Dư luận đang đặt câu hỏi lãi kinh doanh xăng dầu có thấp hay không?
Báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex cho thấy sáu tháng đầu năm nay tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex là 898,32 tỉ đồng, trong đó riêng kinh doanh mặt hàng xăng dầu vào khoảng 388,22 tỉ đồng.
Lãnh đạo Petrolimex từng giải thích rằng mức lợi nhuận xăng dầu trên không hề lớn bởi tính ra trung bình mỗi lít xăng dầu, Petrolimex chỉ lời 94 đồng, tương ứng 31% lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở. Tuy nhiên tại buổi họp báo ngày 3/9, ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng với lượng nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm nay là 4,1 triệu tấn xăng dầu, đáng ra Petrolimex phải được lời 1.200 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng. |
Ông Quyền khẳng định mức lãi này so với vốn và doanh thu của Petrolimex là thấp, thậm chí nếu đem tiền gửi tiết kiệm lãi còn cao hơn.
Tuy nhiên, thực tế việc lấy lãi của riêng mảng kinh doanh xăng dầu để tính tỉ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu của Petrolimex là chưa hợp lý. Bởi Petrolimex hoạt động đa ngành nghề, xăng dầu chỉ là một mảng. Các công ty thành viên, công ty con, công ty liên kết... của Petrolimex còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như: Vận tải, bảo hiểm, gas, sản phẩm hóa dầu, dịch vụ xăng dầu... Chưa kể theo Luật giá, xăng dầu đang là mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá nên đem lợi nhuận của ngành xăng dầu so sánh với các lĩnh vực đầu tư khác là khập khiễng.
Căn cứ để Petrolimex và lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định mức lãi của mảng kinh doanh xăng dầu như vậy quá ít là trên cơ sở lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp xăng dầu theo quy định tại thông tư 234/2009 của Bộ Tài chính.
Hiện trong cơ cấu tính giá xăng dầu, doanh nghiệp được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Tức khi bỏ ra 24.270 đồng mua một lít xăng A92, người tiêu dùng đã buộc phải trả 300 đồng/lít lợi nhuận cho doanh nghiệp hưởng. Tuy nhiên, sở dĩ Petrolimex chỉ giữ được mức lợi nhuận 94 đồng/lít còn do nhiều nguyên nhân khác tác động đến.
Theo một doanh nghiệp trong ngành xăng dầu, doanh nghiệp có thể không giữ được mức lợi nhuận đủ 300 đồng/lít nếu thường xuyên nhập hàng vào những thời điểm giá thế giới quá cao, vượt mức trung bình của giá cơ sở 30 ngày. Điều này do dự báo thị trường, quản trị kinh doanh kém. Ngoài ra, một số thời điểm để tránh tăng giá sốc, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp tính lợi nhuận thấp hơn mức quy định, hay doanh nghiệp phải giữ giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở.
TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM) - chuyên gia xăng dầu, cho rằng với cơ chế điều hành giá xăng theo kiểu giá thế giới nhích lên bao nhiêu, giá trong nước cũng tăng theo bấy nhiêu như thời gian gần đây, doanh nghiệp xăng dầu quá sung sướng vì đương nhiên được hưởng lãi định mức mà Nhà nước cho, người mua xăng trả. Cứ mỗi lít xăng bán ra là họ được 300 đồng. Con số này là quá lớn. Bởi chỉ với mức trung bình 94 đồng/lít, số lợi nhuận của Petrolimex đã lên đến hơn 388 tỉ đồng trong vòng sáu tháng qua.
Bức xúc trước cơ chế giá xăng dầu, bạn đọc tên Trần Văn Hào khi phản hồi về phát biểu của lãnh đạo Bộ Công thương đã đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu để tính lãi định mức tính trước vào giá xăng dầu là 300 đồng/lít? Làm như vậy thì các doanh nghiệp xăng dầu chẳng phải lo lắng gì về hiệu quả kinh doanh. Nói gì thì họ cũng đã lãi 300 đồng/lít. Sự độc quyền của các doanh nghiệp xăng dầu khiến thiệt thòi sẽ đổ về phía người dân”.
Chính vì vậy, TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng không nên duy trì khoản lợi nhuận định mức trong giá cơ sở cho doanh nghiệp xăng dầu. Do đó, khi xây dựng nghị định mới về điều hành giá xăng dầu thay thế nghị định 84 cần loại bỏ khoản này, hoặc ít nhất đưa mức thấp hơn để khuyến khích doanh nghiệp phải tập trung công tác quản trị kinh doanh, dự báo thị trường, đơn vị nào làm tốt sẽ có lời.
Theo Tuổi Trẻ