Vừa chấm dứt cuộc đàm phán căng thẳng về kế hoạch ngân sách, Tổng thống Mỹ Barrack Obama và Quốc hội lại chuẩn bị cho cuộc chiến nâng trần nợ vào tháng 2 tới. Nợ công của nước này đã chạm mốc 16.400 tỷ USD ngày 31/12/2012. Nếu không có biện pháp giải quyết, Mỹ sẽ vỡ nợ và khiến cả thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 2/1 với Capital New York, Hạ nghị sĩ New York Jerrold Nadler đã gợi ý Bộ Tài chính Mỹ cho đúc xu 1.000 tỷ USD, gửi vào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để trả bớt nợ. Ông nói: "Tôi hoàn toàn nghiêm túc đấy! Nghe thì có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đó là việc hợp pháp. Bạn sẽ thấy điều này là bình thường nếu đặt trong tình cảnh kinh tế Mỹ có nguy cơ bị hủy hoại như hiện nay".
Đồng xu platinum mệnh giá 100 USD của Mỹ. Ảnh: US Coin Book |
Ý tưởng trên xuất phát từ một điều luật của Mỹ cho phép Bộ Tài chính đúc tiền xu bạch kim với mọi mệnh giá. Việc này sẽ cho phép chính phủ tiếp tục chi tiêu kể cả khi không được phát hành thêm nợ. Điều luật này có lẽ sẽ rơi vào quên lãng nếu trần nợ được giải quyết. Tuy nhiên, cuộc chiến căng thẳng cuối năm ngoái và đàm phán ngân sách năm nay đã khiến nhiều người phải cân nhắc.
Những người ủng hộ kế hoạch này cho rằng đây là cách duy nhất Tổng thống Obama có thể cắt giảm chi phí An sinh xã hội và các chương trình bảo hiểm khác. Trước đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã "nhắn nhủ" sẽ dùng trần nợ công để buộc ông cắt giảm thêm chi tiêu công.
Nhà phân tích Josh Barro của Bloomberg cũng cho rằng nếu Đảng Cộng hòa liệt kê cả danh sách yêu cầu cần đáp ứng để nâng trần nợ, ông Obama chỉ cần tuyên bố sẽ cho đúc xu bạch kim để trả nợ nếu không đi vay được nữa. Tuy nhiên, để tránh lạm phát trong dài hạn, Tổng thống nên cam kết sẽ phát hành trái phiếu để mua lại chỗ xu trên ngay khi có thể.
Ý tưởng này thậm chí còn được đưa lên website của Nhà Trắng để trưng cầu dân ý. Được lập ra hai ngày trước, đến nay, số người đồng ý đúc xu 1.000 tỷ USD đã được 3.158. Theo luật, nếu có 25.000 chữ ký chấp thuận, Nhà Trắng sẽ phải cân nhắc giải pháp này.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của ý tưởng trên. Nhà phân tích Chris Krueger của Guggenheim Partners trả lời trên Huffington Postrằng : "Ảnh hưởng của việc này lên thị trường tiền tệ và lạm phát vẫn rất mơ hồ. Thêm vào đó, nó còn có thể châm ngòi cho một làn sóng kiện tụng". Một số người cũng biện luận điều luật đó đặt ra là để chính phủ đúc tiền kỷ niệm, chứ không phải tiền chi tiêu cho hoạt động thường ngày.
Jack Balkin, giáo sư luật tại Đại học Yale (Mỹ) cũng nhận định giải pháp này quá rủi ro. Theo ông, nếu không thể nâng trần nợ, chính phủ có thể sẽ phải giải tán một số cơ quan. Đó mới chính là việc sẽ thôi thúc Quốc hội hành động.
Theo VnExpress