Thế là thiên niên kỷ thứ ba mới đó đã trôi qua một giáp: thấm thoát đã 12 năm!
Thời gian là chất liệu bao trùm, chi phối tất cả. Nó hủy hoại, làm xuống cấp mọi thứ, nhưng cũng làm sinh sôi nảy nở nếu chúng ta biết tôn trọng nó, nhận ra nó là một dòng chảy vĩ đại và biết đặt nó là trọng tâm trong mỗi toan tính của mình. Khi ấy, thời gian sẽ trở thành một món quà lớn của Thượng đế.
Khi được truyền lại một cơ ngơi, các doanh nhân nên làm nó “lên tuổi”, đừng sớm mất tập trung mà “đa dạng hóa” lung tung sang các ngành thời thượng, lãi cao kiểu bong bóng. |
Nguyên liệu của Thượng đế
Một nghệ nhân chế biến thực phẩm hàng đầu của Ý khi được hỏi về công thức làm ra món thịt muối Parma tuyệt hảo đã trả lời tỉnh khô: “Thịt, muối và… thời gian”. Chính thời gian là “nguyên liệu” chủ yếu làm “chín muồi” miếng thịt sống ướp muối, giúp tạo ra hương vị của món thịt tuyệt hảo này.
Trong kiến trúc cũng vậy, một kiến trúc sư Pháp đã có lần hỏi người viết: “Ông biết cần gì để có một ngôi nhà đẹp hoặc để sửa một ngôi nhà cho nó đẹp không?” và bật mí luôn: “Cần thời gian! Để ngôi nhà cũ đi một chút, tức “aging” nó (làm nó “lên tuổi”), để cây xanh mọc lên thật tự nhiên là ngôi nhà xấu cũng thành đẹp!”.
Thiệt, cứ về quê nghèo của ta đi, thấy thềm xưa, nhà cũ, mái ngói rêu phong, bụi chè tàu, lối vào rợp bóng cây… sẽ thấy “lâu đài khuê các của chốn thị thành” chả là gì ngay!
Trong kinh doanh, đầu tư…, thời gian còn là thứ cốt tử hơn. Mọi bài học về đầu tư bao giờ cũng bắt đầu bằng khái niệm “the time value of money” (Giá trị thời gian của đồng tiền).
Người ta không chỉ đánh giá rủi ro hay lợi nhuận của cú đầu tư, mà còn cần phải biết bao lâu thì hoàn vốn. Giới đầu tư bao giờ cũng nhớ đến Luật 72 (Rule of 72), một công thức tính nhẩm bình dân nhưng hiệu quả, để xem thử với một lãi suất như vậy mất bao lâu thì số tiền tôi đầu tư tăng gấp đôi.
Ta lấy 72 chia cho lãi suất hằng năm sẽ ra số năm, thí dụ, nếu đầu tư 1.000 đôla, lãi suất 6% một năm, lấy 72 chia 6 ta có 12 năm là thời gian cần để 1.000 đôla thành 2.000 đôla.
Thời gian là bột men của Thượng đế để làm thấm thịt, để lên men rượu, để phân định kiến trúc nào thành kỳ quan, để đồng tiền sinh sôi, tài sản được tích lũy và nảy nở…
Tiền cũ và tiền mới
Khái niệm “tiền cũ – tiền mới” ở đây không phải độ cũ – mới của đồng bạc mà là đường đi của đồng vốn có từ lâu đời, được bảo tồn, tăng trưởng khéo léo qua thời gian, biến thành sức mạnh kinh tế – tiền mới – cho chủ nhân. “Tiền cũ” của các nước phương Tây là một công cụ rất thâm hậu, không chỉ đi tiếp thành tiền nhiều hơn, chúng còn được chuyển hóa sâu vào những tài sản phi vật thể, vào quyền lực, vào các định chế toàn cầu.
Nhóm tư vấn quản lý tài sản Pictec, một loại ngân hàng tư nhân chuyên quản lý tài sản cho nhà giàu, đã có một châm ngôn ẩn dụ nhiều ý nghĩa: “Các doanh nhân làm ra tiền mới, chúng tôi bảo vệ để nó trở thành tiền cũ”. Ký tên bên dưới: Private Bankers since 1805 (Những chủ nhà băng tư nhân, thành lập từ năm 1805).
Quan trọng không kém, để quản lý “tiền cũ” ấy, Pictec tự gọi mình là banker (chủ nhà băng) chứ không phải là bank (nhà băng), bởi họ là những cá nhân rất giàu có, là dân của… tiền cũ với hơn 200 năm tồn tại, đồng thời là những nghệ nhân, những bậc thầy nắm vững nghệ thuật bảo toàn đồng vốn bằng sự chăm chút mang tính cá nhân.
Họ như nói rõ: “Là tôi đây, tôi giàu có, tôi là bậc thầy và tự tôi chịu trách nhiệm về tài sản của bạn đây”, chứ không phải là một bộ máy, nghe to lớn, vĩ đại mà rốt cuộc sụp đổ, thất thoát, nợ xấu tùm lum… rồi cười huề cả làng, rồi kêu chính phủ lấy thuế của dân ra… cứu!
Trẻ dại bên tiền mới, dẻo dai bên tiền cũ
Nhìn vào một trường hợp Pictec này thôi, chúng ta nhận ra cách làm ăn kinh bang tế thế mà ta đang vận hành là không ổn. Chẳng có gì của ta hiện nay được thời gian ngấm vào để phát huy, thăng hoa cả.
Tiền chỉ toàn là… “tiền mới” – mới toanh, tài sản có được của người giàu Việt giỏi lắm chỉ tích lũy từ trên dưới 20 năm nay (chưa bàn đến đó là tiền sạch hay bẩn), nên đó là tài sản yếu ớt, còn trẻ quá nên không nhiều và không thâm hậu.
Còn các doanh nghiệp, công ty hay ngân hàng của ta thì tuổi đời còn mỏng hơn và luôn không ổn định. Cách nay 30 năm, khi bắt đầu bước chân vào nghề báo, tôi là một phóng viên trẻ viết về mảng tiểu thủ công nghiệp, một mảng kinh tế rất sôi động vào lúc Việt Nam vừa có hòa bình.
Bao nhiêu tài hoa kinh doanh thời ấy gầy dựng lại sự nghiệp từ đây, họ gồm các doanh nhân, công kỹ nghệ gia Sài Gòn cũ, nhiều trí thức tài giỏi muốn thử sức mình trong sản xuất, một số lớn người Việt gốc Hoa rất giỏi công kỹ nghệ, nhiều cựu chiến binh, các tu sĩ Công giáo, các thầy Phật giáo…, biết bao nhiêu ngành nghề sôi nổi hoạt động dưới mô hình tổ hợp sản xuất, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng một thời.
Vậy mà đến nay thật khó để tìm ra các tên tuổi của một thời vang bóng ấy.
Thật ra một nền kinh tế bền vững chính là được ấp nở từ cái nôi của các doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa như thời hoàng kim tiểu thủ công nghiệp vừa nêu.
Ngay tại Mỹ, bạn tôi, một kỹ sư điện tử suốt gần 20 năm qua chỉ làm việc cho một công ty gia đình nhưng nổi tiếng toàn cầu trong giới hàng không. Công ty có hơn 10 công nhân nhưng nắm một công nghệ quan trọng để sản xuất thiết bị tạo được áp suất cao như áp suất khi bay cao trên bầu trời, để các hãng hàng không dùng mà thử các thiết bị bay của họ.
Công ty này do một gia đình giàu có loại “tiền cũ” nắm giữ và không bao giờ cổ phần hóa hay “go public”. Ở Nhật, ông anh của người bạn này là chủ một công ty nhỏ chuyên sản xuất máy thở siêu cao tần dùng cho trẻ sinh thiếu tháng, với công nghệ tinh xảo hàng đầu, công ty làm ăn rất uy tín đến mức Nhật hoàng phải đến thăm…
Các công ty như trên nhỏ nhưng không… bé. Theo thời gian, nhờ thời gian và nhờ giá trị của “tiền cũ”, chúng trở nên dẻo dai, không bao giờ bị bong bóng làm nổ tung.
“Hãy bắt đầu xây dựng truyền thống của bạn”
Đây là châm ngôn của một công ty hiểu rất rõ về giá trị của thời gian và truyền thống lâu đời – Patek Philippe, một công ty gia đình có từ năm 1839, với sản phẩm là những chiếc đồng hồ trị giá nhiều chục ngàn đôla có tuổi thọ truyền đời, được nhiều gia đình dùng làm của gia bảo.
Chả trách mà câu giới thiệu của công ty luôn nhấn mạnh: “Bạn thật sự không bao giờ giữ riêng cho mình một chiếc Patek Philippe. Bạn chỉ trông coi nó cho thế hệ tiếp theo”.
Xã hội chúng ta trải qua quá nhiều biến động trong lịch sử mấy trăm năm nên chẳng ai còn tâm trí màng đến việc xây dựng các doanh nghiệp truyền đời.
Nhưng nay có lẽ đã đến lúc các doanh nhân, doanh nghiệp phải bắt đầu xây dựng truyền thống được rồi. Cứ nhìn quanh ta xem, từ vỏ chai bia Sapporo của Nhật cũng ghi là loại bia có từ năm 1876. Xem phóng sự Turkisk Delights thấy có hẳn một gia đình chỉ làm và bán một loại kẹo suốt 200 năm qua. Rồi một gia đình nhập cư từ Armenia vào Thổ Nhĩ Kỳ chuyên làm bánh tráng sữa suốt năm thế hệ…
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế thường thâm canh sâu vào truyền thống, cải tiến và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, quản lý. Họ là một tập hợp có sức sống bền vững, trở thành chỗ dựa cho cả quốc gia, như trong trường hợp của Đức và Nhật…
Nhưng để làm được vậy, cần xây dựng xã hội biết tôn trọng các doanh nghiệp nhỏ, biết yêu mến công việc sản xuất, yêu sản phẩm truyền thống của gia đình. Dĩ nhiên, xã hội cũng cần các ngành trung gian: tài chính, dịch vụ hoặc bàn giấy nhà nước… Nhưng trên hết phải khuyến khích tinh thần kỹ nghệ, tinh thần lập nghiệp và bảo tồn cơ nghiệp.
Con đường thành đạt không nên chỉ biết đổ vào bằng cấp, chen chân vào chốn quan trường hay đi làm thuê cho các công ty nước ngoài, các đại công ty…
Khi tinh thần kỹ nghệ được tôn trọng, con cái sẽ thấy khâm phục cơ ngơi nhỏ nhưng độc đáo mà cha mẹ, ông bà mình lập ra. Việc biết làm một chiếc bánh trường tồn qua sóng gió thương trường, để vẫn đứng trong cửa hiệu đến ba bốn đời là chuyện hoàn toàn có thể đưa vào sách giáo khoa ngành kinh doanh, thậm chí sách đạo đức trong trường học…
Cho nên khi được truyền lại một cơ ngơi, các doanh nhân nên làm nó “lên tuổi”, đừng sớm mất tập trung mà “đa dạng hóa” lung tung sang các ngành thời thượng, lãi cao kiểu bong bóng.
Vẫn biết thành đạt rồi ai cũng cần xả hơi, nhảy sang lĩnh vực mới một chút như một cách “nghỉ ngơi”, nhưng bậc thức giả luôn nhớ rằng: “Khi thời gian ngủ thì lịch sử vẫn thức!” – thức và có thể gây nên ba đào ngay buổi mai hôm sau. Khi đó, chính những con thuyền cũ dẻo dai qua thời gian lại là thứ cứu ta khỏi cơn hồng thủy của khủng hoảng.
Theo WordPress