Bí ẩn chuyển động quyền lực tại Techcombank

Thứ hai, 07/01/2013, 11:15
Nhiều biến động lớn trong bộ máy chóp bu của ngân hàng đã diễn ra nhưng khá kín tiếng, công cuộc đổi chủ tại Techcombank có thật sự yên ả không khi đã có ít nhất 3 lần “thay máu” cổ đông chủ chốt và lãnh đạo?

Là một trong những ngân hàng lớn trên thị trường, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có không ít tai mắt để ý và dòm ngó. Và cũng như nhiều tổ chức khác, Techcombank cũng trải qua nhiều đợt “sóng thần” đổi chủ dẫn đến những thay đổi lớn về cổ đông chủ chốt của ngân hàng.

Từ bàn tay dìu dắt ban đầu của ông Hoàng Quang Vinh, ông Lê Kiên Thành rồi chuyển giao sang bà Nguyễn Thị Nga, nay ngân hàng đang đi dưới sự dẫn dắt của ông Hồ Hùng Anh mà bóng dáng của Masan bao trùm.

Techcombank 
 Từ trái qua phải: Ông Lê Kiên Thành - Bà Nguyễn Thị Nga - Ông Hồ Hùng Anh.

Techcombank được thành lập ngày 27/09/1993 bởi một nhóm các trí thức du học từ Nga trở về, đi theo con đường phát triển thế mạnh về kỹ thuật (technology) với số vốn ban đầu ở mức 20 tỷ đồng.

Trong đó có những tên tuổi lớn đã đồng hành cùng Techcombank từ những bước đi đầu tiên như Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), ông Hoàng Quang Vinh, ông Lê Kiên Thành, ông Nguyễn Thiều Quang… Riêng Vietnam Airlines khi đó nắm giữ đến gần 20% vốn của ngân hàng, là cổ đông lớn nhất của Techcombank..

Người có công lớn dìu dắt Techcombank trong chặng đường thứ hai, chặng đường dài nhất kéo dài đến 10 năm là ông Lê Kiên Thành. Ông Thành là cổ đông của ngân hàng từ năm 1993, ông chính là con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông hiện là Chủ tịch HÐQT Công ty SX Thực phẩm Thái Minh, Giám đốc Công ty Thiên Hương và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ IX (2009 – 2014).

Đặc biệt, ông Thành là người đã lèo lái thành công, giúp Techcombank vượt qua những khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997.

Thời gian gắn bó 10 năm của ông Thành tại vị trí Chủ tịch HĐQT (từ năm 1995 đến 2004) đối với Techcombank không phải là ngắn, ông đã để lại những hình ảnh đẹp và được xã hội nhìn nhận với sự tôn kính. Tuy nhiên, đến năm 2005, mọi người không khỏi ngạc nhiên về sự rút lui đột ngột của ông Lê Kiên Thành mà mãi cho đến năm 2011, trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới về sự nghiệp kinh doanh, ông Thành chỉ bộc bạch ngắn gọn:

…Còn đáng buồn? Có lẽ đó là thời điểm tôi rời Techcombank vì đường hướng kinh doanh của tôi và một số người không hợp nhau. Điều đó được hiểu ngắn gọn thế này, khi giá trị đồng tiền chỉ là 100 triệu thì mình có thể hình dung được suy nghĩ của người khác, nhưng nếu giá trị lên tới 100 tỷ thì nó đã vượt qua những gì mình nghĩ...”.

Sau sự ra đi của ông Lê Kiên Thành, người thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Nga, bà gia nhập đội ngũ Techcombank từ năm 2000, đến năm 2002 là Phó Chủ tịch HĐQT và trở thành Chủ tịch từ năm 2005. Năm này cũng đánh dấu một bước ngoặt mới của Techcombank khi đón nhận HSBC làm cổ đông chiến lược nước ngoài với tỷ lệ sở hữu là 10%, sau đó được nâng lên 20% từ năm 2008 và giữ nguyên cho đến nay.

Tuy nhiên, quãng thời gian bà ngồi tại ghế nóng kéo dài không lâu, chỉ hơn 1 năm sau đó, vào tháng 8/2006, từ Chủ tịch HĐQT, bà trở lại chức vụ Phó Chủ tịch và bất ngờ rời bỏ ngân hàng vào năm 2007, để lại nhiều nghi vấn về sự ra đi của mình!

Không còn dính dáng đến Techcombank, bà Nguyễn Thị Nga chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank). Ngoài việc đảm đương vị trí đứng đầu ngân hàng có vốn điều lệ hơn 5,000 tỷ đồng này, bà Nga còn được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex Việt Nam và là người đứng đầu của BRG Group cùng nhiều sân golf, khách sạn khác.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2012 của Techcombank, lượng tiền gửi của MSN và các công ty liên quan (công ty con - CTCP Hàng tiêu dùng Masan và công ty mẹ - CTCP Masan) tại ngân hàng này lên đến hơn 3,649 tỷ đồng với số tiền lãi thu về hơn 44 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2009, CTCP Tập đoàn Masan – Masan Group (HOSE: MSN) chính thức hiện diện tại Techcombank với vai trò cổ đông lớn khi nắm giữ 20% cổ phần của ngân hàng này. Sau đó, MSN đã nâng lợi ích nắm giữ tại ngân hàng này lên 30.61% bao gồm cả các giao dịch trái phiếu, các công cụ có thể chuyển đổi và được hạch toán là công ty liên kết.

Với tỷ lệ này, MSN đã trở thành cổ đông lớn nhất của Techcombank với 2 thành viên chóp bu trong HĐQT ngân hàng từ tháng 5/2012 đến nay: ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Đăng Quang (Phó Chủ tịch HĐQT), đồng thời cũng lần lượt là Phó Chủ tịch và Chủ tịch HĐQT của Masan.

Mặc dù ông Hùng Anh và Đăng Quang đã tham gia Techcombank từ trước nhưng tên tuổi chỉ nổi lên rõ nét sau sự ra đi của bà Nguyễn Thị Nga và Masan chính thức tham gia sâu vào các hoạt động của ngân hàng.

Cụ thể, ông Hồ Hùng Anh trở thành cổ đông của Techcombank vào năm 1995 và là thành viên HĐQT từ năm 2004. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang tham gia vào Techcombank năm 1993 với vai trò là cổ đông và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc ngân hàng từ năm 1995.

Tính đến nay, HĐQT Techcombank gồm 8 thành viên:

cổ đông Techcombank

Trong đó có 3 thành viên có mối quan hệ với Masan. Gia đình ông Hồ Hùng Anh nắm giữ 5.53% cổ phần tại Techcombank, gia đình ông Nguyễn Đăng Quang 1.5%, gia đình ông Nguyễn Thiều Quang 3% (ông Nguyễn Thiều Quang có em trai là ông Nguyễn Thiều Nam - Phó TGĐ của Masan Group) tính đến 30/06/2012.

 Cơ cấu sở hữu của Techcombank tính đến 30/06/2012
cổ đông Techcombank

Bên cạnh đó, kể từ ngày 12/11/2012, nhân sự của MSN - ông Vikesh Miirani sẽ giữ chức giám đốc tài chính của Techcombank theo “Thỏa thuận biệt phái” giữa Masan (MSN) với ngân hàng.

Ngoài Masan, Eurowindow Holding cùng những thành viên liên quan cũng đang là cổ đông lớn tại Techcombank, nắm giữ khoảng 8.1% vốn của ngân hàng. Đại diện cho nhóm cổ đông này tại Techcombank là ông Nguyễn Cảnh Sơn với cương vị là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Ông Nguyễn Cảnh Sơn vốn là Chủ tịch HĐQT Eurowindow Hodling, Chủ tịch Tập đoàn T&M Trans (trụ sở tại Moscow, Liên bang Nga) và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư T&M Việt Nam.

Còn cái tên Vietnam Airlines, cổ đông lớn nhất của Techcombank từ đời đầu nay dường như đã mất hút. Hiện Vietnam Airlines chỉ còn sở hữu 2.73% vốn và cũng không còn cử đại diện tham gia HĐQT.

Thời gian gần đây, Techcombank đang được nhắc đến khá nhiều với những phi vụ nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cùng với màn đòi nợ như phim đối với tài sản của CTCP Đồng Xanh (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Cụ thể, một loạt nhân viên của ngân hàng này dính vào các tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Tại Techcombank chi nhánh Thanh Hóa, tòa án đã xử Nguyễn Tiến Cường – nguyên cán bộ ngân hàng về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Đánh bạc" 20 năm tù và bồi thường cho Techcombank hơn 4.26 tỷ đồng.

Tại Bắc Ninh, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Techcombank Tiên Sơn - Ngô Minh Thuyên - đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 8.7 tỷ đồng và bị tòa tuyên phạt 20 năm tù.

Bản thân từng là Phó phòng Dịch vụ khách hàng cá nhân thuộc Techcombank chi nhánh Chương Dương, Trịnh Khải Hà - Phó phòng Dịch vụ khách hàng cá nhân đã lợi dụng quan hệ lừa đảo vay tiền tỷ để ném vào chứng khoán nhưng bị thua lỗ. Khi không còn khả năng trả nợ, vị phó phòng này đã bỏ trốn. Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, nhân viên của ngân hàng này còn bị khép tội “nhận hối lộ” và bị tuyên phạt 7 năm tù đối với Phan Thanh Nhật - Nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Techcombank Lê Quang Định, TP.HCM do nhiều lần điện thoại đòi đưa tiền hoa hồng khi giải ngân cho Công ty Đất Vàng Len (TP.HCM).

Theo VietStock

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn