông y” cho nên thẩm thấu chậm.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay nên lo nhiều hơn cho kiềm chế lạm phát hay tăng trưởng kinh tế?

Có lẽ cả hai đều đáng lo như nhau. Như tôi vừa nói, áp lực lạm phát còn lớn và tăng trưởng kinh tế thì khó có chuyển biến rõ nét hơn. Chúng ta cũng thấy là tình hình kinh tế hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản.

Kinh tế đã suy giảm 2 năm liên tiếp, năm 2011 là 5,89%, 2012 chỉ còn 5,03 và dự kiến năm 2013 cũng khó đạt kế hoạch đã đề ra. Tình trạng thất nghiệp chưa có nhiều cải thiện...

Như trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, muốn tăng liều lượng thì Chính phủ cần làm gì?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm kinh tế hiện nay là việc suy giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2010 tổng vốn đầu tư là 41,9% GDP nhưng năm 2012 chỉ còn 28,5% GDP, trong đó nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân chỉ đạt 64% kế hoạch. Vì vậy, tôi đồng ý và đề nghị Quốc hội trong Kỳ họp tới đây cho phép Chính phủ trình đề án tăng lượng phát hành trái phiếu Chính phủ cho 3 năm 2013 - 2015.

Cụ thể là cần tăng thêm khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các tiêu chí rõ ràng, minh bạch để việc lựa chọn các dự án cấp thiết và trình Quốc hội xem xét một cách cụ thể.

Chúng ta cần làm thế nào để có thể tránh được tình trạng lúc nào cũng phập phồng lo lạm phát tăng cao trở lại, thưa ông?

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngay từ đầu năm, Chính phủ đã dành một phần quan trọng nêu lên 5 nhóm giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó giải pháp chính sách tài khóa được thể hiện theo hướng chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tăng cường giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm đến giải pháp tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường.

Tuy nhiên, tôi cho rằng như thế vẫn chưa thể đủ. Cần xác định rõ nguyên nhân chi phí đẩy gây nên lạm phát, cụ thể là chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng, do đó tăng giá thành sản phẩm, khiến mức giá chung của toàn thể nền kinh tế cũng tăng là tác nhân chủ yếu. Nhất thiết phải giải bài toán về giảm bớt tác nhân gây chi phí đẩy này theo hướng tháo gỡ việc chi phí lưu thông tăng cao, chi phí nhập nguyên, nhiên, vật liệu cũng không ngừng tăng.

Đặc biệt, chi phí lưu thông nền kinh tế Việt Nam rất cao, đặc biệt các khâu trong hệ thống phân phối, bán lẻ, vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia còn hạn chế. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trước tình trạng giá cả tại nơi sản xuất, chợ đầu mối, chợ bán lẻ vẫn còn chênh lệch, một số mặt hàng bị tiểu thương lũng đoạn.

Vừa qua, những gói giải pháp mà Chính phủ trình Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và và thuế thu nhập cá nhân là những bước đi cần thiết để chia sẻ khó khăn. Việc có thêm gói giải pháp hỗ trợ vốn cho nông nghiệp và nông thôn cũng là một hướng đi đúng để giải quyết bài toán kiểm soát giá cả. Việc thực thi tốt Luật giá cũng là một giải pháp hữu hiệu và thiết thực để chúng ta kiềm chế lạm phát ngày một tốt hơn.

Theo VnEconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn