Cải cách tích cực, chấn chỉnh đầu tư quá đà
Trong khi có nhiều ý kiến chưa mấy lạc quan về tốc độ cải cách chính sách, cũng như kết quả chưa rõ ràng của những nỗ lực như việc thành lập Công ty VAMC, HSBC cho rằng, Việt Nam đã thực hiện một cú đảo ngược chính sách ngoạn mục và ngày càng thể hiện cam kết đối với phát triển bền vững.
Theo đánh giá của HSBC, Việt Nam đang thực hiện một quá trình cải cách để chấn chỉnh hoạt động đầu tư quá đà trong quá khứ. Nền kinh tế đang mắc nợ, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều giảm. Về mặt tài chính, Chính phủ cũng đã cắt giảm bớt các hạng mục chi tiêu, đặc biệt là trong việc phát triển đầu tư.
HSBC cho rằng, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về chính sách và ngày càng thể hiện cam kết đối với phát triển bền vững. |
Nửa đầu năm 2013, chi tiêu Chính phủ từ đầu năm tới tháng 6 chỉ tăng 13,1% (so với mức 20,6% cùng kỳ năm 2012 và 33,1% trong năm 2011) và thu ngân sách quốc gia chỉ tăng có 1% (so với mức 10,4% trong năm 2012 và 36,4% trong năm 2011). Nhu cầu trong nước giảm trong năm 2011 và vì vậy cũng chỉ tăng dưới mức 5%. Từ đầu năm tới nay, tín dụng chỉ tăng 5,3%.
Hàng tồn kho đã được kéo xuống thấp đáng kể, nhưng số lượng hàng mua vẫn chưa tăng. HSBC tin rằng, lượng hàng tồn kho đang giảm và nhu cầu xuất khẩu tăng sẽ là xu hướng từ nay đến hết nửa cuối năm 2013 và sẽ giúp sản lượng tăng ở Việt Nam.
Giá cả thực phẩm tăng nhẹ, nhưng vẫn còn kiềm chế được nhờ vào nhu cầu thấp. Chi phí giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và vận chuyển tiếp tục tăng trong tháng 9, nhu cầu nội địa yếu sẽ tiếp tục giữ áp lực lạm phát ở mức 7-8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí dịch vụ tăng trong tháng 8 và sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng 9, nhưng những tác động của việc tăng chi phí dịch vụ sẽ dần dần được kiềm hãm sau tháng 9.
HSBC đưa ra nhận định, sau tháng 9, áp lực lạm phát sẽ xuất phát từ việc chi phí vận chuyển tăng cao hơn và có thể giá cả một số mặt hàng khác sẽ tăng kết quả từ việc tăng trưởng toàn cầu nhanh hơn và nguồn cung thiếu ổn định của dầu mỏ toàn cầu do căng thẳng chính trị khu vực vẫn còn đang kìm nén.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hỗ trợ đang giúp sức cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, đặc biệt là nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này giúp cân bằng sự sụt giảm hoạt động đầu tư trong nước, đồng thời hỗ trợ cho thị trường lao động.
Chính phủ Việt Nam đã đi một quãng đường dài để kéo nền kinh tế trở lại, nhằm bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững hơn, HSBC tin rằng, những cải cách hơn nữa là rất cần thiết để giúp nền kinh tế đạt được tiềm năng phát triển của mình.
"Kỳ vọng của chúng tôi là nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 5% trong hai năm tới. Cho dù có tăng trưởng, nhưng kết quả vẫn còn phụ thuộc vào chất lượng cải tổ sẽ được thực hiện", báo cáo của HSBC nêu.
Theo Đầu Tư